Nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá biển số ô tô, số tiền thu được sẽ rất ít

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:00, 07/11/2022

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá biển số ô tô, số tiền thu được sẽ rất hạn chế và sẽ không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá.

Góp ý về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho biết, từ trước đến nay, Nhà nước thực hiện việc cấp biển số xe cơ giới, trong đó có biển số xe ô tô để phục vụ cho việc quản lý nhà nước về xe cơ giới.

Do đó, biển số xe cơ giới nói chung vẫn được coi như là giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan nhà nước. Việc làm giả biển số xe cơ giới khi bị phát hiện được xử lý như là làm giả giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan nhà nước.

Ông Thịnh cho hay, dự thảo Nghị quyết lần này coi biển số xe ô tô là tài sản công dưới dạng tài sản đặc thù mà không phải giấy chứng nhận tài liệu của nhà nước nữa. Thực tế, cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định thế nào là tài sản đặc thù mà chỉ có Thông tư số 162 của Bộ Tài chính quy định về tài sản cố định đặc thù.

Như vậy, tài sản đặc thù là tài sản gì vẫn được coi là tài sản như quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự. Theo đó, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản khi được coi là tài sản thì có quyền tài sản theo quy định của Điều 115 Bộ luật Dân sự và quyền sở hữu tài sản được quy định tại 158 Bộ luật Dân sự…

Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết một mặt quy định biển số ô tô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển xe ô tô được cấp theo hình thức trúng đấu giá.

thinh-1.jpg
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu

Đại biểu Thịnh cho rằng, quy định như vậy là mâu thuẫn, nếu đã coi biển số ô tô là tài sản thì phải tuân theo những quy định của Bộ luật Dân sự về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản để những quy định trong hệ thống pháp luật được thống nhất.

Ngoài ra, ông Thịnh đề nghị cần sử dụng thống nhất chủ thể lựa chọn sử dụng biển số ô tô là cá nhân, tổ chức mà không cần quy định doanh nghiệp bởi doanh nghiệp cũng là tổ chức.

Về quyền nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng biển số xe ô tô cũng như điện thoại di động, là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do nhà nước quản lý.

“Không có văn bản nào quy định nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế. Nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá, đại biểu cho rằng chủ trương đấu giá biển số ô tô nhằm bổ sung ngân sách đối với số tiền thu được sẽ rất hạn chế, không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển xe ô tô”, ông Thịnh nêu.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh băn khoăn nội dung tại Điều 4 về quyền và quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe quy định…

Theo đó, đại biểu cho rằng, người nhận chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe của mình mà không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của mình, không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác… là không phù hợp.

Lý do là sau khi thực hiện thí điểm 3 năm, xe gắn biển đấu giá qua 2 đến 3 lần chuyển nhượng, biển số đã trúng đấu giá theo xe ô tô sẽ hết khấu hao và không được phép sử dụng, lưu hành. Trong khi đó, người nhận chuyển nhượng biển số theo xe không được chuyển nhượng riêng biển số xe cho người khác, cũng không được dùng để đăng ký cho xe của mình. Khi muốn mua xe mới thì chủ sở hữu phải đi đấu giá hoặc đăng ký một biển biển xe khác.

thinh-2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho hay, khi chuyển nhượng, cho, tặng thì có thể giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác, nhưng khi để lại thừa kế, tức là người trúng đấu giá đã qua đời thì làm sao có thể giữ lại để đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình như dự thảo Nghị quyết quy định. Vì lý do này, đại biểu Nhi đề nghị bỏ trường hợp thừa kế trong quy định này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, giá khởi điểm nên bắt đầu ở mức thấp.

Đại biểu cho rằng, việc giá khởi điểm thấp sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân hơn có thể quan tâm tham gia vào việc đấu giá để lựa chọn không phải là biển số “đẹp” (vì khái niệm “đẹp” tùy thuộc vào từng người và khác nhau ở từng miền) mà để hướng tới việc lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, làm như vậy thực hiện được mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức; tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước.

Ngoài ra, khi mức giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo thêm cơ hội cho thêm người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao được cùng tham gia để lựa chọn biển số xe ô tô theo nhu cầu sở thích của mình. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế và lắng nghe ý kiến của người dân.

Hoài Lam