Nỗi buồn nhân đôi
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:42, 08/11/2022
Người xưa bảo “cái nảy sảy cái ung”, chỉ một sự việc hầu như chẳng mấy liên quan đến ngành giáo dục để rồi cuối cùng dẫn đến cơ sự đau lòng này.
Cái sai, người cha trong câu chuyện này sai đã rõ bởi hành động này như cái tát nảy lửa vào ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo. Người cha ấy rồi sẽ chịu sự phán xử của pháp luật, không những thế còn chịu sự phán xử của công luận mà chỉ cần lên mạng xã hội chúng ta đã thấy rần rần những ngày qua.
Thế nhưng, là một nhà giáo, tôi tự hỏi rằng, đã có bao nhiêu người trong đội ngũ nhà giáo chúng ta nhìn nhận lại câu chuyện này thật bình tâm và tự vấn lương tâm của chính mình?
Lại nhớ thuở trước (lại chuyện ngày xưa, chắc hẳn ai đó sẽ buột mình khi đọc đến đây), song chuyện xưa mà chưa cũ: Những năm chúng tôi đi học, nếu không may có ai đó có vấn đề gì, thầy cô giáo bao giờ cũng bí mật mời riêng hoặc mời phụ huynh lên trường để thông tin và nhắc nhở. Có lẽ vì vậy mà những chuyện không hay liên quan đến học sinh hầu như ít người biết. Có lẽ cũng chính vì vậy mà nếu học sinh nào đó lỡ lầm gì đó họ cũng không xấu hổ (mắc cỡ) và âm thầm khắc phục.
Khi ấy, cả mấy anh em chúng tôi đều đi học và đến kỳ đóng tranh, tre cho nhà trường để lợp lại trường lớp (thuở ấy, trường lợp bằng tranh và mỗi năm học mỗi học sinh đều phải đóng góp theo phân bổ để lợp lái trường), mẹ tôi xoay xở mãi vẫn thiếu phần nộp của tôi.
Cô giáo chủ nhiệm đã 2 lần gọi riêng tôi ra để nhắc nhở. Thời hạn đóng đã hết nhiều ngày mà mẹ tôi vẫn không thể kiếm đủ 10 cái tranh để nộp cho nhà trường. Mỗi lần đến lớp, nhìn thấy cô tôi rất sợ và rụt rè.
Một hôm, sau buổi học, cô gọi tôi ra nói nhỏ rằng em về nói với mẹ không phải đóng nữa, cô đã đóng cho em.
Những ai đã đọc Tâm hồn cao thượng (tôi nghĩ, đã là nhà giáo chắc chắn cần đọc tác phẩm này) của văn hào người Italia thế kỷ XIX là Edmond De Amicis đều biết câu chuyện này, đại ý như sau: Một bà mẹ đến trường đón con nhỏ của mình. Vừa ra khỏi lớp, nhìn thấy mẹ, đứa trẻ liền chạy nhào tới ôm chầm lấy mẹ của mình. Người mẹ liền tỏ vẻ rất giận giữ và đẩy con mình ra rồi đi rất xa ra chỗ khác.
Về nhà, bà mẹ nói với con của mình: con thật vô ý, bạn con vừa mất mẹ, chắc hẳn bạn con rất đau khổ, con thật hạnh phúc biết bao khi còn mẹ và lại được mẹ đến trường đón con, trước mặt bạn, con ôm chầm lấy mẹ như vậy sẽ làm cho bạn con đau lòng…
Từ câu chuyện này, lại nghĩ gần đây cũng có những ý kiến bàn về việc không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường, bản thân tôi cho rằng đó là đề xuất không phù hợp. Các em ở bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông đã tự ý thức rất sâu sắc về bản thân mình.
Trong một lớp học, một ngôi trường chắc chắn có nhiều học sinh có số phận khác nhau, mặc đồng phục là để ít nhất khi bước chân vào cổng trường các cháu thấy mình giống như bạn, thấy mọi người đều giống nhau. Trở lại câu chuyện nêu trên, nếu vị hiệu trưởng tâm lý hơn thì những chuyện đau lòng như vậy đã không xảy ra sau đó. Cũng vậy, nếu người cha nọ biết kiềm chế hơn, đừng hung hăng bất chấp thì sự việc đâu đến nỗi này.
Hiệu trưởng bị xúc phạm, bị làm nhục trước mắt bao người, bao học sinh cũng đã xảy ra; người cha rồi sẽ chịu sự phán xử của pháp luật nhưng còn 2 cháu bé, các em có tội lỗi gì?
Sau chuyện này liệu các em có còn dám đến trường nữa hay không? Nếu người cha đi tù thì các em, dù có muốn tiếp tục đến trường liệu có còn có điều kiện để đi học nữa hay không? Từ câu chuyện đau lòng này, có lẽ mỗi nhà giáo cần phải tự chất vấn lương tâm của mình, phải suy nghĩ và ứng xử với học trò tâm lý hơn, nhân văn hơn.
Cũng vậy, cũng từ câu chuyện này, những người có trách nhiệm đối với ngành giáo dục cần chấn chỉnh, rà soát lại tất cả, hãy trả môi trường giáo dục lại cho ngành giáo dục, đừng bắt giáo viên, đừng bắt trường học phải quàng gánh thêm những công việc - vốn không những không phải là trách nhiệm của họ mà còn gây thêm áp lực nặng nề.