Nhiều nước đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế, áp lực nào lên hàng xuất khẩu Việt Nam?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:00, 08/11/2022
Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu chững lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Mỹ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 10 tăng không nhiều so với tháng trước đó.
Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,27 tỉ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,8 tỉ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỉ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỉ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước, với kim ngạch ước đạt 269,5 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 10% như: phân bón các loại tăng 153%; hóa chất tăng 40,8%; sản phẩm hóa chất tăng 31,2%; hàng dệt và may mặc tăng 22%...
Tháng 10.2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,27 tỉ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỉ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,3 tỉ USD.
Tuy nhiên, thời gian tới thị trường xuất khẩu sẽ phải đối mặt thách thức bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế.
Đáng chú ý, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước. Đồng thời, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.
"Thị trường xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường khi kinh tế Mỹ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế..., dẫn tới nhiều hệ lụy cho tăng trưởng kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200% GDP)", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại thị trường nội địa, đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD trong xu hướng mất giá chung làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...
Việc tỷ giá USD tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử, nhựa….), gây sức ép giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề cập tới vấn đề, chuỗi cung ứng vẫn có nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu. Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Xu hướng bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp tục khi các quốc gia vẫn tăng cường việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thiếu vốn và tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi và mở rộng sản xuất...