NASAMS liệu có thể giúp Ukraine đối phó với không kích của Nga?
Quốc tế - Ngày đăng : 10:38, 09/11/2022
Tháng trước, nhà sản xuất NASAMS là Raytheon Technologies thông báo đã vận chuyển 2 hệ thống đầu tiên đến Ukraine. Khoảng 100 binh lính Ukraine được lực lượng Na Uy huấn luyện sử dụng NASAMS.
Ukraine muốn có NASAMS để đối phó máy bay không người lái của Nga. Nhiều đợt tấn công dồn dập vào cơ sở hạ tầng thời gian qua khiến việc sở hữu hệ thống này càng trở nên cấp bách.
NASAMS phụ trách bảo vệ không phận nhạy cảm quanh Nhà Trắng lẫn Điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) ở thủ đô Washington. Hệ thống này có tầm bắn hơn 160km, Ukraine tin rằng đây là vũ khí có thể xoay chuyển tình hình cuộc chiến, giống như pháo HIMARS họ nhận được đầu năm nay.
Ukraine còn triển khai hệ thống IRIS-T của Đức. Khí tài này được khen ngợi hoạt động hiệu quả, nhưng NASAMS vẫn vượt trội hơn bởi là hệ thống phòng không phóng từ mặt đất tầm ngắn đến trung có thể tiến hành tác chiến mạng trung tâm (tất cả hệ thống chiến đấu thuộc mọi binh chủng đều dùng mạng thông tin duy nhất).
Với tác chiến mạng trung tâm cùng với năng lực tấn công ngoài tầm ngắm (BVR), tích hợp được với hệ thống tích hợp phòng thủ tên lửa và phòng không (IAMD), NASAM đủ sức làm tốt nhiệm vụ phát hiện, tiêu diệt tên lửa hành trình Nga phóng từ đất liền, trên không lẫn trên biển.
Chuyên gia quân sự người Ukraine Roman Svitan nhận định 2 hệ thống NASAMS đầu tiên Mỹ bàn giao có thể “đóng cửa” không phận Kyiv. Tuy nhiên một số chuyên gia khác không cho rằng NASAMS có thể xoay chuyển tình hình cuộc chiến.
Điểm yếu của NASAMS
Chuyên gia Svitan cho biết NASAMS sử dụng tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 vốn được dùng bởi chiến đấu cơ và đã chứng minh được năng lực chiến đấu tiêu diệt loạt mục tiêu trên không như tên lửa hành trình, máy bay có người lái lẫn không người lái. Nhưng chưa rõ gói viện trợ của Mỹ có bao gồm tên lửa này hay không. Ngoài AIM-120, NASAMS còn phóng được các tên lửa AIM-9X Sidewinder, AMRAAM, AMRAAM-Extended.
Ukraine nhiều khả năng dùng NASAMS bảo vệ giới lãnh đạo cùng loạt trung tâm chỉ huy mà Nga đang nhắm tới. Khi NASAMS được triển khai, Nga có thể dùng tên lửa đạn đạo hoặc máy bay không người lái Geran-2 để tấn công. Ngoài ra còn có mối nguy từ tên lửa siêu thanh AS-24 Killjoy được triển khai tại Belarus. Giám đốc Trung tâm Sáng kiến an ninh quốc gia (Đại học Colorado, Mỹ) Iain Boyd đánh giá NASAMS đem lại năng lực tác chiến nhất định, nhưng sẽ rất vất vả khi đối phó Killijoy.
Mỹ không cho biết NASAMS viện trợ Ukraine là hệ thống nguyên mẫu hay phiên bản cải tiến. Giới chuyên gia nhận định hệ thống Kyiv nhận được là NASAMS-II.