Gần 200 trẻ em chết vì tổn thương thận, Indonesia đình chỉ giấy phép thêm 2 hãng sản xuất siro
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:53, 09/11/2022
Indonesia đã tạm thời cấm bán một số loại thuốc làm từ siro vào tháng 10 sau khi xác định sự hiện diện của ethylene glycol và diethylene glycol trong một số sản phẩm, là những yếu tố có thể gây ra căn bệnh này.
Hai thành phần được sử dụng trong chất chống đông, chất lỏng phanh và các ứng dụng công nghiệp khác nhưng cũng là một chất thay thế rẻ hơn trong một số sản phẩm dược phẩm cho glycerine (dung môi hoặc chất làm đặc trong nhiều loại siro ho).
Ethylene glycol và diethylene glycol có thể gây độc, dẫn đến tổn thương thận cấp tính.
Chất lỏng phanh là hút ẩm, hấp thụ nước có thể dễ dàng đun sôi ở nhiệt độ cao trong hệ thống phanh.
Penny K. Lukito, Giám đốc Cơ quan giám sát thuốc và thực phẩm Indonesia (BPOM), nói với các phóng viên rằng công ty PT Samco Farma và PT Ciubros Farma đã sử dụng hàm lượng cao ethylene glycol và diethylene glycol trong các sản phẩm của họ.
Bà cho biết hai công ty này đã được lệnh thu hồi các sản phẩm và tiêu hủy các lô còn lại, đồng thời tạm thời thu hồi giấy phép sản xuất của họ.
Samco Farma và Ciubros Farma không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.
Penny K. Lukito nói các nhà chức trách Indonesia đang điều tra chuỗi cung ứng nguyên liệu thô và quy trình sàng lọc để tìm hiểu làm thế nào mà một lượng dư thừa của ethylene glycol, diethylene glycol lại xâm nhập vào các sản phẩm.
Bà cho hay: “Đường dây phân phối rất dài, từ nhà nhập khẩu đến một số nhà phân phối sản phẩm hóa chất và thương nhân lớn cho đến khi nguyên liệu thô đến được các ngành công nghiệp dược phẩm”.
Đầu tuần này, BPOM đã đình chỉ giấy phép phân phối của ba công ty khác sản xuất các sản phẩm được cho có chứa hàm lượng cao ethylene glycol và diethylene glycol.
Các vụ trẻ em bị tổn thương thận cấp tính bất thường ghi nhận đầu tiên tại Gambia.
Indonesia đã điều tra các ca tử vong với sự tham vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau một vụ việc tương tự ở Gambia năm nay, nơi đã chứng kiến ít nhất 70 ca tử vong liên quan đến thuốc siro do hãng Maiden Pharmaceuticals (Ấn Độ) sản xuất.
Các nhà chức trách y tế Ấn Độ đã ngừng tất cả việc sản xuất tại Maiden Pharmaceuticals sau khi WHO báo cáo rằng siro ho và cảm lạnh xuất khẩu sang Gambia có thể liên quan đến cái chết của ít nhất 70 trẻ em ở đó.
Các nhà chức trách Ấn Độ kiểm tra nhà máy chính của Maiden Pharmaceuticals ở bang Haryana bốn lần trong tháng này và đã đình chỉ tất cả hoạt động sản xuất từ ngày 11.10, sau khi phát hiện công ty này sản xuất và thử nghiệm thuốc vi phạm các quy tắc "trong các hoạt động sản xuất và thử nghiệm".
"Do mức độ nghiêm trọng của các vi phạm quan sát được trong quá trình điều tra và nguy cơ tiềm ẩn của nó với chất lượng, an toàn và hiệu quả loại thuốc được sản xuất, tất cả hoạt động sản xuất của công ty đang bị dừng ngay lập tức", theo lệnh của liên bang và các cơ quan quản lý thuốc bang Haryana.
Siro ho và cảm lạnh xuất khẩu sang Gambia được Maiden Pharmaceuticals sản xuất trong một lô duy nhất vào tháng 12.2021 tại nhà máy chính ở quận Sonipat của bang Haryana, khoảng 40 km về phía bắc thủ đô New Delhi, với hạn sử dụng là tháng 11.2024, lệnh cho biết.
Ngày 7.11 vừa qua, Bộ Y tế Indonesia thông báo số trẻ em chết do tổn thương thận cấp tính liên quan đến một số loại thuốc siro ho đã tăng lên 195, tăng hơn 60 ca so với con số được xác nhận đến hôm 21.10.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia - Mohammad Syahril cho biết hơn 320 trường hợp tổn thương thận cấp tính đã được ghi nhận ở các tỉnh trên cả nước này và 27 bệnh nhân vẫn đang nằm viện. Hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng đều dưới 5 tuổi, theo hãng tin AFP.
Theo ông Mohammad Syahril, các kết quả xét nghiệm cho thấy đa số ca tử vong liên quan đến sử dụng loại siro chứa lượng lớn ethylene glycol và diethylene glycol.
Nhà chức trách đã nhập 246 lọ thuốc điều trị tổn thương thận cấp tính, trong đó đa số do Singapore và Úc tặng. Những lọ thuốc này đang cho thấy kết quả điều trị tích cực.
Indonesia thường ghi nhận 2-5 ca tổn thương thận cấp tính/tháng. Tuy nhiên, sau khi báo cáo các trường hợp tổn thương thận cấp tính tăng đột biến kể từ tháng 8, nhà chức trách đã mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Hồi tháng 10, BPOM đã xác định được 5 loại siro chứa lượng chất độc hại ở mức nguy hiểm và ra lệnh thu hồi, tiêu hủy toàn bộ. Cảnh sát sau đó mở cuộc điều tra một số công ty dược phẩm trong nước, với hai hãng đã bị tước giấy phép sản xuất.