Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở Trung Quốc vẫn “rủi ro cao”, ký túc xá hỗn loạn

Thế giới số - Ngày đăng : 23:45, 09/11/2022

Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã thông báo chấm dứt tình trạng phong tỏa (diễn ra 7 ngày qua) với một số khu vực, nhưng không có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn điều hành.

Kể từ trưa 9.11, các cộng đồng trong Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu không có bất kỳ trường hợp dương tính nào với COVID-19 trong 7 ngày liên tiếp có thể trở lại "cuộc sống bình thường”. Tuy nhiên, nhiều khu vực trong thành phố Trịnh Châu vẫn được xếp vào loại “rủi ro cao”, gồm cả nhà máy của Foxconn.

Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu là một khu kinh tế dựa trên sân bay được phát triển xung quanh Sân bay Quốc tế Tân Chính Trịnh Châu, Trung Quốc. Nó có diện tích 415 kmnằm cách thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam khoảng 25 km về phía đông nam. 

Người dân phải đối mặt với việc di chuyển bị hạn chế. Người dân chỉ có thể ra ngoài nếu có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong ngày gần nhất, theo thông báo. Lệnh cấm ăn uống tại các nhà hàng trên toàn thành phố Trịnh Châu vẫn được áp dụng và học sinh phải tiếp tục tham gia các khóa học trực tuyến.

Khu vực bao quanh nhà máy 5,6 triệu m2 của Foxconn (hãng sản xuất theo hợp đồng lớn nhất cho Apple) đã được dán nhãn là "khu vực kiểm soát tạm thời để tránh vi rút SARS-CoV-2 lan ra ngoài". Người dân ở đó không thể rời khỏi khu dân cư và có thể bị giữ lại trong căn hộ nếu có một ca mắc COVID-19 mới trong 7 ngày qua.

Thành phố Trịnh Châu không nói rõ những biện pháp này sẽ duy trì trong bao lâu. Foxconn không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Chính quyền Trịnh Châu vẫn đề phòng mọi khả năng có thể tái xuất hiện của vi rút SARS-CoV-2 vì cố gắng tuân thủ chính sách Zero COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc.

nha-may-iphone-lon-nhat-la-khu-vuc-rui-ro-cao.jpg
Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu, nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới - Ảnh: Cissy Zhou

Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, chỉ là nơi mới nhất ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi sự kiểm soát COVID-19. Song nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, với gần 300.000 công nhân lúc cao điểm, khiến Trịnh Châu trở thành điểm đặc biệt đáng quan tâm với Apple - hãng công nghệ lớn nhất thế giới.

Mới đây, Apple cho biết nhà máy này hoạt động với công suất giảm đáng kể, dẫn đến lượng hàng xuất xưởng thấp hơn dự kiến ​​và thời gian giao iPhone 14 Pro cùng iPhone 14 Pro Max lâu hơn.

"Cơ sở đang hoạt động với công suất giảm đáng kể. Chúng tôi tiếp tục nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ với các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi dự kiến ​​lượng hàng iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max sẽ thấp hơn so với dự đoán trước đây", theo công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ.

Tháng trước, hãng tin Reuters đã báo cáo rằng sản lượng iPhone trong tháng 11 có thể giảm tới 30% tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu do việc thắt chặt quy định COVID-19 của Trung Quốc.

Apple dự kiến sẽ sản xuất ít hơn 3 triệu máy dòng iPhone 14 so với dự đoán ban đầu trong năm nay, theo những người quen thuộc với kế hoạch của hãng.

Apple và các nhà cung cấp của họ hiện đặt mục tiêu sản xuất 87 triệu máy dòng iPhone 14, so với mục tiêu 90 triệu trước đó. Việc sụt giảm chủ yếu do nhu cầu thấp hơn với các mẫu iPhone 14 và 14 Plus.

Hôm 7.11, Foxconn cho biết sẽ điều chỉnh lại triển vọng cho quý 4/2022 "do đại dịch ảnh hưởng đến một số hoạt động của họ ở Trịnh Châu".

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trịnh Châu vào tháng trước, Foxconn đã vận hành nhà máy ở đó theo chế độ khép kín để giữ công nhân ở lại khuôn viên. Tuy nhiên, khi các ca mắc COVID-19 gia tăng, công nhân phàn nàn về điều kiện sống và hàng chục ngàn người đã bỏ trốn vì sợ nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Để tránh tình trạng công nhân bỏ đi, Foxconn đã tăng cường khuyến khích người lao động ở lại. Foxconn đề nghị trợ cấp một lần 500 nhân dân tệ (70 USD) cho những người đã rời khỏi nhà máy để họ trở lại làm việc.

Một thông báo bởi đơn vị Foxconn chịu trách nhiệm sản xuất iPhone cho biết, trợ cấp "chăm sóc và tình yêu" là lời đề nghị "tuyển dụng trước" vì công nhân sẽ không thể trở lại nhà máy đến khi chính quyền địa phương dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào 9.11.

Những công nhân bỏ trốn khỏi nhà máy từ ngày 10.10 đến ngày 5.11 đã được yêu cầu đăng ký tại các cơ quan lao động địa phương nếu muốn quay trở lại làm việc. Foxconn sẽ tổ chức vận chuyển để đưa họ trở lại nhà máy theo cách "điểm nối điểm, vòng khép kín" một khi việc phong tỏa ở Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu được dỡ bỏ.

Tuần trước, công ty Đài Loan đã tăng gấp bốn lần tiền thưởng cho công nhân hàng ngày của mình lên 400 nhân dân tệ.

Trong số những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2, Foxconn đã bổ sung thêm nhân viên thu thập mẫu xét nghiệm PCR, tăng cường khử trùng và cung cấp các dịch vụ khác. Tuy nhiên, các công nhân nói với trang SCMP rằng tình hình trong khuôn viên nhà máy vẫn vô tổ chức, một phần là do không có đủ không gian cách ly cho những người mắc COVID-19 và tiếp xúc gần.

Họ cho biết việc quản lý ký túc xá cũng hỗn loạn vì một số công nhân bị cách ly được yêu cầu dọn giường cho những người mới đến vì không làm việc ít nhất ba ngày.

Theo các công nhân Foxconn, một lĩnh vực đã được cải thiện là chăm sóc y tế. Họ được tiếp cận với thảo dược điều trị COVID-19 của Trung Quốc là Lianhua Qingwen (Liên hoa thanh ôn), thuốc chống viêm không steroid và thuốc kháng vi rút Azvudine. Các thuốc này đều được phát miễn phí cho những người bị cách ly và giúp giảm bớt lo lắng về việc đổ bệnh.

Lianhua Qingwen là một loại thảo dược với thành phần có hoa kim ngân, hoa chuông vàng Nhật Bản và một số loại thực vật khác.

Cả Foxconn và chính quyền địa phương đều không báo cáo số ca mắc COVID-19 được xác nhận tại nhà máy ở Trịnh Châu.

Các cơ quan y tế tỉnh Hà Nam ghi nhận 159 ca mắc COVID-19 có triệu chứng hôm 8.11, tất cả đều ở Trịnh Châu. Trong số 888 ca mắc COVID-19 không có triệu chứng ở tỉnh Hà Nam, 884 người đến từ Trịnh Châu.

Sơn Vân