Quốc hội quyết định không thành lập Ban thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:41, 10/11/2022

Luật Thực hiện dân chủ cơ sở vừa được thông qua không quy định về thành lập ban thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.

Sáng 10.11, Quốc hội thông qua dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội thông qua với 443 đại biểu tán thành (88,96% tổng số đại biểu).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Ông Tùng cho hay, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước (các doanh nghiệp tư nhân) thì thực hiện theo các quy định chung tại luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.

“Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả”, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay.

Về việc thành lập ban thanh tra nhân dân, dự thảo luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Đặc biệt, không quy định về thành lập ban thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.

qh.jpg
Quốc hội thông qua dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về 2 vấn đề trên.

Kết quả trên 60% trong số 432 đại biểu Quốc hội trả lời (trên 50% tổng số đại biểu) không tán thành việc áp dụng các quy định của luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như thành lập ban thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp tư nhân.

Tại Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở được lấy ý kiến tại Quốc hội trước đó, một quy định mới là việc thực hiện dân chủ tại các tổ chức có sử dụng lao động (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã...).

Cụ thể, các tổ chức lao động phải công khai các thông tin như tình hình sản xuất, kinh doanh, nội quy lao động, thang lương, bảng lương, việc trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi... Dự thảo cũng đề xuất việc thành lập Ban thanh tra nhân dân ở các tổ chức này.

Ban thanh tra do người lao động tại tổ chức bầu, gồm 3-9 người (không giữ các chức vụ, thẩm quyền ban lãnh đạo) theo đề nghị của Công đoàn cơ sở hoặc tổ chức khác đại diện cho người lao động tại cơ sở.

Trong những trường hợp đặc thù, hoặc hoạt động phân tán, số lượng thành viên Ban thanh tra có thể nhiều hơn để đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Nếu tổ chức có ít hơn 10 người lao động thì không tổ chức Ban thanh tra. Nhiệm kỳ của ban này là 2 năm.

Ban thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở... Đồng thời, có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý doanh nghiệp, tổ chức khi có dấu hiệu vi phạm.

Trước dự thảo luật này, 8 hiệp hội gửi riêng kiến nghị lên Quốc hội. Các hiệp hội cho biết, là đối tượng chịu tác động lớn từ dự thảo Luật nhưng chỉ biết đến dự thảo qua báo chí chứ chưa được tham vấn, đóng góp ý kiến. Qua nghiên cứu, 8 hiệp hội trong nước nói rằng nếu áp dụng dự thảo cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn và chưa phù hợp thực tế.

Các hiệp hội lập luận, khác với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân vận hành bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách. Do đó, doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định việc quản trị mà không cần phải hỏi ý kiến người lao động.

Luật pháp cũng quy định về việc doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh. Bởi vậy, nếu áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân, luật chỉ nên dừng ở khía cạnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động như hiện tại Bộ luật lao động và Luật Công đoàn đã có quy định dựa trên cơ chế giám sát, kiểm tra và thương lượng.

Với Ban thanh tra nhân dân, các hiệp hội thống nhất rằng doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn để đại diện cho người lao động, không nên phát sinh thêm một tổ chức mới bởi như vậy sẽ chồng chéo, gây tốn chi phí, tốn nhân lực cho công đoàn và doanh nghiệp.

Cũng theo các hiệp hội, việc cung cấp và công khai toàn bộ thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị như tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động, thang lương, bảng lương... là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.

Doanh nghiệp lo ngại việc trao quyền cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến người lao động dễ dàng phát sinh yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp..., gây bất ổn cho doanh nghiệp và xã hội.

Eurocham cũng nhận định, dự thảo luật nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, tạo ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới cũng như có thể làm gián đoạn tiến trình phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu.

Hoài Lam