Quốc hội giao mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, lạm phát 4,5%
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:55, 10/11/2022
Với 465/466 đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 10.11, các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình Nghị quyết, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% là khá cao, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Có ý kiến đề nghị nên đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 5 - 5,5%, nhưng lại có ý kiến cho rằng mức 6,5% là thấp so với mức 8,83% trong 9 tháng đầu năm 2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2023, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở ước thực hiện GDP năm 2022 đạt khoảng 8% là nền tăng trưởng cao, và dự báo bối cảnh thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến nền kinh tế nước ta; sức ép lạm phát, suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế ở một số nền kinh tế, đối tác lớn.
Dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững KTXH, phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2023, do đó, xin giữ như dự thảo Nghị quyết.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về cải cách tiền lương; điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mức lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995 và đối tượng người có công; đề nghị tăng đầu tư cho giáo dục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các nội dung trên liên quan đến phân bổ, bố trí ngân sách nhà nước, do đó sẽ được xem xét, nghiên cứu và bổ sung trong các nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2023 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Về chính sách tiền tệ, Chính phủ cần có biện pháp tăng năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng trong mọi tình huống; kiểm soát chặt lạm phát, điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá.
Chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, chống thất thu, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán.
Chính phủ cũng được yêu cầu xử lý triệt để các dự án "treo", chậm tiến độ; hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo...
Theo nghị quyết, Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án đường sắt đô thị; các dự án đường cao tốc, đường vành đai đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Cùng đó, Chính phủ được yêu cầu tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong bảo đảm cung cấp điện đi vào vận hành, như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Vân Phong 1...
Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chính phủ và các cơ quan liên quan phải xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện, môi trường làm việc để sớm khắc phục tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc...