Nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc lần đầu đánh giá về biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới từ Mỹ

Thế giới số - Ngày đăng : 22:52, 10/11/2022

SMIC cho biết đang đánh giá chi tiết hơn tác động từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất từ Mỹ với hoạt động của mình, sau khi báo cáo doanh thu không tăng nhiều trong quý 3/2022.

SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc) là hy vọng tốt nhất của Trung Quốc để đạt được khả năng tự cung tự cấp cao hơn trong sản xuất chip tiên tiến.

Đã nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, SMIC cho biết trong một hồ sơ công ty cuối ngày 10.11 rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới do chính quyền Biden áp đặt cùng nhu cầu yếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quý 4/2022.

"Nhu cầu thấp trong lĩnh vực smartphone và điện tử tiêu dùng, cùng với việc một số khách hàng phải mất thời gian để giải thích các quy định kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ, có nghĩa là doanh thu quý 4 dự kiến ​​sẽ giảm 13% đến 15%", SMIC cho biết.

Đây là lần đầu tiên SMIC đã đưa ra đánh giá ban đầu về tác động từ các quy tắc mới của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) được ban hành hôm 7.10.

SMIC cho biết các quy định mới sẽ có tác động tiêu cực sản xuất và hoạt động của họ. Công ty đang cố gắng làm rõ các định nghĩa nhất định trong các quy định mới nhất của Mỹ.

SMIC đi sau TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan) và Samsung Electronics về công nghệ sản xuất chip, nhưng công ty có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ về chip tại quê nhà, có thể được sản xuất bằng các công nghệ nút trưởng thành.

Doanh thu quý 3 của SMIC chỉ tăng 0,2% lên 1,91 tỉ USD so với quý 2, nhưng tăng mạnh 34,7% so với 1,42 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng của SMIC là 574,4 triệu USD trong quý 3, tăng 54,1% so với một năm trước, công ty cho biết trong hồ sơ của mình.

SMIC đã tăng kế hoạch chi tiêu vốn trong năm nay lên 6,6 tỉ USD từ mức 5 tỉ USD.

SMIC, công ty duy nhất ở Trung Quốc có thể tạo ra chip theo quy trình 14 nanomet trong sản xuất quy mô lớn, đã bị thêm vào danh sách thực thể của Mỹ hồi tháng 12.2020. Điều này đã ngăn không cho SMIC phát triển công nghệ dưới ngưỡng quan trọng 10 nanomet, vốn thường được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến cho smartphone và máy tính bảng.

Gần đây, các phương tiện truyền thông đưa tin SMIC đã đạt được khả năng sản xuất một chip đặc biệt với quy trình 7 nanomet tiên tiến, điều mà công ty chưa bao giờ công khai phủ nhận hoặc xác nhận.

Biên lợi nhuận gộp trong quý 3/2022 của SMIC đạt 38,9%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với quý 2/2022, theo hồ sơ công ty.

nha-san-xuat-chip-so-1-trung-quoc-lan-dau-danh-gia-ve-bien-phap-kiem-soat-xuat-khau-moi-tu-my.jpg
Trụ sở chính của SMIC tại Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg

Cách đây 1 tuần, các nhà chức trách chính quyền thành phố Vô Tích, trung tâm bán dẫn lớn của Trung Quốc ở miền đông Trung Quốc, tập hợp các công ty chip địa phương để đánh giá tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới từ Mỹ.

Chính quyền địa phương của Khu Công nghệ cao Quốc gia Vô Tích và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Vô Tích đã tổ chức hội nghị chuyên đề thảo luận về các cách “tăng cường an ninh chuỗi cung ứng” để đối phó với các biện pháp hạn chế của Mỹ.

Những người tham gia gồm đại biểu từ Hua Hong Semiconductor, xưởng đúc đĩa bán dẫn lớn thứ hai Trung Quốc, cũng như hãng sản xuất chip Infineon Technologies (Đức) và nhà sản xuất linh kiện điện tử Murata Electronics (Nhật Bản).

Điều này đánh dấu lần đầu tiên các quan chức chính quyền Trung Quốc thừa nhận nỗ lực trong việc giúp các công ty bán dẫn địa phương giảm thiểu tác động tiềm tàng từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các thiết bị và công nghệ chip tiên tiến.

Bị thêm vào danh sách theo dõi thương mại của Mỹ, YMTC (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc) vào tháng trước đã bác bỏ thông tin tham dự cuộc họp với Bộ Công nghiệp Trung Quốc để đánh giá thiệt hại có thể có của các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ. Một số nhà phân tích coi đây là một nỗ lực của công ty nhằm giữ thái độ thấp khi đối mặt với sự trừng phạt khắc nghiệt hơn của Mỹ.

Trong cuộc họp tại thành phố Vô Tích, các đại biểu công ty đã thông báo cho các quan chức địa phương về những thách thức mới xuất phát từ các hạn chế mới nhất của Mỹ, gồm cả các chuyến hàng nguyên liệu và thiết bị làm chip từ nước ngoài bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.

Mỹ đã tăng cường kiểm soát xuất khẩu phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử và thiết bị sản xuất sang ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc… để làm chậm tiến độ sản xuất công nghệ và sản phẩm tiên tiến của Trung Quốc”, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Vô Tích cho biết.

Hiệp hội này nói thêm rằng lĩnh vực chip Trung Quốc nên tuân theo chiến lược “lưu thông kép” của Bắc Kinh, trong đó chú trọng hơn vào thị trường nội địa.

Các đại biểu công ty, cũng bao gồm cả nhà thiết kế chip Wuxi ETEK Micro-Electronics Co và hãng sản xuất thiết bị chip Jiangsu Leadmicro Nano-Equipment Technology, đã đề xuất với chính quyền địa phương rằng hợp lý hóa quy trình nhập khẩu thiết bị cũ và cho phép tái sản xuất thiết bị bán dẫn ở các khu thương mại tự do.

Chính quyền địa phương đã đồng ý trình lên cấp trên để xem xét.

Vô Tích, thành phố thuộc tỉnh Giang Tô (gần Thượng Hải), là nơi có nhiều nhà máy sản xuất chip lớn của Trung Quốc và nước ngoài, gồm cả Hua Hong Semiconductor và SK Hynix (tập đoàn chip nhớ khổng lồ Hàn Quốc).

Theo trang Bloomberg, lãnh đạo cấp cao SK Hynix từng nói có thể bán nhà máy khổng lồ của mình ở Vô Tích trong “tình hình cực đoan” rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ khiến việc duy trì sản xuất trở nên quá khó khăn. SK Hynix sau đó phủ nhận rằng kế hoạch như vậy đã được thực hiện.

Một điều chỉnh với chế độ kiểm soát xuất khẩu chip mới nhất của chính quyền Biden đang buộc các thực thể Trung Quốc bị ảnh hưởng phải liên hệ với các quan chức Mỹ để kiểm tra người dùng cuối.

Một thực thể Trung Quốc trong danh sách theo dõi thương mại (danh sách chưa được xác minh) sẽ bị thêm vào danh sách trừng phạt thương mại (danh sách thực thể) nếu không hoàn thành kiểm tra người dùng cuối trong vòng 60 ngày do chính quyền nước sở tại thiếu hợp tác, theo các quy định kiểm soát xuất khẩu do BIS ban hành vào ngày 7.10.

Thuộc Bộ Thương mại Mỹ, BIS tiến hành kiểm tra người dùng cuối để xác minh lòng tin với các công ty trong danh sách này.

Sự điều chỉnh liên kết trực tiếp đến hai danh sách này đã tạo thêm áp lực lên các công ty và chính quyền Trung Quốc trong việc phản ứng. Sự thay đổi này đã có tác động lớn vì các quan chức BIS tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đột nhiên trở nên bận rộn, theo một nguồn tin từ chối tiết lộ danh tính do đây là vấn đề riêng tư.

Trước đây, các quan chức kiểm soát xuất khẩu của Mỹ thường bị từ chối hoặc hoãn lại các chuyến thăm, với lý do được nêu ra là các biện pháp kiểm soát đại dịch hoặc lịch trình mâu thuẫn. Thế nhưng, động thái của Mỹ nhằm liên kết trực tiếp danh sách chưa được xác minh với danh sách thực thể và thời hạn 60 ngày làm tăng đáng kể sự cấp bách với các công ty chip bị ảnh hưởng để tìm kiếm giải pháp.

Tờ SCMP đưa tin các quan chức Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán ban đầu với Naura Technology Group (nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Trung Quốc) vì một trong những công ty con của họ bị thêm vào danh sách chưa được xác minh.

Một quan chức BIS từ Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ đến thăm thành phố Vũ Hán tuần này, theo một nguồn tin.

Các công ty chip có trụ sở tại Vũ Hán, bao gồm YMTC, Wuhan Juhere Photonic Technologies và Wuhan Institute of Biological Products, nằm trong số 31 thực thể bị Mỹ thêm vào danh sách chưa được xác minh vào ngày 7.10.

Nếu một chính phủ nước ngoài ngăn cản việc kiểm tra như vậy xảy ra, điều đó sẽ nhanh chóng gây nguy hiểm cho khả năng của công ty nước ngoài trong việc tiếp cận hàng hóa, phần mềm và công nghệ của Mỹ”, công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld ghi chú.

Không ai trong số 31 thực thể Trung Quốc tiết lộ bất kỳ thông tin nào về kế hoạch của họ về các mối đe dọa hoặc liên hệ với các quan chức Mỹ.

Một quan chức giấu tên tại Wuhan Juhere Photonic Technologies nói rằng công ty đã liên hệ với các quan chức kiểm soát xuất khẩu của Mỹ ở Bắc Kinh để được loại khỏi danh sách theo dõi thương mại. YMTC và Wuhan Institute of Biological Products từ chối bình luận.

Các cuộc họp giữa các thực thể Trung Quốc và các quan chức Mỹ, thường tiến hành với sự có mặt của các đại biểu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, được tổ chức thường xuyên. Các công ty Trung Quốc thường xuyên bị thêm vào và xóa khỏi danh sách chưa được xác minh sau khi hoàn thành kiểm tra người dùng cuối.

Trong khi Bắc Kinh gọi hoạt động kiểm soát xuất khẩu công nghệ chip mới nhất của Mỹ là “bắt nạt” để kiềm chế sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, các công ty chip nước này lại muốn tuân thủ hơn là đối đầu với cơ quan kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Ngay sau khi Huawei, một trong những gã khổng lồ công nghệ quyền lực nhất Trung Quốc, bị Mỹ thêm vào danh sách thực thể vào năm 2019, mảng kinh doanh smartphone béo bở của họ nhanh chóng mất đi vị thế ở Trung Quốc và các nơi khác, do không thể trang bị chip tiên tiến cho smartphone mới của mình.

Sau khi các quy định mới được công bố vào ngày 7.10, cũng bao gồm cả các biện pháp hạn chế sự tham gia của người Mỹ vào các cơ sở sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc, Naura Technology Group thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng cách yêu cầu các kỹ sư Mỹ của mình từ bỏ việc nghiên cứu và phát triển chip. YMTC cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự, tờ Financial Times đưa tin.

YMTC nhấn mạnh sự tuân thủ của mình trên toàn cầu trong một tuyên bố công khai được đưa ra vào tháng trước.

Sơn Vân