Thi công cống ngăn mặn 460 tỉ đồng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:27, 11/11/2022
Cùng với hệ thống cống ngăn mặn do tỉnh Tiền Giang trước đó, cống này góp phần hình thành hệ thống cống đập liên hoàn, khép kín để ngăn mặn, trữ ngọt giúp người dân địa phương cùng các tỉnh lận cận thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp-PTNT) và các nhà thầu thi công công trình, đây là công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt có quy mô lớn thứ 2 khu vực ĐBSCL.
Cống ngăn mặn đầu kinh Nguyễn Tấn Thành nằm cách sông Tiền 420 mét. Công trình sẽ hoàn thành vào năm 2024 với phần cống có kết cấu bê tông cốt thép, chiều rộng thông nước 40 mét, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực, cao trình ngưỡng cống -5,5 mét.
Cống đầu kinh Nguyễn Tấn Thành hoàn thành sẽ có chức năng ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường phục vụ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Ngoài ra, công trình này giúp tỉnh Tiền Giang từ năm nay về sau không còn phải xây đập tạm rất tốn kém, gây ô nhiễm nguồn nước bên trong.
Trước đây (năm 2021-2022), tỉnh Tiền Giang đã đầu tư hơn 860 tỉ đồng để xây 6 cống ngăn mặn ven sông Tiền thuộc các huyện Châu Thành, Cai Lậy, gồm các cống Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Hai Tân, Cái Sơn. Các cống ngăn mặn này được xây dựng kiên cố cửa cống có chiều rộng từ 20 mét, sử dụng cửa van kéo thẳng đứng, đóng mở cửa van bằng xi lanh thủy lực, hoàn thành vào năm tới.