Viện trợ của phương Tây cho Ukraine đang đến mức ‘giới hạn’ do khó khăn
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:00, 11/11/2022
Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất gói viện trợ trị giá 18 tỉ USD cho Ukraine hôm 9.11, sẽ có hiệu lực vào năm 2023. Các nhà chức trách Ukraine và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính Ukraine cần 3 đến 4 tỉ USD mỗi tháng, nhưng việc thông qua gói này sẽ cần một cuộc bỏ phiếu nhất trí của EU, và Hungary là một trong số nước không đồng ý với kế hoạch này.
Bộ trưởng Ngoại giao - Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho biết quốc gia của ông đã chi hàng trăm triệu euro để hỗ trợ y tế, giáo dục, các tổ chức văn hóa và nhà thờ ở Ukraine. "Chúng tôi chắc chắn sẽ không ủng hộ bất kỳ hình thức tài trợ chung nào của EU về vấn đề này. Tại sao? Bởi vì chúng tôi đã làm điều đó rồi. Chúng tôi đã hỗ trợ và như vậy là quá đủ”, Szijjarto nói, theo Hungary Today.
Hungary dù đã chỉ trích Nga về chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng Budapest đã từ chối việc nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine và do dự trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ông Szijjarto hôm 9.11 đã gọi các biện pháp trừng phạt của EU là một "thất bại hoàn toàn" trong một cuộc phỏng vấn với Roya News, một hãng truyền thông Jordan.
Theo Brad Blitz, giáo sư chính trị và chính sách quốc tế tại Viện Giáo dục UCL ở London, trong khi tất cả các quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn do lạm phát gia tăng và trong trường hợp đồng bảng Anh yếu đi, vẫn chưa có bằng chứng nào về sự phá vỡ đồng thuận của EU đối với Ukraine. “Ngay cả khi chi tiêu quốc phòng có thể bị tổn hại bởi lạm phát 2 con số và tỷ giá hối đoái biến động, không dấu hiệu rằng cam kết của châu Âu đối với Ukraine đã giảm”, Blitz nhận định với Newsweek.
Công nhân ở Athens (Hy Lạp) hôm 9.11 đã tiến hành một cuộc đình công kéo dài một ngày được hỗ trợ bởi các công đoàn, gồm cả Tổng liên đoàn Công nhân Hy Lạp (ADEDY). Động thái này là phản ứng cho việc tiền lương không được tăng trong khi giá năng lượng tăng cao khiến tỷ lệ lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng.
Một cuộc khảo sát gần đây từ tổ chức phi chính phủ chống đói nghèo của Pháp Secours Populaire cho thấy 68% người được hỏi ở Hy Lạp cho biết khả năng chi tiêu của họ đã giảm rất nhiều kể từ năm 2019, tỷ lệ cao nhất trong tất cả quốc gia được khảo sát.
"Người lao động của đất nước chúng tôi, cả trong khu vực công và khu vực tư nhân, đang chống lại những gì đang bóp nghẹt các hộ gia đình và công dân", ADEDY cho biết trong một tuyên bố ngày 9.11.
Vào tháng 9, ước tính có khoảng 70.000 người đã biểu tình ở Prague (thủ đô Czech) yêu cầu chính phủ hành động về chi phí năng lượng tăng cao và đảm bảo rằng các hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp khí đốt, bao gồm cả Nga, vẫn được thực hiện.
Theo Nghị viện châu Âu, các quốc gia đang bắt đầu phản đối các biện pháp trừng phạt của EU và gần một nửa số người Hy Lạp và 43% người Ý ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho Nga.
Jaroslava Barbieri, một chuyên gia về Nga tại Đại học Birmingham ở Anh, nói với Newsweek rằng tình trạng thiếu lương thực và năng lượng có thể gây áp lực buộc các chính phủ phương Tây giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn chế tài với Nga.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, bất chấp những khó khăn mà người dân châu Âu đang phải đối mặt về tình trạng giá năng lượng tăng cao, EU vẫn kiên định trong quyết tâm giúp đỡ Ukraine. Trong một tuyên bố, bà cam kết EU hỗ trợ Ukraine "chừng nào còn có thể" để đảm bảo họ trở thành một "quốc gia thịnh vượng" sau cuộc chiến đấu chống lại Nga.
Đề xuất trị giá 18 tỉ USD nói trên dưới dạng các khoản vay ưu đãi cao và sẽ yêu cầu Ukraine hoàn trả trong vòng 35 năm. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đi vay trên thị trường vốn, điều mà Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaley Varga cho biết Hungary sẽ không hỗ trợ.
John Ciorciari, giáo sư và phó trưởng khoa nghiên cứu chính sách tại Trường Chính sách công Gerald R. Ford thuộc Đại học Michigan (Mỹ), nói với Newsweek rằng quy trình viện trợ của EU cho Ukraine rất "rườm rà".
Trong khi đa phần người Mỹ ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, một cuộc thăm dò hồi tháng 9 từ Viện Nghiên cứu lập pháp Quincy cho thấy những người ở Mỹ đang tìm kiếm tiến bộ trong việc chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine. Hơn 50% số người được khảo sát ủng hộ các cuộc đàm phán ngoại giao để chấm dứt chiến tranh, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Ukraine phải thỏa hiệp. 47% cho biết họ chỉ ủng hộ việc tiếp tục viện trợ quân sự nếu kết hợp với các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến.
Các thành viên cấp cao trong đảng Cộng hòa Mỹ gồm cả lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cho biết Ukraine sẽ nhận được viện trợ “vô hạn” nếu đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11. Một số thành viên phe Cộng hòa khác kêu gọi chấm dứt viện trợ cho Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ những lo ngại về việc Mỹ cắt giảm viện trợ Ukraine. Ông nói với các phóng viên hôm 9.11 rằng hy vọng viện trợ sẽ tiếp tục mà không bị gián đoạn. Mỹ đã gửi gần 20 tỉ USD viện trợ quân sự và nhân đạo kể từ Nga đưa quân vào Ukraine. Nếu Kyiv không được tiếp tục viện trợ, các chuyên gia cho rằng Nga sẽ thắng thế.
"Việc viện trợ cho Ukraine giảm sẽ cho thấy sự ủng hộ của phương Tây giảm đi, khiến Nga đẩy nhanh các cuộc tấn công. Điều này cũng có thể củng cố vị thế chính trị trong nước của Tổng thống Vladimir Putin bởi sự suy giảm sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine có thể được coi là một dấu hiệu thành công của Nga", Javed Ali, Phó giáo sư tại Trường Chính sách công Gerald R. Ford nói với Newsweek.