ĐBQH Hoàng Văn Cường: Nhiều tổ chức tư vấn không dám định giá tài sản cho khu vực công
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 23:58, 11/11/2022
Chiều 11.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Giá (sửa đổi).
Thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Giá, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) quan tâm đến hàng hóa dịch vụ do nhà nước định giá.
Đại biểu Thúy khẳng định phân cấp phân quyền là chủ trương đúng, nguyên tắc cần áp dụng trong quá trình thực hiện là cấp trên chỉ làm những việc cấp dưới không làm được tốt hơn. Dự thảo luật giảm bớt thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, trong việc rà soát biểu mẫu kê khai giá đối với doanh nghiệp trung ương.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh phân cấp, phân quyền luôn phải đi với việc nâng cao năng lực để thực hiện, nếu “xuống nước trước, tập bơi sau” là việc làm nguy hiểm.
Mặt khác, đại biểu Thúy lo ngại việc để các bộ và cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc liệu có rơi vào lợi ích nhóm như trường hợp bộ test kit Việt Á, bởi nguyên nhân tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong những quy định bất hợp lý của pháp luật. Những thách thức qua phân cấp, phân quyền đặt ra trong dự thảo luật này là rất lớn, Quốc hội nên cân nhắc thận trọng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết thực tế nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc là xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công khi mua hoặc khi bán.
"Nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa. Điển hình như là bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Nhiều tài sản công không thể chuyển giao cho khu vực tư, như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để cho các nhà đầu tư đầu tư phát triển", ông Cường nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chưa có những quy định một cách chặt chẽ, cụ thể các căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa; chưa có các quy định là căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi.
Đại biểu Cường chỉ rõ pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ cho những người làm định giá.
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá... Dự thảo luật cần phải đưa có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá.
Ngoài ra, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, việc kê khai giá là một công việc vô cùng quan trọng. Đại biểu đề nghị hoạt động kê khai giá không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá. Đồng thời, hai đối tượng phải thực hiện kê khai giá là những doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và những doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa vào thị trường tiêu thụ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị phân định rõ định giá, thẩm định giá và quyết định giá.