Ung thư có thể chữa khỏi tới 90% nếu được phát hiện sớm

Sự kiện - Ngày đăng : 08:23, 12/11/2022

Ung thư là một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao vì căn bệnh này dù có chữa thế nào cũng không thể nào khỏi hoàn toàn.

Tuy mối lo là vậy nhưng với các trang thiết bị y tế hiện nay cơ hội phát hiện, phòng ngừa  điều trị khỏi ung thư lên tới 70-80% nếu được phát hiện sớm. Chính vì vậy việc tầm soát ung thư, kiểm tra sức khỏe định kỳ là hiệu quả nhất trong việc phát hiện và điều trị bệnh ung thư.

Phát hiện ung thư sớm có ý nghĩa quan trọng để điều trị phòng ngừa

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021, thế giới có khoảng 10 triệu ca tử vong vì ung thư, trên 19 triệu trường hợp ung thư mới được chẩn đoán. WHO khuyến cáo người dân nên tầm soát 3 loại ung thư phổ biến là đại trực tràng, vú và cổ tử cung. Tại Việt Nam, theo thống kê của GLOBOCAN (một dự án của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế - IACR, trực thuộc WHO) năm 2020, cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Đa số các trường hợp chẩn đoán ung thư hiện nay là khi đến bệnh viện khám thì người bệnh đã ở giai đoạn khá muộn. Việc điều trị bệnh lúc này không mang lại hiệu quả cao mà chỉ còn là duy trì sự sống. Đó cũng chính là nỗi ám ảnh của người bệnh khiến họ sợ hãi, thậm chí có những người xem nhẹ các dấu hiệu ban đầu nên chủ quan. Đến khi nặng hơn mới đến bệnh viện khám thì bệnh đã tiến triển nặng, cơ hội sống cũng không còn nhiều.

ung-thu.jpg
Phương pháp tầm soát ung thư là phương pháp phát hiện sớm để điều trị bệnh

Bác sĩ Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết hiện nay những bệnh lý ung thư có thể tầm soát được công nhận là: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư phổi. Việc tầm soát ung thư là công cụ phát hiện những thương tổn tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm ở những người không có triệu chứng. Qua tầm soát, khi phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể và chữa khỏi hoàn toàn một số bệnh lý ung thư. Việc này giúp người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị, không cần hóa xạ trị, tăng thời gian sống, giảm tỷ lệ tử vong.

Hiện nay việc tầm soát ung thư đang được đánh giá là phương pháp kiểm tra ung thư, phát hiện có hay không yếu tố ung thư ở giai đoạn sớm. Với hiệu quả cao, tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm các khối u còn nhỏ, chưa phát triển hay di căn sang các bộ phận khác. Và tỷ lệ khỏi bệnh cao hơn rất nhiều so với việc phát hiện muộn, hiệu quả thành công rất cao, thậm chí có tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90% trở lên. 

Bác sĩ Trần Ngọc Hải - Khoa ung bướu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết nếu bệnh nhân mới bị ung thư, biết tận dụng cơ hội đi khám sớm thì bệnh nhân sẽ được điều trị ung thư thành công và không tái phát trở lại trong vòng 5 năm.

Với sự phát triển của nền y học hiện nay, nhiều phương pháp điều trị mới được ra đời cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn. Phác đồ điều trị cho các bệnh nhân ung thư sẽ theo sức khỏe và tiến độ bệnh của người mắc bệnh. Các bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố như loại ung thư, giai đoạn bệnh, kích thước, vị trí, mức độ lan rộng của khối u, sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng của bệnh nhân.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân chưa cần phải điều trị ngay mà bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi tích cực để xem bệnh có tiến triển hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường hay không. Lựa chọn này thường phù hợp với những trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bệnh phát triển chậm, không gây ra triệu chứng hoặc chỉ giới hạn trong một khu vực nhỏ. Bác sĩ cũng có thể chỉ định theo dõi tích cực cho những bệnh nhân có sức khỏe yếu, người cao tuổi hoặc những người không thể tiếp nhận điều trị. Ở quá trình theo dõi, nếu nhận thấy bệnh có xu hướng phát triển, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị khác cho bệnh nhân. 

Tại Bệnh viện K thời gian qua, số lượng người dân chủ động đến khám tầm soát ung thư đã tăng lên, đặc biệt người dân dành nhiều sự quan tâm chủ động tầm soát ung thư đường tiêu hóa như dạ dày, đại trực tràng, ung thư tuyến giáp. Còn các chị em phụ nữ quan tâm nhiều đến ung thư vú, cổ tử cung. Điều đó cho thấy bệnh ung thư đã trở thành mối quan tâm, lo lắng của nhiều người, từ đó dần hình thành thói quen kiểm tra sức khỏe để chủ động loại trừ khả năng mắc bệnh.

benh-vien-y-hoc-co-truyen-trung-uong-3.jpg
Khi có bất cứ dấu hiệu lạ nào bất thường ở cơ thể cần đi khám ngay

Các dấu hiệu phổ biến cảnh báo ung thư

TS.BS Bùi Vinh Quang - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, làm cho tế bào đó phát triển không kiểm soát, lây lan ra các cơ quan khác trong cơ thể bằng đường máu. Bệnh ung thư, tùy theo mức độ xâm lấn đến các cơ quan, mạch máu, thần kinh kế cận, hoặc lan rộng ra toàn thân mà có thể gây ra các triệu chứng tương ứng. Bệnh nhân sẽ bị sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi suy nhược, sốt, đau kéo dài, có vấn đề liên quan đến tiêu hóa, sưng hoặc nổi cục u – nổi hạch, bất thường trên da, ho dai dẳng… cùng nhiều triệu chứng khác.

Đa số các bệnh nhân ung thư sẽ có biểu hiện đau và đa phần các bệnh nhân ung thư tử vong là do ung thư di căn xa gây đau đớn, suy kiệt, sức đề kháng kém. Nguyên nhân gây bệnh ung thư có thể do các tác động của môi trường sống, các tác nhân vật lý như tia UV gây ung thư da, tiếp xúc với chất phóng xạ, hậu quả của tai nạn, bom hạt nhân, khói thải, chất thải, hóa chất công nghiệp và đặc biệt là khói thuốc lá. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như béo phì, ít vận động, dinh dưỡng không hợp lý. Bệnh nhân ăn nhiều chất béo ít chất xơ, các thực phẩm muối chua, muối mặn, những loại ngũ cốc, hoa quả hư mốc… có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, trực tràng và ung thư gan. Hoặc cơ thể mắc vi rút viêm gan B, C, vi rút HPV, xoắn khuẩn, vi khuẩn HP… Bên cạnh đó, vấn đề tuổi tác, gen, yếu tố di truyền cũng là một phần nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.

Theo bác sĩ Quảng, chỉ khoảng 3-10% các trường hợp ung thư có liên quan đến yếu tố di truyền. Hầu hết các trường hợp (90-97% còn lại), ung thư phát triển do các đột biến gen xảy ra trong đời của một người (đột biến mắc phải). Vì vậy, một người vẫn có khả năng bị ung thư ngay cả khi trong gia đình không có ai mắc bệnh.

"Để phòng chống bệnh ung thư chúng ta nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, ít chất béo. Đặc biệt cần vận động hàng ngày để tránh béo phì, không nên lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá... Nếu không may phát hiện bệnh thì cần phải giữ tinh thần lạc quan. Việc suy nghĩ tích cực sẽ tự giúp bản thân phối hợp và tuân thủ tốt các phác đồ điều trị của bác sĩ. Khi được tư vấn tốt, bệnh nhân sẽ cải thiện sức khỏe, kết hợp với lối sống khoa học, chế độ dinh dưỡng sẽ gia tăng tỷ lệ khỏi bệnh cho bệnh nhân ung thư" - bác sĩ Quảng chia sẻ.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh ung thư là rất nhiều, tuy nhiên lại không rõ ràng, rất khó phân biệt với các bệnh lý thông thường khác. Chính vì thế khi bản thân cơ thể người dân có các biểu hiện như: sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi kéo dài, sưng nổi cục, có những bất thường ở da hay đường tiêu hóa... đều phải đi thăm khám sớm để phát hiện bệnh. Những dấu hiệu trên có thể bắt gặp ở các bệnh lý thông thường, nhưng cũng có thể cảnh báo bệnh ung thư. Nhưng dù trong trường hợp nào thì bạn cũng nên đi khám để bác sĩ kiểm tra, tìm kiếm nguyên nhân, chẩn đoán bệnh và có phương án điều trị.

Việc “lắng nghe” những thay đổi của cơ thể và đi thăm khám, điều trị kịp thời là rất quan trọng. Bởi với ung thư, phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao. Đồng thời, tiết kiệm được chi phí điều trị, giúp bệnh nhân có cuộc sống lành mạnh và khoa học hơn.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung