Mỹ cố giữ vững sự ủng hộ của châu Âu cho cuộc chiến tại Ukraine
Chuyển động - Ngày đăng : 09:24, 12/11/2022
Tạp chí Politico dẫn nguồn tin tiết lộ các quan chức Mỹ công tác tại châu Âu đã gửi cảnh báo về quê nhà về tình trạng một số nước ngày càng bất mãn với trừng phạt, đổ lỗi Mỹ làm chi phí sinh hoạt tăng vọt. Tâm lý này có thể tạo nên sức ép buộc giới lãnh đạo châu Âu rút lại ủng hộ dành cho trừng phạt.
Tình hình trên làm dấy lên kêu gọi tìm cách đảm bảo giới lãnh đạo châu Âu phối hợp với chiến lược Mỹ theo đuổi. Washington tin rằng hỗ trợ cho Ukaine nếu bị phá vỡ sẽ đem lại lợi ích cho Nga ở cả trong lẫn ngoài chiến trường.
Thời gian qua, lạm phát phi mã cùng chi phí năng lượng cao dẫn đến nhiều cuộc biểu tình tại châu Âu. Chính phủ các nước chịu sức ép ưu tiên xử lý vấn đề trong nước hơn hỗ trợ Ukraine.
Theo cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Fiona Hill: “Tôi lo lắng giữa Mỹ và châu Âu xuất hiện rạn nứt. Mỹ vốn ở tình thế tốt hơn vì chúng ta là sản xuất năng lượng lớn”.
Chuyên gia Max Bergmann (Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) cho biết việc Nga cắt giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu khiến nhiều quốc gia lục địa già chuyển trọng tâm từ hỗ trợ Ukraine sang đối phó khủng hoảng năng lượng. Ông đánh giá các nước thành viên EU đang chật vật đối phó khủng hoảng.
Một số quan chức vẫn tin tưởng sự ủng hộ từ châu Âu và đồng minh sẽ kéo dài. Một quan chức NATO tuần qua tuyên bố: “Tôi thấy các chính phủ ủng hộ vững chắc”.
Cảnh báo về tâm lý bất mãn tại châu Âu được đưa ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại Nga huy động lực lượng hạt nhân cho cuộc chiến.
Đối mặt với nguy cơ trên, quan chức an ninh quốc gia cùng quan chức ngoại giao Mỹ tăng cường liên lạc với các đồng minh để làm rõ chiến lược của Washington ở Ukraine và củng cố sự ủng hộ của châu Âu trong suốt mùa đông. Phía Lầu Năm Góc cũng cố gắng củng cố sự ủng hộ của NATO trong việc tiếp tục đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine.
Nguồn tin của Politico còn cho biết giới chức Mỹ làm việc với Nga một cách trực tiếp gián tiếp thông qua trung gian trong thời gian dài. Đây là hoạt động liên lạc thông thường, hai bên thảo luận nhiều vấn đề.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng nói rằng chính phủ Mỹ hoàn toàn có thể đối thoại trực tiếp với Nga nếu cần thiết.
“Hoạt động đối thoại đã diễn ra nhiều tháng qua với mục đích là thảo luận về giảm thiểu rủi ro giữa Mỹ với Nga, không liên quan gì đến ngoại giao hay Ukraine”, theo phát ngôn viên Watson.