Tàu thăm dò sao Hỏa của Mỹ sắp ngừng hoạt động

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:12, 12/11/2022

Tàu thăm dò InSight của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) bước vào những ngày hoạt động cuối cùng. Do lớp bụi sao Hỏa dày phủ mờ đi các tấm pin mặt trời cung cấp điện cho tàu và đã gần đến lúc phải nói lời tạm biệt.

Đáp xuống sao Hỏa vào năm 2018, InSight là tàu robot đầu tiên thăm dò sâu bên trong hành tinh đỏ để nghiên cứu lớp bề mặt, lớp phủ lẫn phần lõi. Tàu cung cấp nhiều dữ liệu có giá trị cùng hình ảnh sắc nét của bề mặt sao Hỏa cho đội ngũ nhà khoa học tại Trái đất. Sở hữu bộ công cụ mạnh mẽ, InSight giúp sáng tỏ không ít câu hỏi quan trọng về cách thức sao Hỏa hình thành và phát triển.

Một trong những thành tựu lớn của InSight là ghi nhận hơn 1.300 trận động đất, góp phần xác định mức độ hoạt động kiến tạo của hành tinh đỏ. Tàu còn tìm kiếm thiên thạch va chạm với sao Hỏa.

Dù hiện tại InSight vẫn còn hoạt động, nhưng NASA dự đoán tàu chuẩn bị kết thúc sứ mệnh trong vài tuần tới. InSight đã làm việc vượt mốc thời gian 2 năm đề ra ban đầu.

tauinsight-640x353.jpg
Tàu thăm dò InSight - Ảnh: NASA

Sứ mệnh của InSight sẽ chính thức kết thúc khi tàu cắt liên lạc với mạng lưới MRN (gồm 5 tàu vũ trụ di chuyển quanh sao Hỏa phụ trách truyền thông tin liên lạc và dữ liệu giữa hành tinh đỏ với Trái đất). Sau đó Deep Space - một mạng lưới liên lạc khác của NASA - tiến hành kiểm tra nhằm đảm bảo InSight thực sự không còn hoạt động nữa.

Nhà khoa học NASA Mark Panning (tham gia dự án vận hành InSight) cho biết InSight sẽ luôn ở trong tim mình: “Con tàu là thứ đưa tôi tiếp cận không gian. Tôi rất vui mừng với những gì chúng ta đã làm trên sao Hỏa”.

Ngay cả khi chuẩn bị “về hưu”, InSight cũng giúp đội ngũ nhà khoa học tại Trái đất giải đáp được vài câu hỏi.

Bụi sao Hỏa

Bụi là thứ bất tiện không thể tránh khỏi khi muốn chinh phục bề mặt sao Hỏa. Bão bụi trên hành tinh đỏ có thể rất mạnh và đôi khi đem lại nhiều "vấn đề".

Năm 2018, một cơn bão bụi phủ đen bầu trời và “đánh sập” tàu thăm dò Opportunity. InSight đối phó với thách thức này tốt hơn mong đợi, kỹ sư NASA Emily Stough nhận định.

Để tồn tại, InSight chuyển về chế độ an toàn tiết kiệm pin khi bụi ngăn ánh sáng mặt trời chiếu đến các tấm pin tàu được trang bị. Tháng 5 năm nay khi nguồn điện quá thấp, tất cả thiết bị của InSight phải tạm dừng nhằm tập trung điện cho máy đo địa chấn hoạt động.

NASA đối phó bụi sao Hỏa bằng cách trang bị cho InSight các tấm pin mặt trời lớn tạo ra năng lượng nhiều gấp vài lần năng lượng tàu cần.

Vì sao NASA không trang bị thiết bị quét bụi? Kỹ sư Stough cho biết thêm thành phần không cần thiết có thể gây nguy hiểm cho tàu.

“Chúng tôi luôn thúc đẩy thiết kế tàu vũ trụ đơn giản. Một thứ càng phức tạp thì càng rủi ro, thất bại càng cao”, theo kỹ sư Stough.

tain.jpg
Tấm pin mặt trời bị bụi sao Hỏa lấp kín - Ảnh: NASA

Khả năng InSight tái hoạt động

NASA không định dùng tàu thăm dò khác giải cứu InSight. Tàu Curiosity hiện cách InSight hơn 600 km - xa hơn tổng quãng đường Curiosity đã di chuyển từ khi bắt đầu thực hiện sứ mệnh trên sao Hỏa (năm 2012) đến nay.

Khi tấm pin mặt trời trang bị cho InSight bị bụi phủ hoàn toàn, NASA vẫn không có kế hoạch tìm cách tái kết nối và giải cứu tàu. Tuy nhiên nhà khoa học Panning không loại trừ khả năng InSight tái hoạt động, sẽ có một ngày bụi được thổi đi hoàn toàn và tàu tự khởi động lại.

Dữ liệu sót lại

Miễn là giữ được liên lạc với InSight, đội ngũ nhà khoa học tại Trái đất vẫn có thể lấy số liệu đo lường cùng hình ảnh tàu ghi nhận. Theo kỹ sư Stough: “Tàu có thể chết, nhưng khoa học vẫn tiến về phía trước”.

Cẩm Bình