Nhà văn Trần Nhã Thụy và những suy niệm nhân sinh

Văn hóa - Ngày đăng : 20:29, 12/11/2022

Nhà văn Trần Nhã Thụy vừa ra mắt tạp văn "Trong và ngoài căn phòng của tôi". Phần lớn trong số độc giả đặt mua sách của anh là những người không thuộc lĩnh vực văn chương, bạn bè thân thiết.

Họ là những độc giả với nhiều ngành nghề đã từng đọc và dõi theo tác giả qua nhiều kênh khác nhau. Và đây là một điều rất đáng khích lệ đối với nhà văn.

Trong và ngoài căn phòng của tôi có nhiều điều thú vị về kiếp nhân sinh. Nhiều đề tài mà tác giả trải lòng, cho thấy Trần Nhã Thụy quan sát cuộc sống một cách cẩn trọng, bắt lại những điều gì đó ý nghĩa, và triết lý về nó một cách sâu lắng và cô đọng. Độc giả sẽ có nhiều đối tượng khác nhau. Giới trẻ thích ngôn tình, hay cái gì đó lãng mạn và nhẹ nhàng. Người trưởng thành thích đọc được điều gì đó thực sự có giá trị, không cần hiểu ngay mà phải dành thời gian suy ngẫm, và Trần Nhã Thụy là nhà văn hướng tới đối tượng độc giả này.

Ví dụ như đoản văn tựa đề Diễn từ, Trần Nhã Thụy kể về một người đàn ông mơ mộng giải Nobel văn chương. Ông khát khao quay cuồng đến cái ngày mình lên bục nhận giải và phát biểu cảm xúc của mình thật hùng hồn. Ông dành hết thời gian để chỉnh sửa, chăm chút từng từ bài phát biểu một cách hoàn hảo nhất. Ông trăn trở với bài diễn ngôn ấy từng ngày, từng tháng. Đến lúc ông cảm thấy kiệt sức mới chợt nhớ ra rằng mình chưa kịp viết ra một tác phẩm nào. Riêng về lĩnh vực văn chương, khát khao Nobel là một thực tế đầy tính thời sự của văn đàn Việt. Mở rộng ra, thời nào cũng có những người sống trong sự hão huyền mà không nhìn lại khả năng, hoặc là chỉ ước ao suông thay vì trau dồi tài năng để đạt được thành quả mơ ước.

nhathuy-1-.jpg
Nhà văn Trần Nhã Thụy

Trong Tâm thơ anh nhắc đến hai nhà thơ trứ danh Yoda và Baso. Yoda dù đã được thiên hạ kính trọng tài thơ nhưng trong lòng ông gợn sóng sự ganh tỵ với Baso. Trong ông luôn thôi thúc một khát khao muốn chứng minh tài thơ của mình cao hơn đối thủ. Ông sáng tác bài thơ Haiku “Con chuồn chuồn ngô/ bứt hai cánh/ quả ớt”. Baso trong cơn say lật ngược tờ giấy viết bài thơ thành “quả ớt /chấp hai cánh/ chuồn chuồn ngô”. Chỉ cần thay đổi một chút bài thơ trở nên sinh động hơn hẳn và khác nghĩa.

Nhưng Trần Nhã Thụy không nói về tài thơ mà nhấn mạnh vào tâm thơ. Nhã Thụy lý giải: “Người sáng tác, vẫy vùng trong hiện thực, thường biểu lộ cái “sát căn” mà mình không kiểm soát được. Có nhiều cái hay nhưng ác, hiểm nhưng nhiều người lấy làm thích thú về điều ấy. Và, xưa nay, đa số cũng dùng văn chương như một vũ khí chiến đấu, đâm chỗ này, chém chỗ kia. Nhưng rốt cuộc chẳng hạ được ai mà chỉ làm tổn thương chính mình”.

nhathuy1.jpg
Trong và ngoài căn phòng tôi - Tạp văn của Trần Nhã Thụy

Tương tự như thế, trong quyển sách còn nhiều chiêm nghiệm khác mà khi đọc qua một lần, phải dừng lại để ngẫm ngợi cái ý tứ tác giả gửi gắm. Sự đúc kết đề tài để viết của Trần Nhã Thụy không chỉ dừng lại ở mức nhìn theo kiểu đứng bên ngoài quan sát sự việc, mà nhiều trường hợp là sự dấn thân. Khi Sài Gòn tang thương vì dịch bệnh, anh và các đồng hương kêu gọi đóng góp và đã len lỏi vào các xóm nghèo để sẻ chia. Ở đó Nhã Thụy đã gặp những đứa trẻ đột nhiên mồ côi, hay người cha người mẹ lặng người vì mất con. Để rồi anh cùng bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh lưu giữ lại cảm xúc kỳ lạ đó trong quyển Viết từ thành phố lockdown. Đây cũng là một quyển sách chạm vào cảm xúc của người đọc.

Trần Nhã Thụy tên thật là Trần Trung Việt. Hiện tại anh là đại diện phía Nam của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Trong và ngoài căn phòng tôi do anh tự bỏ tiền ra in sách.

Một số tác phẩm chính của Trần Nhã Thụy đã được xuất bản thể loại tạp văn tiêu biểu như: "Gối đầu lên mây", "Cuộc đời vui quá không buồn được"; "Triều cường, chân ngắn và rau sạch".

Truyện ngắn có: "Những bước chậm của thời gian", "Chàng trẻ măng ở phố treo đầu", "Ba tao bay ra ngoài cửa sổ".

Tiểu thuyết gồm: "Sự trở lại của vết xước", "Hát"

Nguyễn Huy