NCIF: Áp lực lạm phát đang rất lớn và có thể tăng mạnh hơn vào năm 2023

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:30, 13/11/2022

NCIF cho rằng áp lực lạm phát đang rất lớn và có xu thế gia tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là năm 2023 khi giá cả nguyên vật liệu chuyển hóa dần vào sản xuất.

Áp lực lên tỷ giá rất lớn

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), lãi suất VND đang chịu áp lực gia tăng. Việc FED tăng mạnh lãi suất đã tác động lên mặt bằng lãi suất của Việt Nam. 

Lãi suất đồng USD tăng cao (lên mức 3 - 3,25% từ ngày 21.9) dẫn đến chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và đồng USD thu hẹp mạnh, thậm chí có nguy cơ chuyển trạng thái chênh lệch âm. Điều này gây bất lợi đối với đồng VND và nguy cơ dòng vốn nước ngoài rời khỏi Việt Nam.

Do đó, để đảm bảo duy trì trạng thái chênh lệch hợp lý giữa lãi suất đồng VND và lãi suất đồng USD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải liên tục sử dụng các biện pháp “bơm, hút” tiền đan xen nhằm điều tiết cung tiền để vừa đảm bảo duy trì lãi suất đồng VND ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng, vừa giữ chân dòng vốn quốc tế.

Thực tế, lãi suất liên ngân hàng đã tăng khá cao, có thời điểm lãi suất qua đêm lên đến 7,5%/năm (tuần giữa tháng 9) - mức kỷ lục kể từ năm 2012.

ls-2.png
Việc FED tăng mạnh lãi suất đã tác động lên mặt bằng lãi suất của Việt Nam

Ngay sau động thái tăng mạnh lãi suất lần thứ 5 của FED, ngày 22.9, NHNN đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành. Ngày 24.10, NHNN tiếp tục tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1% thì lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm…

NCIF cũng nhấn mạnh, áp lực lên tỷ giá USD/VND rất lớn. Sau quyết định tăng mạnh lãi suất vào 21.9, Chỉ số đo giá trị đồng USD so với những đồng tiền chính trên thị trường - USD index - tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ là 111,65.

Dự báo, với việc lãi suất của Mỹ tăng thêm nữa trong thời gian dài sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD tăng giá trong một thời gian nữa. Điều này đặt áp lực lên tỷ giá đồng VND. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ giá USD/VND tiếp diễn theo xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo đó, NHNN đã phải thực hiện “bơm, hút” tiền liên tục thông qua mua bán ngoại tệ và phát hành tín phiếu quy mô lớn. NHNN đang cố gắng tìm điểm cân bằng mới để tiếp tục đối phó với các diễn biến mới từ thị trường tiền tệ Mỹ.

Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế, biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD được điều chỉnh từ 3% lên 5%. Đây là lần đầu tiên NHNN tăng biên độ tỷ giá sau 7 năm. Việc nới biên độ tỷ giá giúp chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, giảm bớt áp lực cho điều hành.

Lãi suất có thể tiếp tục tăng

Năm 2022-2023, NCIF dự kiến chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn.

Áp lực lạm phát đang rất lớn và có xu thế gia tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là năm 2023 khi giá cả nguyên vật liệu chuyển hóa dần vào sản xuất. Trong khi đó, áp lực gia tăng tỷ giá ngày càng tăng khi lộ trình tăng lãi suất của FED vẫn tiếp tục, nên khả năng tăng lãi suất là hoàn toàn có thể trong trường hợp cần thiết.

Với việc FED tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25 - 4,5% vào cuối năm 2022 và 4,6% vào năm 2023, dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022 và thêm 50 điểm cơ bản vào năm 2023.

Theo NCIF, quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN trước hết sẽ đẩy trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước sẽ dần nâng lãi suất từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.

lam-phat.jpg
Áp lực lạm phát rất lớn

Dự báo, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022. Sang năm 2023, đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN có thể sẽ tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá; các NHTM tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Khi đó, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6 - 6,8%/năm vào cuối năm 2023.

Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp.

NCIF cho rằng lộ trình tăng lãi suất sẽ trực tiếp gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam đến cuối năm 2022 và 2023.

Trong trường hợp ngân hàng trung ương các nước khác không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như FED, đồng USD sẽ có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm 2022 - USD index ở mức 120,3, đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá trong nước càng lớn hơn.

NCIF cũng nhận định rằng việc phá giá đồng VND phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mức độ mạnh lên của đồng USD, biên độ tăng lãi suất của FED, khả năng gia tăng nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam.

Trong trường hợp Việt Nam tiếp tục gia tăng được nguồn lực ngoại tệ nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt và giải ngân FDI vẫn ở mức cao, trong khi mức độ tăng giá của đồng USD chậm lại do các lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và phản ứng chính sách kịp thời của các đồng tiền mạnh khác những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, còn chính sách tiền tệ trong nước vẫn kiên trì mục tiêu bảo vệ tỷ giá, chấp nhận mức tăng lãi suất có thể cao hơn dự kiến.

Khi đó, dự báo đồng VND có thể mất giá khoảng 4 - 4,3% so với đồng USD trong năm 2022 (tính theo tỷ giá bán tại Sở Giao dịch NHNN) và quanh mức 3 - 4% trong năm 2023.

Hoài Lam