Apple bị kiện vì cài đặt quyền riêng tư không ngăn iPhone thu thập dữ liệu người dùng

Thế giới số - Ngày đăng : 11:45, 13/11/2022

Apple hiện là bị đơn trong một vụ kiện tập thể từ người dùng iPhone vì cáo buộc công ty Mỹ thu thập dữ liệu người dùng.

Trước đó, Apple từng hứa rằng thông qua cài đặt quyền riêng tư,  thông tin cá nhân của người dùng sẽ không bị thu thập.

Đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang California (Mỹ) sau khi trang Gizmodo báo cáo độc quyền về nghiên cứu cách nhiều ứng dụng iPhone gửi dữ liệu phân tích cho Apple, bất kể cài đặt quyền riêng tư của iPhone Analytics được bật hay tắt.

Gizmodo gần đây báo cáo rằng ngay cả khi bạn đã tắt iPhone Analytics trên iPhone của mình, Apple vẫn nhận được rất nhiều thông tin về bạn.

Theo Gizmodo, Tommy Mysk và Talal Haj Bakry, hai nhà phát triển ứng dụng và nghiên cứu bảo mật làm việc cho công ty phần mềm Mysk, đã có khám phá đáng kinh ngạc.

Một số ứng dụng của Apple như App Store, Apple Music, Apple TV, Books và Stocks đang thu thập dữ liệu cá nhân từ người dùng ngay cả khi iPhone Analytics đã bị tắt. Điều này dường như đúng với tất cả ứng dụng iPhone gốc của Apple.

Một video trên YouTube do Mysk đăng tải tiết lộ cách App Store thu thập dữ liệu cá nhân của bạn trong thời gian thực, bao gồm các phím bạn nhấn, ứng dụng và quảng cáo từng xem, thậm chí cả khoảng thời gian bạn dành để xem một ứng dụng trong danh sách.

Nguyên đơn được nêu tên trong vụ kiện là anh Elliot Libman, cáo buộc Apple vi phạm Đạo luật xâm phạm quyền riêng tư của bang California (Mỹ).

Trong khi Apple đã thúc đẩy quyền riêng tư để phân biệt iPhone với các thiết bị cầm tay Android, Elliot Libman nói: "Quyền riêng tư là một trong những vấn đề chính mà Apple sử dụng để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình so với các đối thủ cạnh tranh. Song, sự đảm bảo về quyền riêng tư của Apple là hoàn toàn viển vông".

Điều đáng nói là Apple đã dán biển quảng cáo trên toàn nước Mỹ với khẩu hiệu “Quyền riêng tư. Đó là iPhone” trong vài tháng.

apple-bi-kien-vi-cai-dat-quyen-rieng-tu-khong-ngan-iphone-thu-thap-du-lieu-nguoi-dung.jpg
Quảng cáo với khẩu hiệu “Quyền riêng tư. Đó là iPhone” của Apple

Cài đặt quyền riêng tư của Apple từng đưa ra lời hứa rõ ràng về việc tắt loại theo dõi đó. Song trong các thử nghiệm của Mysk, tắt iPhone Analytics không có ảnh hưởng rõ ràng đến việc thu thập dữ liệu cũng như không có bất kỳ cài đặt tích hợp sẵn nào khác trên iPhone bảo vệ quyền riêng tư khỏi việc bị Apple thu thập dữ liệu.

Khi xem xét các ứng dụng iPhone riêng biệt theo đề nghị của Gizmodo, hai nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhiều ứng dụng hoạt động tương tự nhau. Dù ứng dụng Health và Wallet không thu thập dữ liệu phân tích, nhưng Apple Music, Apple TV, Books, iTunes Store và Stocks thì có.

Stocks đã chia sẻ dữ liệu gồm danh sách cổ phiếu đã xem của bạn, tên cổ phiếu bạn xem hoặc tìm kiếm và thời gian khi bạn làm điều đó, cũng như bản ghi của bất kỳ bài viết nào bạn xem trong ứng dụng.

Kiểm tra App Store, Mysk phát hiện ra rằng dữ liệu mà Apple nhận được từ người dùng còn bao gồm các số ID nhất định, kiểu điện thoại bạn đang sử dụng, độ phân giải màn hình, cách bạn kết nối với internet và ngôn ngữ trên bàn phím.

Video Mysk cho thấy App Store trên iPhone đang theo dõi mọi hành động của bạn:

Về phát hiện ra cách các ứng dụng Apple theo dõi người dùng, Tommy Mysk nói rằng: "Mức độ chi tiết gây sốc với một công ty như Apple".

Tommy Mysk đánh giá thông tin do Apple thu thập có thể xác định sự quan tâm của người dùng với cộng đồng LGBTQ, liệu bạn có các vấn đề liên quan đến sức khỏe và tình trạng nghiện ngập của bạn ra sao. Việc này có thể tiết lộ thông tin chi tiết về cuộc sống của một người.

Thế nên không có gì ngạc nhiên khi đơn kiện tập thể với Apple đã được đệ trình.

Hai thiết bị được công ty Mysk dùng để kiểm tra các ứng dụng Apple là chiếc iPhone jailbreak chạy iOS 14.6 và iPhone cài iOS 16.

Mysk cũng thực hiện các bài kiểm tra tương tự trên Google Chrome và Microsoft Edge. Hai trình duyệt này không gửi dữ liệu khi tắt Analytics.

Thông qua hoạt động theo dõi, thu thập dữ liệu tràn lan và bất hợp pháp cho kinh doanh của mình, Apple biết ngay cả những khía cạnh thầm kín nhất và có khả năng gây bối rối trong việc sử dụng ứng dụng của người dùng, bất kể họ có chấp nhận lời hứa hão huyền của Apple để giữ các hoạt động đó ở chế độ riêng tư hay không”, đơn kiện cho biết.

Apple đang bị giám sát chặt chẽ hơn với các hoạt động bảo mật của mình khi công ty mở rộng sang lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số. Apple gần đây đã giới thiệu quảng cáo mới trên App Store, có kế hoạch quảng cáo cho Apple TV và dường như tập trung vào việc thu hút các doanh nghiệp quảng cáo nhỏ từ Meta Plaforms, công ty mẹ của Facebook.

Trong khi tài liệu về công ty của Apple tuyên bố rằng “Quyền riêng tư là quyền của con người” thì vẫn còn phải xem nhà sản xuất iPhone sẵn sàng xâm phạm quyền đó đến mức nào khi phát triển các dự án kinh doanh mới dựa trên dữ liệu.

Apple định nghĩa “theo dõi” là không liên kết dữ liệu người dùng hay thiết bị thu thập được từ ứng dụng của hãng với dữ liệu người dùng hay thiết bị thu thập từ bên thứ ba để phục vụ quảng cáo mục tiêu hay đo lường quảng cáo.

Apple nói không chia sẻ dữ liệu người dùng hay thiết bị với các môi giới dữ liệu.

Nói cách khác, Apple nói không bị cho là “theo dõi” nếu chỉ duy nhất họ thu thập dữ liệu mà không liên kết với bên khác.

Nhiều người kiện Apple và Amazon thông đồng tăng giá iPhone, iPad

Apple và Amazon đã bị cáo buộc trong một vụ kiện chống độc quyền vì âm mưu tăng giá iPhone, iPad bằng cách loại bỏ gần như tất cả đại lý bán lại các sản phẩm mới của Apple khỏi trang web Amazon.com

Vụ kiện tập thể được đề xuất tại tòa án liên bang Seattle (Mỹ) phản đối thỏa thuận có hiệu lực vào tháng 1.2019, theo đó Apple giảm giá cho Amazon tới 10% với các sản phẩm của mình, đổi lại Amazon chỉ cho phép 7 trong số 600 người bán lại sản phẩm Apple ở lại trên nền tảng của mình.

Theo đơn khiếu nại, điều này đã biến Amazon thành đại lý bán lẻ iPhone và iPad mới thống trị trên trang web của mình.

Đơn kiện cho biết giá iPhone và iPad đã tăng hơn 10% trên Amazon, trong khi Apple ổn định mức giá mà hãng tính trong các cửa hàng bán lẻ. Giảm giá iPhone và iPad từ 20% trở lên trên Amazon như trước đây đã không còn phổ biến nữa.

"Xây dựng các rào cản gia nhập để ngăn các đối thủ cạnh tranh và tăng giá sau khi họ bị loại bỏ chính xác là loại hành vi mà Quốc hội đã ban hành luật chống độc quyền để ngăn chặn", đơn kiện cho biết.

Doanh thu kết hợp từ sản phẩm của Apple (trụ sở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ) và Amazon (trụ sở tại thành phố Seattle, bang Washington) là 125 tỉ USD trong quý 3/2022.

Vụ kiện gồm các cư dân Mỹ đã mua iPhone và iPad mới trên Amazon kể từ tháng 1.2019.

Nguyên đơn được nêu tên, Steven Floyd ở thành phố Williamsport (bang Pennsylvania, Mỹ), cho biết anh đã trả 319,99 USD cho một chiếc iPad mới mua từ trang web Amazon và bị từ chối cơ hội trả ít hơn vì cạnh tranh bị kìm hãm.

Tháng 10.2022, một tòa án hành chính Ý đã tuyên phạt 173,3 triệu euro (tương đương 173,6 triệu USD) với Apple và Amazon bởi cơ quan giám sát chống độc quyền của Ý cáo buộc hai hãng này thông đồng về giá.

Cụ thể hơn, vào tháng 11.2021, cơ quan giám sát chống độc quyền của Ý đã phạt Apple và Amazon khoản tiền 200 triệu trong đỉnh điểm cuộc điều tra bắt đầu từ 2020 về cáo buộc hai công ty ngăn chặn người bán lại bán các thiết bị Apple và Beats để hạn chế cạnh tranh và giữ giá cao.

Cơ quan quản lý cho biết các điều khoản hợp đồng trong thỏa thuận năm 2018 giữa Apple và Amazon (có hiệu lực từ tháng 1.2019) đồng nghĩa là chỉ những người bán lại được chọn mới được phép bán sản phẩm trên cửa hàng Amazon của Ý. Điều này vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu (EU) và ảnh hưởng đến cạnh tranh về giá.

Amazon bị phạt 68,7 triệu euro, trong khi Apple bị phạt 134,5 triệu euro. Cơ quan giám sát chống độc quyền của Mỹ cũng ra lệnh cho hai công ty chấm dứt các hạn chế để cung cấp cho các nhà bán lẻ sản phẩm Apple và Beats chính hãng truy cập vào cửa hàng trực tuyến Amazon của Ý theo cách "không phân biệt đối xử".

Thời điểm đó, cả Apple và Amazon đều kháng cáo chống lại khoản tiền phạt. "Để đảm bảo khách hàng mua được sản phẩm chính hãng, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các đối tác đại lý và có đội ngũ chuyên gia tận tâm trên toàn thế giới làm việc với cơ quan thực thi pháp luật, hải quan và thương nhân để đảm bảo chỉ bán các sản phẩm chính hãng của Apple", Apple cho biết, phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Trong một tuyên bố riêng, Amazon nói hoàn toàn không đồng ý với quyết định của chính quyền Ý và mức phạt được đề xuất là "không cân xứng và không hợp lý".

Đến năm 2022, khoản tiền phạt đã giảm xuống tổng cộng 173,3 triệu euro do "lỗi nghiêm trọng" trong tính toán ban đầu.

Sơn Vân