Kỷ nguyên robot của Amazon

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:45, 13/11/2022

Nhiều người dự đoán robot sẽ tàn phá thị trường lao động, nhưng tập đoàn thương mại điện tử Amazon tin rằng đầu tư vào tự động hóa có thể tạo ra việc làm.

Bên trong nhà kho ở thành phố Boston (Mỹ) hiện chỉ có một cánh tay robot tên Sparrow tiến hành phân loại và gói hàng chuẩn bị vận chuyển cho khách. Tuy vậy, không lâu nữa nhiều robot khác sẽ xuất hiện, có thể làm mất đi hàng nghìn việc làm nhưng đồng thời cũng tạo ra hàng nghìn việc khác.

Trong lúc robot hoạt động, một màn hình hiển trị tiến trình làm việc. Robot cẩn thận gói một kiện bột protein, tiếp theo là một hộp khăn giấy, sau đó đến một tuýp kem bôi trĩ.

Một ngày không xa Sparrow có thể đảm nhiệm hoàn toàn công việc phân loại 13 triệu kiện hàng mỗi năm của hàng trăm nghìn người mà Amazon đang dùng. Tập đoàn cho biết, robot - với thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo - xác định được 65% hàng trong kho sản phẩm, thông báo hàng bị hư hỏng rồi loại bỏ, điều chỉnh cánh tay để xử lý các đồ vật khác nhau. Do biết học hỏi nên Sparrow dần hoạt động tốt hơn.

robot11.jpg
Cánh tay robot Sparrow - Ảnh: The Guardian

Sparrow là thành viên đội quân robot Amazon ra mắt vào ngày 10.11 vừa qua. Tập đoàn còn giới thiệu robot khổng lồ Proteus chuyên chuyển đồ nặng giữa các nhà kho, máy bay không người lái vận chuyển hàng mới, xe tải giao hàng chạy điện trang bị công nghệ chỉ dẫn tài xế tuyến đường tốt nhất.

Giám đốc công nghệ Amazon Tye Brady nhận định những năm 2020 sẽ là kỷ nguyên của robot ứng dụng: “Robot sẽ phụ trách nhiều nhiệm vụ thực tế và mở rộng khả năng của con người”.

Vài năm gần đây, Amazon là đơn vị tư nhân tuyển dụng lao động hàng đầu, tính đến năm 2021 tập đoàn có 1,6 triệu nhân viên. Tuy nhiên họ phải đối mặt với hàng loạt bất mãn, chỉ trích từ người lao động: lương thấp, áp lực công việc cao từ lao động kho bãi, tuyển dụng quá mức giới tài chính Mỹ. Do vậy, robot có thể chính là giải pháp.

robot12.jpg
Mẫu máy bay không người lái giao hàng Amazon phát triển - Ảnh: The Guardian

Nhiều thập kỷ qua, không ít người dự đoán robot sẽ tàn phá thị trường lao động. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes năm 1933 nhận định tình trạng thất nghiệp công nghệ (máy móc cướp đi công việc của con người) diện rộng sắp xảy ra vì con người tìm ra phương thức tối ưu hóa sử dụng lao động nhanh hơn tìm ra cách sử dụng lao động mới.

Giám đốc Brady không nghĩ như vậy. Ông chỉ ra: “Chúng tôi bắt đầu đầu tư nghiêm túc vào robot vào hơn 10 năm trước, 10 năm qua chúng tôi tạo ra hơn 1 triệu việc làm. Nhiều robot hơn giúp kho hàng chứa được nhiều hàng hóa hơn, Amazon bán được nhiều hơn nên cần nhiều lao động đảm bảo hoạt động diễn ra trơn tru hơn. Nhu cầu cần con người có mặt để giải quyết vấn đề không bị mất đi”.

Lập luận của Giám đốc Brady có thể đúng. Một báo cáo Cục Thống kê lao động Mỹ công bố gần đây xác định gần như chẳng có căn cứ cho quan điểm kỷ nguyên máy móc thông minh làm mất việc làm. Giới chuyên gia kinh tế còn đặt cho quan điểm này một thuật ngữ: thuyết ngụy biện về việc làm (lump of labor fallacy – giả định số lượng lao động trong một nền kinh tế là cố định).

Sự đổi mới có thể tàn phá thị trường lao động, nhưng số lượng việc làm không cố định và việc làm mới sẽ thay thế việc làm cũ. Chẳng hạn khi mua sắm trực tuyến lên ngôi, công việc kho bãi thay thế công việc bán lẻ.

Hai tiến sĩ Beth Gutelius và Nik Theodore, Đại học Berkley cũng cho rằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tại kho bãi không làm mất nhiều việc làm. Tuy nhiên, đơn vị sử dụng lao động có thể dùng công nghệ theo cách giảm yêu cầu trình độ của công việc để giảm thời gian đào tạo và chi phí thay thế – đem lại ảnh hưởng bất lợi cho lao động, chẳng hạn như chậm tăng lương hay dễ mất việc làm.

Cẩm Bình