Tâm phúc của Tổng thống Zelensky bất ngờ chỉ trích đường lối của Bộ Ngoại giao Ukraine
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 14/11/2022
Trong một buổi phát trực tiếp trực tuyến, phụ tá thân cận của nhà lãnh đạo Ukraine cho biết: “Quan điểm của Bộ Ngoại giao Ukraine là phi lý và không thể chấp nhận được”.
Aristovich nói: “Chúng ta lại về phe với Nga và Iran, những người đang tấn công chúng ta và tách mình khỏi Israel - mà chúng ta muốn làm đồng minh. Ukraine ít ra cũng phải bỏ phiếu trắng trong những cuộc bỏ phiếu như vậy".
Cuộc bỏ phiếu mà ông Aristovich đề cập chỉ có thể là việc Ủy ban thứ tư của LHQ ngày 11.11 vừa qua đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế "khẩn cấp" cân nhắc về cuộc xung đột Israel-Palestine và "sự sáp nhập" của Israel với tỷ lệ 98 ủng hộ, 17 phản đối và 52 trắng. Hầu hết các nước phương Tây đều bỏ phiếu chống hay trắng để thể hiện đoàn kết với Israel. Thế nhưng, Ukraine đã bỏ phiếu bất lợi cho Israel và điều này kích hoạt sự tức giận từ nhà nước Do Thái.
Đại sứ Israel tại Ukraine Michael Brodsky đã chỉ trích Kyiv vì ủng hộ một nghị quyết trên. Ông Brodsky viết trên twitter: "Việc Ukraine ủng hộ nghị quyết của LHQ về 'Thực tiễn của Israel', phủ nhận mối quan hệ của người Do Thái với Núi Đền và kêu gọi ý kiến cố vấn của ICJ là điều vô cùng đáng thất vọng", đồng thời nói thêm: "Ủng hộ các sáng kiến chống Israel tại LHQ không giúp ích gì cho việc xây dựng lòng tin (giữa Israel và Ukraine)".
Lãnh tụ người Do Thái tại Ukraine Moshe Reuven Azman cũng gửi thư cho Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phàn nàn rằng lá phiếu của Kyiv là "một sai lầm khủng khiếp sẽ làm mất đi nhiều tháng và nhiều năm hợp tác, hỗ trợ và đàm phán" và "có thể làm suy yếu nỗ lực của tất cả những người đã làm việc chăm chỉ để mở rộng viện trợ cho Israel ở Ukraine".
Đây không phải là lần đầu tiên trong thời gian ngắn qua, Kyiv bỏ phiếu làm Ukraine thất vọng. Ngày 28.10, Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng LHQ, cơ quan giải quyết các vấn đề về giải trừ quân bị và an ninh quốc tế, đã kêu gọi Israel loại bỏ tất cả vũ khí nguyên tử và đặt các địa điểm hạt nhân của mình dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong một cuộc bỏ phiếu thu hút 152 phiếu thuận và chỉ có 5 phiếu chống.
Nghị quyết do Ai Cập đệ trình, được sự bảo trợ của Chính quyền Palestine và 19 quốc gia, gồm cả Bahrain, Jordan, Ma Rốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Dự thảo của Ai Cập tập trung vào Israel là một trong 9 quốc gia được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, điều mà nhà nước của người Do Thái chưa bao giờ chính thức thừa nhận.
Nghị quyết lưu ý rằng Israel là quốc gia duy nhất ở Trung Đông và là một trong số ít trong số 193 quốc gia thành viên LHQ không ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nghị quyết tiếp tục kêu gọi Israel "gia nhập Hiệp ước mà không chậm trễ hơn nữa, không phát triển, sản xuất, thử nghiệm hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân, từ bỏ sở hữu vũ khí hạt nhân và đặt tất cả các cơ sở hạt nhân được bảo vệ không an toàn của mình trong phạm vi đầy đủ Các biện pháp bảo vệ cơ quan như một biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng giữa tất cả các quốc gia trong khu vực và là một bước để tăng cường hòa bình và an ninh".
Năm quốc gia - Canada, Israel, Micronesia, Palau và Mỹ - đã phản đối nghị quyết về "nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông." 24 quốc gia khác bỏ phiếu trắng, bao gồm cả các thành viên của Liên minh châu Âu và Úc nhưng không có tên của Ukraine. Nói cách khác, Ukraine đã nằm trong nhóm những nước bỏ phiếu bất lợi cho Israel.
Với lá phiếu gây bất lợi cho Israel tại LHQ vừa qua của Ukraine không chỉ một mà hai lần thì có thể thấy giữa hai nước đang có những khúc mắc mà chưa dễ giải quyết.
Kyiv đã nhiều lần yêu cầu Israel viện trợ quân sự, gần đây nhất là kêu gọi cung cấp hệ thống phòng không Vòm Sắt và Arrow để hỗ trợ nước này đối phó với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà họ cho rằng Nga nhận được từ Iran. Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn, Đại sứ Ukraine tại Tel Aviv, Evgeny Korniychu, cho biết Mỹ nên gây áp lực buộc Israel phải cung cấp vũ khí cho Ukraine, vì đây là “quốc gia duy nhất mà Israel đang lắng nghe”.
Nhưng tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz cho biết Israel không đủ năng lực sản xuất để cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine. “Quy mô sản xuất của chúng tôi thấp hơn nhu cầu xuất khẩu. Chúng tôi không có cơ sở sản xuất đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Ngay cả khi chính quyền kế nhiệm thay đổi chính sách, Israel cũng không thể rút kho vũ khí phòng không của mình”, ông Gantz nói khi đang chuẩn bị từ chức Bộ trưởng Quốc phòng, nhường vị trí cho quan chức trong chính quyền mới của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Israel từng chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và tuân thủ những lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng chưa đưa ra biện pháp cấm vận nào đối với Moscow. Nước này cũng đã từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Kyiv trong nỗ lực duy trì quan hệ với Nga, quốc gia có lực lượng viễn chinh ở nước láng giềng Syria.