Chú Sáu Dân và bóng đá trẻ nước nhà

Góc bình luận - Ngày đăng : 16:09, 15/11/2022

Chú Sáu Dân thường nói với chúng tôi, tao thích đi coi các giải trẻ của tụi bay hơn những giải chuyên nghiệp, vì lẽ các cháu chơi vô tư, không tính toán, chơi lăn xả hết mình, coi sướng con mắt.

Một hôm, chú Sáu Dân Võ Văn Kiệt gọi tôi và anh Hồ Đức Việt đến. Vừa vào cửa, ngồi xuống bàn khách, ông nói luôn: “Đoàn Thanh niên và báo Thanh Niên của các cậu cố gắng mà nhận các giải trẻ đi. Bóng đá nước ta, giờ đây đang xây nhà từ nóc, đào tạo trẻ rất yếu, thì hy vọng gì có tương lai”.

Ông và chúng tôi có đề cập đến trường hợp HLV Karl Heinz Weigang đang hồi gay cấn với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lúc đó vì những quan điểm trái ngược nhau trong chiến lược phát triển bóng đá cũng như những bước đi cụ thể xây dựng đội tuyển quốc gia. Trước ông Weigang, HLV Tavares cũng giúp bóng đá VN có những bước chuyển rõ ràng qua thành tích của đội tuyển quốc gia, nhưng rồi ông Tavares cũng sớm chia tay Liên đoàn.

Chú Sáu nói, các cậu nên nhận những giải U mà các nước người ta đã từng làm. Ông nói phải có thêm nhiều trung tâm đào tạo trẻ ở các CLB, các địa phương. Và nếu chúng ta tổ chức được các giải trẻ thật tốt thì bóng đá VN mới có thể bước ra khu vực và thế giới được, không thì ì ạch lắm, ông lưu ý vậy.

chu-sau-dan-3.jpg
Chú Sáu Dân chúc mừng đội vô địch bóng đá trẻ U21 - Ảnh: Tư liệu

Ra về, anh Hồ Đức Việt bảo tôi, anh Sáu đã nói thế, thì chúng ta phải nhận thôi, đã nhận thì cố gắng làm cho tốt. Tôi băn khoăn, vì lúc đó báo Thanh Niên đã nhận tổ chức Giải bơi truyền thống vượt sông Bạch Đằng. Tôi về bàn với anh Đặng Thanh Tịnh, Phó tổng biên tập và anh em trong ban lãnh đạo báo, xin trả lại giải bơi, để tập trung sức lực cho giải U.22 cúp bóng đá trẻ báo Thanh Niên.

Năm 1997, giải bóng đá trẻ lần đầu tiên được diễn ra tại sân Hàng Đẫy. Đại diện của các trung tâm bóng đá mạnh trong cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Quân đội, Nghệ An, Tây Nguyên... đều có mặt đông đủ. Lần đầu tiên, Chính phủ tạm ngưng phiên họp để Thủ tướng Võ văn Kiệt, Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, cùng một số quan chức chính phủ ra sân dự khán và trực tiếp trao giải. Năm đó đội Thể Công vô địch, được chính tay Thủ tướng và Phó thủ tướng trao Cúp vàng và bảng danh hiệu vô địch. Thật là niềm vinh dự cho một giải trẻ, ngay lần ra mắt đầu tiên.

Từ đó, các giải sau được điều chỉnh thành giải U.21 quốc gia, cho đến hôm nay đã là giải U.21 quốc gia lần thứ 26. Chúng tôi cũng tổ chức thêm được giải U.21 quốc tế lần đầu tiên tại TP.Nha Trang và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có mặt dự và trao giải. Giải U.21 quốc tế đến nay cũng đã tròn 14 năm.

chu-sau-dan-2.jpg
Nhà báo Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh Niên, Trưởng ban tổ chức giải U21 trả lời phỏng vấn của báo chí trong một mùa giải thành công - Ảnh: Tư liệu

Tôi còn nhớ như in, năm mà anh Phạm Nhật Vượng bắt đầu khai trương Trung tâm Đào tạo trẻ PVF Thành Long, mà tôi cũng là một thành viên sáng lập, một buổi tối chúng tôi đến quận 2, nơi chú Sáu ở, để báo cáo về toàn bộ quá trình chuẩn bị cho việc thành lập PVF và công tác tuyển quân, chương trình đào tạo trẻ... cho ông nghe, góp ý kiến. Tối đó, chúng tôi cảm nhận rõ giọng ông hơi khàn, khi nói chuyện, ông quấn thêm chiếc khăn quàng cổ để giữ ấm. Sau đó vài ngày, ông vào bệnh viện điều trị và đã ra đi vĩnh viễn. Chúng tôi vô cùng hụt hẫng bởi biết rằng từ nay không còn một lần nào nữa để được nghe ý kiến của ông. được ông chỉ đạo, khuyên bảo, góp ý cần phải làm như thế nào cho bóng đá trẻ nước nhà phát triển.

Tôi còn nhớ, trước đó, năm 2006, giải U.21 được tổ chức ở Đà Nẵng. Thành phố biển này đang chuẩn bị đối phó với một cơn bão lớn, chú Sáu vẫn dự định bay ra dự cùng chúng tôi vòng chung kết ở đó. Ông đã lấy vé, lên máy bay ngồi chờ chuyến bay khởi hành, đến nỗi chị Sáu, phu nhân ông, điện nói chuyện trực tiếp với tôi, chị bảo nếu các anh để anh Sáu bay ra dự trong lúc này, các anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Mặc dù, rất muốn giải U.21  luôn có mặt của ông, "người Thầy lớn", coi đó là niềm vinh dự của bóng đá trẻ, nhưng chúng tôi đành chấp nhận lời chị Sáu. Mong chờ đó, của mùa giải năm đó, đã không có mặt chú Sáu Dân Võ Văn Kiệt. Bù lại, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - anh Sáu Phong, đã có mặt để động viên cho giải.

Chú Sáu Dân thường nói với chúng tôi, tao thích đi coi các giải trẻ của tụi bay hơn những giải chuyên nghiệp, vì lẽ các cháu chơi vô tư, không tính toán, chơi lăn xả hết mình, coi sướng con mắt. Ông cũng thường nhắc nhở các vị lãnh đạo địa phương, nhất là các quan đầu tỉnh, như một nhận xét chính xác, cũng là lời răn: “Ở tỉnh nào mà mấy ông chóp bu không bao giờ ngồi coi được 20 phút các trận bóng hay, thì ở đó khỏi nói đến bóng đá”.

Thủ tướng, thường là người quan tâm đến các vấn đề kinh tế, tập trung tháo gỡ cho nền kinh tế, những ách tắc của lĩnh vực kinh tế, nhưng đằng này, ngoài nhiệm vụ trọng đại ấy, chú Sáu vẫn dành nhiều thì giờ cho thể thao, bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ. Với anh em chúng tôi, đó là điều cực kỳ đặc biệt.

Người ta thấy chú Sáu Dân thường có mặt ở những mặt trận nóng của kinh tế từ những năm còn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, đi khắp các nhà máy tiên phong đổi mới như Thuốc lá Sài Gòn, Bột giặt Viso, Dệt Thành Công, Seaprodex... để động viên các giám đốc năng nổ. Chả thể nào quên được lời chân tình của ông: “Các anh các chị cứ mạnh dạn làm ăn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Rủi anh chị vào tù, tôi là người xách cơm thăm nuôi. Miễn là lo cho việc công, không được tư túi”.

Nhớ về chú Sáu Dân Võ Văn Kiệt liên quan tới bóng đá hay bất cứ lĩnh vực nào chú từng quan tâm, phụ trách, có thể viết nhiều trang, nhiều cuốn sách vẫn không hết. Tôi chỉ kể những gì mình từng biết, từng có quan hệ, từng trực tiếp nghe, thấy, cảm nhận. Chú ra đi đến nay đã hơn chục năm rồi, chúng ta đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú. Những gì chú Sáu để lại cho hậu thế là thứ tài sản phong phú, di sản quý giá, không dễ gì có được. Lại càng quý hơn, nhất là khi những di sản đó vẫn còn mang tính thời sự nóng bỏng, vô cùng hữu ích.

Nguyễn Công Khế