'Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương' – Vì sao trước đây không để bảng hiệu chợ Bến Thành?
Văn hóa - Ngày đăng : 12:34, 16/11/2022
Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều mới mẻ sẽ khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thích thú về ngôi chợ hơn 100 tuổi.
Ngôi chợ nhiều tên gọi nhưng không có bảng tên
Năm 1860, chợ Bến Thành được người Pháp xây dựng đơn sơ nằm trên bờ kinh Lớn. Tuy ngôi chợ đã xuất hiện từ rất sớm trên nhiều bưu ảnh nhưng có một điều khá lạ là chưa bao giờ cái tên Bến Thành được viết một cách chính thức. Trên các bưu ảnh xưa, chợ được gọi bằng nhiều tên như chợ trung tâm/chợ chính (marché central); có khi chỉ ghi vỏn vẹn là chợ (marché); hoặc “táo bạo” nhất thì cũng chỉ ghi là chợ Sài Gòn (marché de Saigon).
Từ năm 1914, chợ Bến Thành được dời về vị trí như ta thấy hiện nay với quy mô rộng lớn và khang trang hơn. Dù vậy, trong các bưu ảnh vẫn không nhắc cái tên chợ Bến Thành: có bưu ảnh ghi là tòa nhà trung tâm (Les Halles Centrales); cũng có khi là chợ lớn (grand marché - không viết hoa kiểu tên riêng); nhưng đa số được ghi một cách chung chung là chợ trung tâm/chợ chính (marché central). Đó là kể sơ qua cách mà người Pháp gọi ngôi chợ này trên bưu ảnh, chứ trên thực tế thì cổng chợ chưa bao giờ treo bảng tên.
Càng lạ hơn, khi tiếp quản ngôi chợ Bến Thành từ người Pháp sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn vẫn không treo bảng tên ở cổng chợ. Ai đi chợ này thời đó đều thấy phía trên mặt tiền chính của chợ chỉ là một mảng tường quét vôi màu vàng cam.
Duy chỉ có một thời gian ngắn chợ được đặt tên là chợ Quách Thị Trang để ghi nhận sự kiện cô nữ sinh Quách Thị Trang ngã xuống trong cuộc biểu tình chống chế độ Ngô Đình Diệm tại công viên Diên Hồng (trước cửa Nam) năm 1963. Nhưng bảng tên chợ Quách Thị Trang cũng chỉ tồn tại thời gian ngắn rồi bị lặng lẽ gỡ đi. Hồi 1973, tôi cùng bạn bè lên nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi mua sách. Lúc đi ngang cổng chính của chợ, thấy treo kín các bảng quảng cáo kem đánh răng Perlon và giày Bata, đám học trò lớp 6 chúng tôi cứ tưởng tên chợ là… Perlon hay Bata.
Người Sài Gòn xưa nay vẫn thường gọi là chợ Bến Thành
Mặc cho việc chợ không có bảng tên và không hiện diện trên các văn bản chính thức nào của chính quyền, người Sài Gòn từ những ngày đầu tiên vẫn luôn gọi là chợ Bến Thành. Không những thế, ngôi chợ còn được ưu ái vô ca dao hẳn hoi. Cụ thể năm 1904, Sài Gòn gặp một cơn bão rất lớn, thường gọi là bão năm Thìn. Trận bão lụt này làm thiệt mạng hàng ngàn người và được lưu truyền trong những câu ca dao xưa:
Bến Thành nóc chợ cũng bay
Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường
Một câu ca dao khác lại vẽ ra khung cảnh tiếng còi tàu và tiếng lao xao của khách bộ hành khi tiến gần chợ Bến Thành:
Mười giờ tàu lại Bến Thành
Xúp lê còi thổi bộ hành lao xao
Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (xuất bản năm 1909), tác giả Nguyễn Liên Phong đã dành hơn 50 câu thơ nói về ngôi chợ này trước khi nó được dời sang vị trí mới:
Bến Thành chợ rộng tứ vi
Mấy cửa hàng xén ở thì quanh năm
Chỗ ăn, chỗ ở chỗ nằm...
Khi dời sang vị trí mới như hiện nay (từ năm 1914), ngôi chợ khang trang này lập tức trở thành niềm cảm hứng mới cho các tao nhân mặc khách:
Chợ Bến Thành mới
Kẻ lui người tới
Xem tứ diện rất xinh
Thấy em tốt dáng tốt hình
Chẳng hay em có chốn duyên tình hay chưa?
Phải chăng đó là cách người Sài Gòn - Gia Định xưa thể hiện nỗi niềm lưu luyến về một ngôi chợ có thật trong buổi đầu của vùng đất Bến Nghé này? Khác với thế hệ cố cựu, nhiều người sinh ra và lớn lên sau này, nhất là những người nhập cư từ xứ khác đến Sài Gòn, lại gọi tên chợ theo cách gọi của người Pháp: chợ Sài Gòn.
Chợ Sài Gòn cẩn đá
Chợ Rạch Giá cẩn xi mon (xi măng)
Giã em ở lại vuông tròn
Anh về xứ sở không còn ra vô
(hoặc: Anh về ngoài nớ, khó còn ra vô)
Đến năm 1975, người Sài Gòn cũng như các nơi quen gọi phần sót lại của ngôi chợ trên đường Nguyễn Huệ là chợ Cũ và chợ Bến Thành là chợ Mới hay chợ Sài Gòn. Sau năm 1975, chợ lần đầu tiên chính thức được đặt bảng tên chợ Bến Thành trước cổng chính (cổng Nam) và từ đó đến nay trở thành tên gọi phổ biến với mọi người.
Tại sao chính quyền thành phố Sài Gòn trong nhiều thời kỳ khác nhau lại không thực hiện một thao tác rất đơn giản, đó là đặt bảng hiệu là chợ Bến Thành cho phù hợp với thói quen gọi tên của người dân? Thử lý giải điều này, người viết thấy rằng có một chi tiết quan trọng, đó là ngôi chợ cũ được xây dựng vào năm 1860 trên đường Charner - nay là đường Nguyễn Huệ (và cả ngôi chợ mới được xây năm 1914 tại vị trí đầm Bồ-rệt) đều không được xây dựng trên nền chợ Bến Thành ban đầu. Có lẽ cũng chính vì thế mà chủ đầu tư xây dựng chưa bao giờ gọi cả hai ngôi chợ (cũ và mới) này là chợ Bến Thành.
Bí ẩn vị trí đầu tiên của chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành xuất hiện lần đầu tiên trong Gia Định thành thông chí, được Trịnh Hoài Đức miêu tả như sau: “Chợ Bến Thành - Phố, chợ, nhà cửa trù mật, ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang đón chở khách buôn ngoài biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa Ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thức hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền…”.
Về vị trí của ngòi Sa Ngư có hai giả thiết. Đa số các nhà nghiên cứu am hiểu về Sài Gòn xưa như Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Đầu, Sơn Nam đều cho rằng ngòi Sa Ngư là một (trong hai) đường nước song song dẫn từ sông Sài Gòn hiện nay vô thành Phiên An (thời kỳ đầu thuộc Pháp là kinh Chợ Vải, sau gọi là kinh Charner, hiện nay là đường Nguyễn Huệ). Từ đó, kết luận rằng chợ Bến Thành đầu tiên nằm từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có giả thiết thứ 2 cho rằng chợ Bến Thành nằm hai bên cầu Thị Nghè với lập luận rằng ngòi Sa Ngư là rạch Văn Thánh hiện nay. Cả hai đều có những chứng cứ, lập luận đáng tin cậy về vị trí chợ Bến Thành ban đầu.
Số phận chợ Bến Thành sau cuộc thảm sát
Cuộc thảm sát những người liên quan đến cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi vào năm 1835 mang tính hủy diệt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Đến mức Trương Vĩnh Ký trong Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận) xuất bản sau đó 60 năm phải đau đớn thốt lên bằng tiếng Latin trong bài viết toàn tiếng Pháp: Vae victic (Khốn cho kẻ chiến bại).
Có những số liệu khác nhau về số người bị giết sau cuộc nổi dậy thất bại này. Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược ghi 1.831 người, Nguyễn Phan Quang căn cứ vào những bản mật tấu nói 1.284 người, Trương Vĩnh Ký trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận nói 1.137 người. Nhưng dù con số nào thì có lẽ những người trong và ngoài thành Gia Định còn sống sau cuộc hãm thành đều đã bị giết sạch (thành Gia Định hiện nay là phạm vi bốn con đường: Lê Thánh Tôn - cổng chính thành, Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu và Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Cũng theo Trương Vĩnh Ký thì những người buôn bán lẫn khách hàng thường đi chợ Bến Thành (vốn cách thành khoảng hơn 600m) chắc chắn đã bị “hành hình tức khắc”. Đại Nam chính biên liệt truyện cũng có miêu tả sự kiện thảm sát này: “Bè đảng a dua, không cứ già trẻ trai gái, trong và ngoài thành (Gia Định - thành Quy) vài dặm (đều) chém ngay không xét xử (biền tru), rồi đào một hố to vất thây lấp đất (...)”.
Dĩ nhiên, số phận của chợ Bến Thành đầu tiên được Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định thành thông chí (viết trước đó khoảng 20 năm) cũng vì thế mà bị xóa sạch vết tích sau cơn bão lửa binh đao này.