Estonia công khai chính sách bỏ phiếu mới tại LHQ: Nhìn Mỹ mà bỏ phiếu
Quốc tế - Ngày đăng : 10:13, 17/11/2022
Theo AP, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu cho biết quốc gia vùng Baltic này đã thay đổi chính sách đối với Israel và sẽ không còn bỏ phiếu thông qua các nghị quyết của Liên hợp quốc lên án các hành động của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng bao gồm Bờ Tây và Dải Gaza.
Thay vào đó, quốc gia Baltic này từ giờ trở đi khi bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc trong những vấn đề như vậy, sẽ theo đúng với quan điểm của Washington, đồng minh chính sách an ninh thân cận nhất của họ.
Theo một báo cáo được công bố hồi đầu tuần bởi đài truyền hình quốc gia ERR, Ngoại trưởng Urmas Reinsalu cho biết Estonia - một thành viên của Liên minh châu Âu và NATO - gần đây đã bỏ phiếu giống với Mỹ, chống lại việc lên án Israel tại Liên Hợp Quốc.
Ông nói: “Estonia là một thành viên của EU và nếu EU có quan điểm chính trị chung, trong đó gồm cả một số nghị quyết của Liên Hợp Quốc… thì đương nhiên chúng tôi sẽ hành động theo quan điểm chung của EU”.
Tuy nhiên, nếu 27 quốc gia EU có sự khác biệt về quan điểm, ông Reinsalu cho biết Estonia giờ đây theo nguyên tắc sẽ thống nhất quan điểm bỏ phiếu của mình với Washington.
Ông Reinsalu không giải thích điều gì đã thúc đẩy quốc gia vùng Baltic thực hiện thay đổi chính sách. Estonia, quốc gia có 1,3 triệu dân, từng giữ ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Ủy ban thứ tư của Liên Hợp Quốc hôm thứ sáu tuần trước đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế "khẩn cấp" cân nhắc về cuộc xung đột Israel-Palestine và "sự sáp nhập" của Israel.
Nghị quyết có tiêu đề "Các hoạt động giải quyết và thực thi của Israel ảnh hưởng đến quyền của người dân Palestine và những người Ả Rập khác trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng", là một trong số những nội dung tập trung vào cuộc xung đột trong phiên họp.
Nghị yêu cầu ICJ có trụ sở tại La Hay “khẩn cấp đưa ra ý kiến tư vấn” về “sự chiếm đóng, định cư và sát nhập lãnh thổ Palestine kéo dài” của Israel.
Nghị quyết cũng kêu gọi một cuộc điều tra về các biện pháp của Israel "nhằm mục đích thay đổi thành phần nhân khẩu học, đặc điểm và tình trạng của Thành phố Thánh Jerusalem" và cho biết Israel đã áp dụng "luật và biện pháp phân biệt đối xử".
Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật này với tỷ lệ 98 ủng hộ, 17 phản đối và 52 trắng.
Các nước phương Tây khá chia rẽ vấn đề này. Trong khi Áo, Úc, Canada, Estonia, Mỹ, Đức, Ý bỏ phiếu chống thì Anh, Pháp, Tây Ban Nha, bộ ba nước Bắc Âu bỏ phiếu trắng. Thậm chí Bỉ, Ireland, Bồ Đào Nha, Ba Lan còn bỏ phiếu thuận. Cuộc bỏ phiếu này, Ukraine cũng bất ngờ bỏ phiếu thuận và gây ra rạn nứt trong ngoại giao với Israel.