Tàu vũ trụ Orion chụp ảnh Trái đất trên đường bay tới Mặt trăng
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 10:36, 17/11/2022
Sứ mệnh Artemis 1 đã phóng trên đỉnh siêu tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) vào lúc 13 giờ 47 ngày 16.11 (giờ Việt Nam) nhằm thực hiện một chuyến bay thử nghiệm không người lái quanh Mặt trăng.
Hình ảnh “tự sướng” mới chụp phần cứng của tàu vũ trụ Orion và mặt đĩa được chiếu sáng một phần của Trái đất được thực hiện sau hơn 9 giờ bay của Artemis 1. Vào thời điểm đó, khoang tàu đang bay cách Trái đất 92.000 km, bằng khoảng 1/5 khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng, ở tốc độ gần 8.800 km/h.
Sandra Jones, người phát ngôn của NASA, cho biết trong buổi phát sóng trực tiếp: “Chúng ta chưa từng thấy hình ảnh Trái đất từ một tàu vũ trụ từ năm 1972 sau nhiệm vụ Apollo cuối cùng cách đây 50 năm. Hình ảnh hành tinh xanh trong bóng tối của không gian sẽ thu hút trí tưởng tượng của một thế hệ mới - thế hệ Artemis”.
Ngoài bức ảnh “tự sướng”, NASA còn công bố góc nhìn từ bên trong khoang tàu, cho thấy “hành khách” là hình nộm Moonikin Campos đang thử nghiệm bộ đồ màu cam mà các phi hành gia sẽ mặc trong chuyến bay tiếp theo.
Ngoài ra, thí nghiệm Callisto, kết quả hợp tác giữa NASA và Amazon nhằm kiểm tra công nghệ Alexa trong vũ trụ, cũng xuất hiện trong bức ảnh. Một trong những cửa sổ của tàu Orion cũng lộ ra ở góc phải khung hình.
Hai camera khác được đặt bên trong tàu vũ trụ, theo tuyên bố của NASA. Một camera nhìn ra cửa sổ phía trước của khoang tàu và cái còn lại nằm ở cửa sập trên nóc tàu, cho phép theo dõi hệ thống hủy phóng tách khỏi phương tiện trước đó và quá trình bung dù khi Orion hạ cánh.
Hình ảnh “tự sướng” còn cho các bộ phận của tàu Orion ở góc trái, bao gồm hệ thống điều khiển quỹ đạo, động cơ lớn cung cấp năng lượng cho chuyến bay vòng quanh Mặt trăng và tấm pin mặt trời. Phương tiện trang bị tổng cộng 4 tấm pin quang năng sắp xếp theo hình chữ thập.
David Melendrez, trưởng nhóm tích hợp hình ảnh Chương trình Orion tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, Mỹ cho biết: “Mỗi tấm trong 4 tấm pin quang năng của tàu Orion có một camera thương mại lắp ở rìa cánh, được điều chỉnh kỹ lưỡng để sử dụng trong không gian, cung cấp hình ảnh bên ngoài tàu”.
Nhiệm vụ Artemis 1 sẽ trải qua 5 ngày tiếp theo bay tới Mặt trăng. Khoang tàu sẽ tới gần Mặt trăng nhất hôm 21.11, dành vài ngày bay quanh quỹ đạo Mặt trăng trước khi đảo hướng. Nhiệm vụ kéo dài 25 ngày sẽ kết thúc hôm 11.12.
Nhiệm vụ Artemis 1 sẽ kiểm tra mọi bộ phận mới giúp mục tiêu khám phá không gian sâu trong tương lai trở nên khả thi. Nhiệm vụ Artemis 2 là chuyến bay có phi hành đoàn mà NASA hy vọng sẽ diễn ra vào năm 2024.
Artemis 3, chuyến hạ cánh đầu tiên lên Mặt trăng với phi hành đoàn, được nhắm mục tiêu vào năm 2025 và sẽ sử dụng tàu đổ bộ Starship của SpaceX. Nhiệm vụ này sẽ đưa các phi hành gia đến một trong 13 địa điểm tiềm năng ở cực Nam Mặt trăng. Nhưng cả hai nhiệm vụ Artemis 2 và 3, tất nhiên đều phụ thuộc vào cách Artemis 1 hoạt động.
Không phải là trùng hợp khi NASA đặt tên chương trình trở lại Mặt trăng là Artemis (tên người chị sinh đôi của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp). Artemis sẽ tiếp nối chương trình Apollo nổi tiếng bằng cách phóng nhiệm vụ có người lái tới Mặt trăng nhưng theo cách mới.
Mục tiêu của chương trình bao gồm đưa phi hành đoàn đa sắc tộc lên Mặt trăng và lần đầu tiên khám phá cực Nam chìm trong bóng tối. Chương trình tham vọng này cũng hướng tới thiết lập khu định cư bền vững trên Mặt trăng và tạo ra những hệ thống tái sử dụng cho phép con người khám phá sao Hỏa.