Anh thử nghiệm hệ thống laser diệt UAV tầm xa

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:22, 17/11/2022

Đầu tháng 11 tại công viên khoa học Porton Down, hệ thống laser DragonFire được phát triển cho Phòng thí nghiệm khoa học - công nghệ quốc phòng Anh (DSTL) đã thử nghiệm thành công tiêu diệt máy bay không người lái (UAV) cách xa hơn 3km.

DragonFire sở hữu công nghệ điều khiển và xử lý hình ảnh của công ty MBDA chuyên sản xuất tên lửa, công nghệ theo dõi và xác định mục tiêu do hãng vũ khí Leonardo cung cấp, công nghệ laser 50 kilowatt chế tạo bởi công ty quốc phòng QinetiQ. Trong tương lai hệ thống sẽ có thể điều chỉnh hỏa lực phù hợp với từng loại mục tiêu, giúp tiết kiệm năng lượng đồng thời đảm bảo tiêu diệt được mục tiêu khó hơn.

DSTL cho biết trong thử nghiệm đầu tháng 11, DragonFire thể hiện khả năng bắn chính xác ở nhiều khoảng cách: “Thử nghiệm cải thiện hiểu biết của chúng tôi về cách thức laser năng lượng cao cùng công nghệ liên quan hoạt động ở khoảng cách xa và tiêu diệt mục tiêu”.

anhi5bxsm5nznc6pnss5tmxn6xxsm.jpg
Hệ thống DragonFire - Ảnh: Sky News

Để phát triển DragonFire, Anh đã chi ra khoảng 100 triệu bảng (118 triệu USD). Hệ thống này được ưu tiên đầu tư vì được đánh giá là khí tài rẻ hơn tên lửa, đạn cỡ lớn hay đạn pháo.

“Vũ khí laser có thể đem lại năng lực sát thương chi phí thấp, giảm gánh nặng hậu cần trong khi lại hiệu quả hơn các hệ thống vũ khí khác. Công nghệ này sẽ tác động lớn đến tương lai hoạt động phòng thủ”, theo DSTL.

Vũ khí laser hoạt động bằng cách tập hợp tia laser mạnh vào mục tiêu cho đến khi sức nóng laser gây ra phá hoại. Hiệu quả vũ khí phụ thuộc nhiều yếu tố, từ điện năng đầu vào cho đến khả năng giữ cho tia laser tập trung mục tiêu. Ngay cả vị trí chiếu tia cũng góp phần quyết định tốc độ sát thương: nhắm vào phần vỏ nhựa và mạch điện sẽ vô hiệu hóa UAV nhanh hơn nhắm vào pin.

Như vậy có nghĩa chỉ tia laser mạnh là chưa đủ. Công nghệ theo dõi và xác định mục tiêu rất quan trọng trong việc giảm thời gian tia bắn vào mục tiêu. Lúc chiến đấu thực tế, thời gian cho laser bắn vào chỉ khoảng vài giây.

Một thách thức lớn khi phát triển vũ khí laser là hiệu quả tia bắn đi bị giảm đi bởi hạt trong không khí, khói, bụi, sương mù hoặc mưa. Bộ Quốc phòng Anh đặt mục tiêu chế tạo một hệ thống hoạt động chính xác ở mọi điều kiện thời tiết.

Dự án DragonFire bắt đầu từ năm 2017. UAV là mục tiêu lý tưởng vì chúng bay đủ chậm để tia laser bắn vào, và do UAV không có người lái. Nghị định thư về vũ khí laser (một phần Hiệp ước Geneva về một số loại vũ khí thông thường có hiệu lực từ năm 1998) quy định không được dùng vũ khí laser chống lại con người.

Cẩm Bình