Cổ phiếu chip giảm mạnh ở châu Á sau những tín hiệu xấu từ hãng chip nhớ hàng đầu Mỹ
Thế giới số - Ngày đăng : 17:24, 17/11/2022
Micron Technology là hãng sản xuất chip nhớ hàng đầu Mỹ.
Đồng USD tăng trở lại sau khi doanh số bán lẻ của Mỹ mạnh hơn dự kiến cho thấy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khó có thể giảm nhẹ trong cuộc chiến với lạm phát.
Điều đó làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế, với đường cong lợi suất của Bộ Ngân khố Mỹ vẫn bị đảo ngược sâu trong giao dịch ở Tokyo (thủ đô Nhật Bản) và cho thấy rằng các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho suy thoái.
Đường cong lợi suất là một đường lợi suất (lãi suất) của trái phiếu có chất lượng tín dụng bằng nhau nhưng khác nhau về ngày đáo hạn. Đường cong lợi suất thể hiện lợi suất trái phiếu theo các kỳ hạn khác nhau, thể hiện lãi suất kỳ vọng trong tương lai của thị trường tại một thời điểm hiện tại.
"Lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong một thời gian bởi ở Mỹ, ít nhất chính các dịch vụ đang thúc đẩy lạm phát và điều đó có thể kéo dài dai dẳng hơn", Salim Ramji, người đứng đầu toàn cầu ETF và đầu tư chỉ số tại BlackRock, nói Diễn đàn Thị trường Toàn cầu của Reuters vào thứ Tư.
“Trong thị trường chứng khoán, các chiến lược biến động tối thiểu có thể giúp các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư trong khi giảm thiểu rủi ro”, ông cho biết thêm.
ETF (Exchange Traded Fund) là một quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu. ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán tương tự như cổ phiếu. Đây được xem là một cách đầu tư chứng khoán thụ động.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (.HSI) giảm 2,1%, trong đó các cổ phiếu công nghệ (.HSTECH) giảm hơn 4%. Các cổ phiếu ở Trung Quốc cũng giảm, với blue chip (.CSI300) giảm 1,1%.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản (.N225) mất 0,3% và Kospi (.KS11) của Hàn Quốc giảm 1,1%.
Qua đêm, chỉ số bán dẫn Philadelphia SE (.SOX) giảm 4,3% sau khi Micron Technology cho biết sẽ giảm nguồn cung chip nhớ và cắt giảm nhiều hơn kế hoạch chi tiêu vốn của mình.
Micron Technology hôm 16.11 cho biết sẽ giảm nguồn cung chip nhớ và cắt giảm nhiều hơn kế hoạch chi tiêu vốn của mình, khi công ty bán dẫn Mỹ phải vật lộn để giải phóng hàng tồn kho dư thừa do nhu cầu sụt giảm.
Micron Technology là nhà sản xuất chip lớn đầu tiên đưa ra báo động về nhu cầu máy tính cá nhân và smartphone giảm vào đầu năm nay khi đối mặt với lạm phát cao hàng thập kỷ.
Các nhà sản xuất chip và các công ty điện tử đã sớm nhận ra hàng tồn kho quá nhiều.
Điểm yếu rộng hơn đã lan rộng trong toàn ngành và đang ảnh hưởng đến tất cả thị trường cuối từ thiết bị điện tử cá nhân đến trung tâm dữ liệu cho đến công nghiệp. Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor (.SOX) đã giảm hơn 31% cho đến nay trong năm 2022.
"Để cải thiện đáng kể tổng hàng tồn kho, nguồn cung bit DRAM sẽ cần phải thu hẹp và tăng trưởng nguồn cung bit NAND sẽ cần thấp hơn đáng kể so với các ước tính trước đây", công ty cho biết.
Micron Technology nói đang giảm quy trình ban đầu trong sản xuất chất bán dẫn khoảng 20% so với quý 4 tài chính kết thúc vào ngày 1.9.
Ở năm 2023, hãng sản xuất chip nhớ hàng đầu Mỹ dự kiến tăng trưởng nguồn cung bit hàng năm của họ là âm với DRAM và trong phạm vi tỷ lệ phần trăm một chữ số với NAND.
Chỉ số Nasdaq nặng về công nghệ (.NDX) giảm 1,5%, còn S&P 500 (.SPX) giảm 0,8%.
Các nhà đầu tư đang đánh giá lại triển vọng chính sách tiền tệ của Mỹ sau khi số liệu chi tiêu người tiêu dùng mâu thuẫn với tường thuật tuần trước.
Những lời hùng biện từ các quan chức Fed hôm 16.11 cũng vẫn mang tính diều hâu.
Hawkish hay còn gọi là phe diều hâu thường ủng hộ lãi suất tương đối cao để kiểm soát lạm phát. Nói cách khác, diều hâu ít quan tâm đến tăng trưởng kinh tế hơn so với áp lực suy thoái gây ra bởi tỷ lệ lạm phát cao.
Phe Hawkish có chính sách về lãi suất ngược lại hoàn toàn với phe Dovish (bồ câu). Dovish thường thích mức lãi suất ở mức thấp nhằm kích thích tăng việc làm.
Thống đốc Fed - Christopher Waller cho biết vẫn còn nhiều cách để tiếp tục tăng lãi suất, trong khi Chủ tịch Fed - San Francisco Mary Daly nói với trang CNBC rằng việc tạm dừng tăng lãi suất vẫn chưa phải là một phần của cuộc thảo luận.
Thị trường tiền tệ đưa ra tỷ lệ cược 93% rằng Fed sẽ làm chậm lại mức tăng lãi suất nửa điểm vào ngày 14.12 tới, với xác suất chỉ 7% của một đợt tăng 75 điểm cơ bản khác. Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn thấy lãi suất giao dịch cuối kỳ gần 5% vào mùa hè tới, tăng so với lãi suất chính sách hiện tại là 3,75 - 4%.
Chỉ số USD - đo lường tiền tệ so với 6 đối tác chính - tăng 0,13% lên 106,41, ổn định sau khi trượt xuống mức thấp 105,30 hôm 15.11 sau khi công bố số liệu lạm phát giá sản xuất.
Chỉ số euro giảm 0,14%, trong khi chỉ số AUD (đô la Úc) giảm 0,4%.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ phục hồi khiêm tốn từ mức thấp nhất trong 6 tuần (3,671%) lên khoảng 3,71% đạt được qua đêm trong giao dịch tại Tokyo. Trong khi lợi suất trái phiếu 2 năm của Mỹ tiếp tục duy trì gần mức thấp nhất kể từ ngày 28.10 khoảng 4,37%.
Vàng giảm 0,6% xuống khoảng 1.763 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD vững chắc hơn.
Dầu thô tiếp tục giảm ở châu Á sau khi giảm hơn 1 USD qua đêm, sau khi các chuyến hàng dầu của Nga được nối lại qua đường ống Druzhba tới Hungary và khi các đợt dịch bùng phát gia tăng ở Trung Quốc ảnh hưởng đến tâm lý.
Đường ống Druzhba là một trong những đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới, trải dài khoảng 4.000km, vận chuyển dầu từ Nga đến Belarus, Ukraine, Ba Lan, Hungary, Áo và Đức.
Giá dầu Brent giao sau giảm 1,07 USD, tương đương 1,2%, xuống 91,79 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giao sau của Mỹ giảm 1,21 USD, tương đương 1,4% xuống 84,38 USD/thùng.