Tìm cách bảo tồn di sản ‘vương quốc lò gạch' ở miền Tây Nam Bộ
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 18:50, 18/11/2022
Ngày 18.11, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo đóng góp ý tưởng triển khai đề án di sản đương đại Mang Thít (huyện Mang Thít)
UBND tỉnh đặt hàng chuyên gia
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, trên cơ sở xác định di sản Mang Thít là di sản vật thể và phi vật thể, kết tinh từ lao động sáng tạo, Vĩnh Long ban hành một số định hướng, chủ trương để phát triển khu vực này. Yêu cầu đặt ra là cần có những giải pháp đồng bộ, bài bản với cách tiếp cận hiện đại, sáng tạo để làm cơ sở ban hành các chính sách, thiết lập khuôn khổ pháp lý, quy hoạch, xây dựng các dự án.
Trên cơ sở đó, Vĩnh Long muốn “đặt hàng” các chuyên gia, học giả một số vấn đề:
Làm thế nào để biến “vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành di sản đương đại độc đáo mang tầm cỡ quốc tế, chất lượng hàng đầu với 3 khía cạnh về tham quan trải nghiệm, ăn nghỉ và lữ hành, lan tỏa tác động đến các khu du lịch khác trong và ngoài tỉnh; tạo sinh kế bền vững cho người dân, đảm bảo phát triển du lịch với phát triển đời sống của người dân qua việc tái định cư tại chỗ.
Xác định trọng tâm và cách thức triển khai chính sách hỗ trợ, bảo tồn, quản lý lò gạch, hình thái không gian trong quần thể di sản; làm thế nào thu hút đầu tư vào việc chuyển đổi khu vực di sản, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, vừa có cá tính vừa vì lợi ích chung của cộng đồng theo đúng tính chất đề án; những nội dung mà Vĩnh Long nên ưu tiên đầu tư để tạo sân chơi, dẫn hướng cho các chủ thể khác...
“Cuối cùng là, làm thế nào để quy hoạch khu Mang Thít theo hướng khu chức năng du lịch một cách tổng thể, bài bản, đồng bộ dựa trên kinh nghiệm trong nước và thế giới, đặc biệt là cho các vùng mang tính chất di sản”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nói.
Nhiều ý kiến được đóng góp trong hội thảo này, trong đó có chuyên gia nước ngoài đề nghị nên lưu ý giá trị của di sản có thể do cảm nhận về địa điểm chứ không phải là công trình hoành tráng đem lại. Khi thực hiện, những người sở hữu các điểm được bảo tồn có thể phải chịu thiệt hại về tài chính. Để đề án triển khai, chính quyền cần tập trung toàn bộ vùng hưởng tác động lan tỏa, không chỉ mốc neo di sản; tập hợp một nhóm cố vấn để định hướng về quy hoạch và quản lý nhà nước; các nhà đầu tư phải trên tinh thần vì mục đích xã hội và đảm bảo thiết kế dự án phải khai thác được giá trị của mốc neo di sản.
Ông Christian Manhart - đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, hàng trăm công trình ngoạn mục ở Mang Thít từng đại diện cho một ngành thủ công phồn thịnh. Điều này làm mất đi cơ hội chuyển đổi những di sản này sang du lịch, sáng tạo. Trong khi đó, văn hóa là yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế vì đó chính là lối sống, bao hàm những thông lệ, định chuẩn và lề thói gây ảnh hưởng đến cách hành xử, suy nghĩ của con người. Văn hóa đóng góp kinh tế trong nhiều ngành như du lịch bền vững, các ngành sáng tạo, hạ tầng văn hóa...
“Sự hiện diện của di sản văn hóa được nhiều người yêu thích chính là tài sản lớn của nhiều đô thị. Nhu cầu thư giãn của con người thường được đáp ứng ở những nơi thể hiện căn tính của địa phương, môi trường được hình thành cụ thể”, ông Christian Manhart nói.
Gợi ý 3 giai đoạn triển khai
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức lập quy hoạch khu du lịch, ThS Phạm Thị Huệ Linh - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch IV, Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng nên tiến hành lập quy hoạch phân khu gần như song song với lập quy hoạch chung để rút ngắn thời gian và thuận lợi việc tuân thủ quy hoạch chung trong quá trình triển khai. Ngoài ra cần được xác định trong quy hoạch cấp trên, chẳng hạn như xác định trong quy hoạch của tỉnh.
Nhóm tư vấn từ Công ty Tư vấn giải pháp đô thị - nông thôn (URS) lấy dẫn chứng từ nhiều nơi trên thế giới chuyển đổi di sản thành công để khuyến nghị rằng cần định vị bản sắc của Mang Thít. Cần biến nơi này trở thành một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, một điểm dừng cho sáng tạo và một điển hình trải nghiệm, phát triển. Nhóm tư vấn cũng gợi ý lộ trình triển khai cần thể hiện rõ tầm nhìn quần thể của cả di sản là 3.060ha, và vùng lõi di sản khoảng 330ha, từ đó có thể triển khai qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: người dân và chính quyền cần trao đổi định hướng, bảo tồn và phát triển, dừng việc người dân phá dỡ lò gạch, chính quyền cần thống nhất đề án và cam kết hỗ trợ người dân; giai đoạn 2: xúc tiến đầu tư chiến lược, tài tợ của các tổ chức quốc tế, hỗ trợ của trung ương, lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chuẩn bị dự án điểm; giai đoạn 3: xã hội hóa quy hoạch chi tiết, đầu tư điểm một số dự án công và tư dẫn hướng, đầu tư lan tỏa đa dạng, truyền thông mở rộng. Các giai đoạn kết thúc vào năm 2025.
Nhóm tư vấn này cũng đưa ra nhiều ví dụ qua phối cảnh "vương quốc lò gạch" Mang Thít với nhiều hạng mục như nhà bảo tàng, khu mua sắm, nhà hàng miệt vườn, lớp học làm gốm... Qua đó, nhóm tư vấn cũng lưu ý quá trình triển khai đề án cần tôn trọng hệ sinh thái tự nhiên; tối ưu hóa đầu tư; giảm thiểu xáo trộn, gia tăng đa dạng.
Lắng nghe tất cả những ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đánh giá cao và cho biết những ý kiến này giúp cho tỉnh những gợi ý quan trọng để thực hiện đề án. Trong đó, tỉnh sẽ triển khai 3 giải pháp đột phá cần được ưu tiên: hết năm 2022, tỉnh sẽ cân nhắc ban hành chính sách hỗ trợ người dân bảo tồn lò gạch trong cả quần thể, thời gian hỗ trợ bước đầu được thực hiện trong 5 năm để các bên có những hành động nền tảng, tạo tiền đề; lập quy hoạch cho vùng di sản và vùng lõi di sản với mức độ quy hoạch chi tiết tăng dần, quy hoạch sẽ tạo ra “luật chơi” và định hướng sự phát triển; thực hiện đầu tư và xúc tiến đầu tư chiến lược, công tác này sẽ được tổ chức song song với việc lập quy hoạch.