Tên lửa "lạc hậu" rơi vào Ba Lan phơi bày lỗ hổng phòng thủ dựa vào Patriot của NATO
Quốc tế - Ngày đăng : 07:53, 19/11/2022
Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết tên lửa tấn công Ba Lan dường như được bắn bởi hệ thống phòng không của Ukraine chứ không phải do Nga tấn công.
Nhưng mặc dù đây có thể là một lỗi kỹ thuật có thể xảy ra trong bất kỳ cuộc xung đột nào, vụ việc nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với NATO là phải bịt các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của mình bởi vì ngay cả những sai lầm như thế này cũng có thể dẫn đến sự leo thang nguy hiểm.
Một chuyên gia phòng không từ một quốc gia NATO giấu tên nói với Reuters: “Việc một tai nạn như vậy xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian. Đó cũng có thể là một tên lửa Nga bay lạc hướng, do lỗi kỹ thuật hoặc con người”.
Nguồn tin quân sự cho biết, trong khi các tên lửa phòng không tiên tiến hơn của phương Tây được thiết kế để tự hủy diệt nếu chúng bắn trượt mục tiêu, thì các tên lửa cũ của Liên Xô lại không có cơ chế như vậy.
Ông nói: “Nếu bắn trượt mục tiêu, chúng chỉ đơn giản là bay tiếp cho đến khi đốt hết nhiên liệu – rồi lao xuống”, đồng thời cho biết thêm rằng các tên lửa cũ hơn cũng có tỷ lệ lỗi cao hơn.
Các hệ thống phòng không trên mặt đất như Patriot của Raytheon được chế tạo để đánh chặn các tên lửa đang bay tới. Nhưng sau Chiến tranh Lạnh, nhiều đồng minh của NATO đã giảm số lượng các đơn vị phòng không để phản ánh đánh giá rằng từ giờ trở đi, họ sẽ chỉ phải đối phó với mối đe dọa tên lửa hạn chế đến từ các quốc gia như Iran.
Nhận thức này đã thay đổi mạnh mẽ với cuộc tấn công Ukraine của Nga, khiến các nước NATO chạy đua để tăng kho đạn dược và khắc phục tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không.
Đức có 36 đơn vị Patriot khi nước này là quốc gia tuyến đầu của NATO trong Chiến tranh Lạnh và thậm chí sau đó nước này còn dựa vào sự hỗ trợ từ các đồng minh NATO. Ngày nay, lực lượng Đức chỉ còn 12 đơn vị Patriot, hai trong số đó được triển khai tới Slovakia.
Vị chuyên gia quân sự này cho biết: “Nó từng là một vành đai thực sự của các hệ thống phòng không, và đây là điều mọi người cần nghĩ đến nếu đề cập về việc bảo vệ sườn phía đông của NATO. Nhưng chúng ta còn cách viễn cảnh như vậy rất xa”.
Nhận thấy sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách, vào tháng 10, hơn một chục đồng minh Nato do Đức dẫn đầu đã khởi động sáng kiến mua sắm chung các hệ thống phòng không cho nhiều lớp cảnh báo. Họ để mắt đến Arrow 3, Patriot của Israel và IRIS-T của Đức cùng các hệ thống khác.
Sáng kiến này được đưa ra trong bối cảnh Ukraine, đang chịu các cuộc tấn công dữ dội của Nga, rất cần thêm các đơn vị phòng không, có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hiện có ở các quốc gia phương Tây sau khi họ chuyển giao cho Kyiv một số hệ thống của mình.
Ba Lan, cùng với ba quốc gia Baltic xây dựng biên giới phía đông mới của NATO, đã đầu tư trong nhiều năm để tăng cường năng lực phòng không vốn vẫn một phần dựa vào các hệ thống thời Liên Xô như tên lửa phòng không OSA và Kub.
Marek Swierczynski, một nhà phân tích quốc phòng của tổ chức tư vấn Ba Lan Polityka Insight cho biết: “Trong thập niên tới, chúng ta đang nói về việc Ba Lan có một hệ thống phòng không cực kỳ hiện đại và rất lớn. Tuy nhiên, việc triển khai các hệ thống này còn chậm và có thể mất nhiều năm để chúng đi vào hoạt động đầy đủ”.
Swierczynski cho biết, Ba Lan đã nhận được sự hỗ trợ bổ sung từ Washington trong những tháng gần đây, nhưng các hệ thống này, chẳng hạn như các đơn vị Patriot đóng ở Rzeszow, không đủ phản ứng và tầm hoạt động xa để theo dõi từng lỗ hổng bảo vệ ở sườn phía đông.
Tuy nhiên, thậm chí nhiều hệ thống phòng không hơn cũng không thể đảm bảo rằng một tên lửa đi lạc khác giống như tên lửa hôm thứ ba sẽ bị đánh chặn.
Swierczynski nói: “Đây là một nghịch lý: bất kể bạn chi bao nhiêu tiền cho một hệ thống phòng không như vậy, bạn sẽ không bao giờ chế tạo được thứ gì đó không thể xuyên thủng 100%, có thể nói như vậy đó. Do vậy luôn có khả năng xảy ra tình huống như thế này”.
Hồi tháng 3, Mỹ thông báo sẽ triển khai 2 tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot tới Ba Lan như một giải pháp phòng thủ trước các mối đe dọa tiềm tàng giữa lúc Nga tấn công Ukraine.
"Dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng Quốc phòng và theo đề nghị của đồng minh Ba Lan, tướng Wolters, người đứng đầu Bộ Chỉ huy châu Âu của quân đội Mỹ (EUCOM), đã tái bố trí hai tổ hợp tên lửa Patriot đến Ba Lan", CNN khi đó dẫn lời đại úy Adam Miller, người phát ngôn EUCOM.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không được dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình và các loại chiến đấu cơ tiên tiến.
Ông Miller nói thêm đây là bước đi thận trọng để bảo vệ các cam kết của Mỹ với Điều 5 của NATO, và sẽ không hỗ trợ bất kỳ hoạt động tấn công nào. Điều 5 của NATO quy định về phản ứng tập thể của các nước thành viên. Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào một thành viên NATO đồng nghĩa với việc tấn công cả khối quân sự này.
Trong thông báo trên trang Twitter cá nhân ngày 17.11, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết, Ukraine đã kêu gọi Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho nước này và đề nghị đã được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa ông với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
“Tôi tin rằng giờ là lúc Ukraine cần phải có hệ thống phòng không Patriot”, ông Kuleba nói và cho biết thêm, các hệ thống phòng không NASAMS do Mỹ cung cấp trước đó đã chứng minh hiệu quả ở Ukraine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Blinken xác nhận đã có cuộc điện đàm với ông Kuleba, đồng thời cho biết, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine tự vệ. Tuy nhiên, ông không bình luận về yêu cầu của Kyiv muốn được chuyển giao hệ thống phòng không Patriot.