Đồng Nai: Bàn cách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 08:15, 19/11/2022
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết toàn tỉnh hiện có 287.000ha đất sản xuất nông nghiệp, 15 loại cây trồng chủ yếu hằng năm, 9 loại cây lâu năm, riêng đối với cây ăn quả có khoảng 11 loại khác nhau với quy mô lớn và chất lượng cao có tiếng trong cả nước. Ngành chăn nuôi cũng đang phát triển mạnh với hơn 2,5 triệu con heo và khoảng 27,5 triệu con gà. Về hình thức tổ chức sản xuất có 185 hợp tác xã nông nghiệp với gần 2.200 doanh trại, với tổng diện tích sản xuất gần 8.500ha, 155 doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra tỉnh còn có hơn 2.560 doanh nghiệp hoạt động sơ chế các sản phẩm, chủ yếu là thức ăn chăn nuôi, thực phẩm sau giết mổ, trái cây sấy, cà phê, hạt điều. Tuy nhiên phần lớn chỉ mới ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao.
“Tỉnh rất mong muốn mọi người tích cực đóng góp ý kiến, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến trên địa bàn tỉnh, nhất là lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, trồng rừng. Hãy nêu lên những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý nhà nước gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất các kiến nghị để chúng ta cùng nhau tìm ra giải pháp tháo gỡ”, ông Phi nhấn mạnh
Tại hội nghị, các vấn đề của doanh nghiệp và hợp tác xã cũng được nêu lên để tháo gỡ như: về đất đai, cần có giải pháp để doanh nghiệp có mặt bằng, đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản trong vùng sản xuất tập trung; nhanh chóng hoàn thiện đưa vào hoạt động và kêu gọi các nhà đầu tư vào 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản tại huyện Định Quán và huyện Cẩm Mỹ. Lựa chọn các ngành hàng chủ lực có diện tích, khối lượng lớn cũng như giá trị cao để xây dựng các chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư các dự án chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và tuyên truyền vận động người dân về liên kết trong sản xuất.
Ngoài ra, có nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, ban ngành, đoàn thể để hiến kế cho tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nay việc nông sản được sản xuất một nơi nhưng phải đem chế biến tại địa phương khác, gây lãng phí và đội giá thành sản phẩm. Để hạ giá sản phẩm và phục vụ thị trường tỉnh, nên có sự điều chỉnh trong quy hoạch thay vì cứng nhắc theo phân vùng như trước.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết nguyên nhân khiến cho việc đầu tư còn hạn chế là đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt tiềm ẩn nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Diện tích đất sản xuất chủ yếu sở hữu của hộ nông dân, có tính chất nhỏ lẻ, không thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất tập trung quy mô lớn. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư liên kết với nông dân để sản xuất tập trung do nhiều nguyên nhân. Doanh nghiệp khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ do thủ tục hành chính còn phức tạp...
Tổng kết hội nghị, Phó chủ tịch Võ Văn Phi đề nghị các địa phương cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất; cần kết nối vùng giết mổ gắn với chăn nuôi để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. UBND tỉnh đề nghị Sở Công Thương tiếp tục rà soát để xây dựng chuỗi liên kết gắn bó với nhau nhằm đưa sản phẩm ra thị trường được nhanh chóng, ít ảnh hưởng xấu đến thị trường; các sở KH-ĐT, TN-MT, Xây dựng, KH-CN cần nhanh chóng hoàn thiện và kêu gọi đầu tư để đưa vào sử dụng 2 cụm chế biến...
Các UBND huyện, thành phố phải tăng cường vai trò trong công tác tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, lựa chọn các ngành hàng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Các ngành như ngân hàng, thông tin truyền thông... có hướng dẫn và thông tin về chính sách trong hỗ trợ chế biến nông sản trên địa bàn; phối hợp các ban ngành, đoàn thể để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong thời gian tới.