Nhà đầu tư năng lượng tái tạo 'than' gặp nhiều rủi ro, ít sự chia sẻ

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:40, 19/11/2022

Ông Nguyễn Hoàng Long (Gelex) cho rằng đang có vòng quay lặp lại về chính sách, từ BOT sang điện mặt trời, rồi điện gió. Các đợt sóng về đầu tư và các cú phanh đột ngột, thị trường rơi vào tình trạng xáo trộn.

Tại hội thảo về năng lượng tái tạo vừa diễn ra, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT HBRE cho rằng có 3 vấn đề là nguồn phát, lưới và tiêu thụ. Thời gian qua đã phát triển nóng nguồn phát, nhưng lưới lại không đáp ứng. Nhiều dự án năng lượng tái tạo đều bị cắt giảm sản lượng.

“Cơ chế không chỉ giá, mà còn là cách mua điện, thời gian mua điện thế nào. Đối với tổ chức tài chính ngân hàng khi cho vay, họ quan tâm đến sự ổn định, thời gian hoàn vốn, rủi ro dự án. Do đó, cần tính toán cho chúng tôi thời gian tối thiểu nào đó để đảm bảo với các tổ chức tài chính”, ông Tín nêu.

Nếu có kịch bản phê duyệt giá FIT mới, ông Tín e ngại tất cả các dự án đã/đang hoàn thành sẽ đóng điện cùng lúc, dẫn tới quá tải lưới điện.

“Bản thân dự án của HBRE vừa qua bị cắt giảm 10-20%, nhưng có dự án bị cắt đến 50%, hiệu quả đi về đâu? Bộ Công Thương cần tính toán khi cắt giảm thì có giá bù lại, ưu đãi cho nhà đầu tư không?”, ông Tín nêu quan điểm.

nltt.jpg
Tọa đàm thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo

Ông Tín cũng chia sẻ rằng các dự án năng lượng tái tạo phát triển quá ồ ạt. Đề nghị Bộ Công Thương khi bổ sung quy hoạch, trong thời gian bao lâu không thi công thì thu hồi tạo điều kiện nhà đầu tư khác.

Ông Tín cũng nêu câu hỏi: Bộ Công Thương trình Quy hoạch điện 8 là 7.000MW cho tới năm 2030. Trong đó 4.000MW cho miền Bắc, 3.000MW cho Nam Trung Bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh miền Nam…), nhưng Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, miền Trung hiện đã quá tải lưới điện, thì lúc đó đấu nối vào đâu?

Một ý nữa là vùng biển miền Trung rất sâu mà giá đề xuất trên dưới 9 cent là không khả thi, trong khi các nước châu Âu là 15-16 cent.

“Bản thân HBRE được cho phép khảo sát gió ở biển Bà Rịa - Vũng Tàu, 3 năm nay tốn rất nhiều tiền, hơn hàng chục lần so với khảo sát trên bờ, và rất khó khăn. Nếu cứ ào ạt đầu tư thì bài học như trên bờ sẽ xảy ra”, ông Tín nói và cho rằng với các nhà đầu tư, khi đã bỏ tiền lớn để đầu tư, ai cũng có cách tính toán riêng, nhưng điện gió ngoài khơi nên thận trọng, cần có các nhà tư vấn giỏi, có tâm, còn không thì dự án sẽ dễ vỡ lở.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết giá FIT không gia hạn, khung giá ban hành trong Thông tư 15 là cho đối tượng chuyển tiếp nhưng không phải một lúc đàm phán tất cả hơn 4.000 MW chuyển tiếp. EVN còn phải có sự cân nhắc trong điều độ, tỷ trọng.

“Cơ chế ưu đãi năng lượng tái tạo đã phát huy tác dụng, hiện năng lượng tái tạo đang chiếm 27% tỷ trọng nguồn. Cùng với đó, đầu tư năng lượng tái tạo ngày càng dễ hơn, rẻ hơn thì không còn lý do gì để phải khuyến khích mà quan trọng là hài hòa lợi ích để nhà đầu tư chấp nhận được, giá bán điện hợp lý”, ông Hùng nói.

Về phản ánh của nhà đầu tư năng lượng tái tạo có thời điểm bị cắt giảm công suất (có thời điểm cắt giảm 50%), theo ông Hùng, hiện tượng này mang tính thời điểm. Theo đó, cần lưu ý nhà đầu tư bán bằng sản lượng chứ không bán bằng công suất, nên tính theo sản lượng tháng thì thường có thể bán được 90-95% (sản lượng bình quân trong tháng).

“Về điện gió, chúng ta cần hiểu rằng, quy hoạch là báo cáo đánh giá tiềm năng gió 12 tháng liên tục (do nhà đầu tư thực hiện), sau đó địa phương có báo cáo thì mới có quy hoạch. Thời điểm đo gió, cân nhắc, nếu nhà đầu tư tính toán so với giá FIT không có hiệu quả thì có thể không làm”, ông Hùng nêu quan điểm.

hung.jpg
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương

Với truyền tải, ông Phạm Nguyên Hùng cho rằng Luật Điện lực sửa đổi cho phép xã hội hoá truyền tải. Có thể tạm hiểu là xương sống, huyết mạch truyền tải nhà nước đầu tư, còn các nhánh thì xã hội hóa. Tuy nhiên, vướng mắc là giá truyền tải hiện nay rất rẻ nên rất khó kêu gọi nhà đầu tư.

Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc đầu tư quốc tế CPG, CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương cho rằng Nhà nước khi đã có quy hoạch về phát triển điện gió thì Nhà nước sẽ bỏ tiền để đo gió hoặc lường trước gió. Từ đó đưa ra hướng dẫn cho các địa phương rằng khu vực nào thì quyết định phát triển vì lượng gió ở đó tốt, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, mang lại lợi ích chung cho xã hội.

“Theo tôi, trong quy hoạch cần có hướng dẫn cụ thể, mang tính chất là tầm nhìn về mặt quốc gia, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp”, bà Oanh nêu.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty Hạ tầng Gelex lại thấy đang có vòng quay lặp lại về chính sách. “Khoảng 10 năm qua từ BOT sang điện mặt trời, rồi điện gió, chúng ta chứng kiến các đợt sóng về đầu tư và các cú phanh đột ngột, thị trường rơi vào tình trạng xáo trộn, mất ổn định. Hiện nay có thể nhìn thấy phần nào vấn đề tương tự ở bất động sản và trái phiếu. Như vậy có vấn đề về cách tiếp cận trong chính sách”, ông Long nêu.

Doanh nhân này đề nghị chung đối với các nhà làm chính sách là mong họ đặt mình vào vị thế nhà đầu tư, chia sẻ hơn về cách hành động, cách ứng xử của nhà đầu tư.

Trong đó, về đánh giá hiệu quả của nhà đầu tư, ví dụ với năng lượng tái tạo, bối cảnh chung có nhà đầu tư hoàn thành COD, cũng có nhà đầu tư không hoàn thành hoặc nửa hoàn thành nửa không.

“Cộng chung lại, rõ ràng các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo vừa qua không đạt hiệu quả kinh tế, gặp nhiều rủi ro, chưa kể ai hoàn thành COD cũng phải chờ 20 năm nữa mới biết thực sự hiệu quả đến đâu. Song, phần đông chỉ nhìn vào dự án hoàn thành COD, hay phần hoàn thành COD, để cho rằng nhà đầu tư đã thu được nhiều lợi nhuận. Từ đó ít sự chia sẻ, cảm thông với nhà đầu tư”, ông Long nói.

Hoài Lam