Nghệ sĩ Lê Quốc Nam – ông giáo 'bí ẩn' của kịch Sài Gòn
Văn hóa - Ngày đăng : 09:00, 20/11/2022
Lê Quốc Nam được biết đến là một nghệ sĩ sân khấu có những vai diễn độc đáo, mang dấu ấn riêng khó quên trong lòng khán giả. Ở lĩnh vực biên kịch và đạo diễn, anh cũng ghi tên mình vào làng nghệ thuật với những vở kịch kinh dị đình đám như Đình cõi âm, Oan hồn truyện ma khùng…
Chưa dừng lại ở đó, Lê Quốc Nam còn nổi tiếng với những cú “quay xe” bất ngờ như việc trúng tuyển Đại học Kinh tế nhưng lại theo học trường Sân khấu Điện ảnh, rồi học Nhạc viện ra làm nhạc công được 2 năm thì lại đăng ký đi bộ đội. Lê Quốc Nam vào quân ngũ và trực tiếp chiến đấu ở Campuchia, đến khi bị thương xuất ngũ về Sài Gòn thì anh lại bước lên sân khấu làm diễn viên hài, đóng phim, làm đạo diễn...
Sau những vinh quang và cay đắng trong nghề, thời gian gần đây, nghệ sĩ Lê Quốc Nam một lần nữa rẽ ngang làm thầy giáo để đào tạo thế hệ diễn viên kế cận cho sân khấu kịch Sài Gòn.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, phóng viên Một Thế Giới đã có buổi trò chuyện với nghệ sĩ Lê Quốc Nam, nghe anh chia sẻ những góc riêng về chuyện đời, chuyện nghề của mình.
PV: Trong quá khứ anh từng thi đậu vào Đại học Kinh tế với số điểm khá cao nhưng lại theo học trường Sân khấu Điện ảnh. Dù trở thành cái tên khá nổi tiếng trong làng nghệ thuật nhưng được biết anh cũng bầm dập, "lên bờ xuống ruộng" vì sự lựa chọn của mình. Anh có nuối tiếc vì điều này không?
Nghệ sĩ Lê Quốc Nam: Tôi thi vào Đại học Kinh tế TP.HCM và trúng tuyển nhưng bỏ để theo học trường Sân khấu Điện ảnh, đó là điều ngẫu nhiên khó lý giải. Sau này, nhiều khi tôi suy nghĩ nếu ngày xưa mình không rẽ sang nghệ thuật thì không biết cuộc sống bây giờ thế nào nhưng vẫn không tìm ra đáp án. Tuy nhiên, có một điều tôi muốn khẳng định là bản thân không hề nuối tiếc với lựa chọn năm xưa.
Theo tôi nghề nào cũng có cái hay riêng, nhưng khi chọn đi theo con đường nghệ thuật, dường như tôi đã tìm thấy chính mình. Đó mới là sự đam mê của bản thân. Thật ra hồi đó tôi thi vào Đại học Kinh tế chỉ là chạy theo bạn bè, do lúc đó nhiều người có xu hướng học kinh tế để sau này ra trường sẽ có cuộc sống ổn định hơn.
Giả sử lúc đó anh theo học kinh tế thì bây giờ anh hình dung sự nghiệp mình như thế nào?
- Tôi lại nghĩ khác, mỗi người mỗi nghề, mỗi thân mỗi nghiệp và cái nghiệp của tôi là biết đến tổ và phục vụ tổ (tổ nghề sân khấu - P.V). Hơn nữa cho dù mình làm nghề nào đi chăng nữa nhưng đời sống bấp bênh thì cũng vậy thôi. Với nghệ thuật, tôi nhận được từ công chúng nhiều niềm vui và hạnh phúc. Còn sự nghiệp sau này có như thế nào tôi làm sao biết được, chỉ biết hiện tại tôi đang rất hài lòng với công việc của mình.
Đó là anh chưa kể chuyện cãi lại gia đình không chịu làm kinh doanh mà theo học Nhạc viện, nhưng học xong ra làm nhạc công rồi lại bỏ ngang để đi bộ đội. Có phải những quyết định như thế là sự bồng bột của tuổi trẻ không?
- Gia đình tôi chuyên về kinh doanh, chỉ cần ở nhà phụ giúp hoặc theo ba tôi là cuộc sống phơi phới. Nhưng tôi quyết định lén đi học Nhạc viện và làm nhạc công được 2 năm thì tình nguyện đi bộ đội. Vì quyết định đó mà nhiều người cho rằng tôi là gã khùng, là sự bồng bột của tuổi trẻ hoặc vì vấn đề cá nhân nào đó. Nhưng thật sự đó là những quyết định nghiêm túc của tôi. Tôi cảm ơn quá khứ, cảm ơn những ngày tháng trong quân ngũ vì nó đã cho tôi rất nhiều vốn sống, chất liệu để đưa vào công việc của một diễn viên, tác giả, đạo diễn. Nhiều người hay hỏi tại sao anh Nam tham gia được nhiều loại hình hay có thể vào vai nhiều nhân vật đến vậy. Tôi trả lời đó chính là vốn sống. Mỗi vở kịch, mỗi vai diễn của tôi và học trò đều có dấu ấn của cuộc sống mà tôi từng trải qua.
Gần đây có thông tin anh bán nhà, bán xe để trả nợ và trở thành người tay trắng. Thực hư thông tin này như thế nào?
- Câu chuyện này khá riêng tư và đó chỉ là một phần của sự thật mà thôi. Có một điều tôi muốn nói là cho dù hôm nay không còn gì nhưng tôi đã chứng minh cho gia đình biết là mình đã chọn đúng con đường để đi. Nếu tôi theo nghề kinh doanh như ba tôi định hướng thì chỉ có thể là từ lỗ tới lỗ và ảnh hưởng nhiều đến gia đình. Linh cảm đã cho tôi thấy trước điều đó và tôi chọn làm nghệ thuật. Tôi đã đúng trong sự lựa chọn này.
Năm năm trở lại đây, người ta ít thấy Lê Quốc Nam xuất hiện trên sân khấu và điện ảnh. Anh có thể tiết lộ mình đã làm gì trong khoảng thời gian này không?
- Tôi ít xuất hiện trên sân khấu vì lý do khá đơn giản, đó là do không còn nhiều sân khấu để cho tôi diễn nữa. Đối với tôi, dù ở bất cứ vai trò nào thì sân khấu vẫn là cái gốc của diễn viên. Không có sân khấu thì không có diễn viên. Còn với điện ảnh, tôi vẫn tham gia web drama. Nhiều nhà sản xuất còn thương quý tôi nên vẫn mời. Tôi vẫn còn nhiều cơ hội để hóa thân vào các nhân vật.
Có phải vì sân khấu kịch ở TP.HCM đã đi vào giai đoạn thoái trào?
- Đúng, trước đây các nhà hát vẫn diễn hàng đêm, sau đó giảm xuống mỗi tuần một đêm. Còn bây giờ thì hầu như là không còn vì những nơi thuộc về văn hóa, những nơi làm sân khấu gần như từ từ mất đi để làm vào việc khác. Thời gian gần đây giá thuê mặt bằng làm sân khấu cũng tăng quá cao, hoặc các địa điểm đó được sử dụng vào mục đích khác để có nguồn thu lớn hơn, nên những người làm sân khấu như tôi chỉ biết đứng nhìn và… "khóc" mà thôi.
Thực tế này quả là câu chuyện rất buồn cho giới nghệ sĩ, trong đó có tôi. Đúng ra đến tuổi này tôi đã có một sân khấu chính để diễn hàng đêm, nhưng điều này hiện giờ không còn khả thi nữa. Trong những thập niên trước, Sài Gòn là mảnh đất cho sân khấu phát triển, nhưng bây giờ những vị trí này trở thành mảnh đất vàng cho những dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tôi không nghĩ mọi thứ lại đến nhanh như vậy. Mới hôm nào ở Sài Gòn mỗi đêm có đến trên 20 điểm hoạt động văn hóa nghệ thuật, thì bây giờ chỉ còn lại vài ba sân khấu tư nhân nhỏ lẻ hoạt động. Nhưng những sân khấu này cũng sẽ sớm bị chuyển đổi công năng, chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Hồi tháng 11, hàng ngàn khán giả đã bất ngờ khi xem vở kịch “Thời chiến - Đời bình”, trong đó cái tên Lê Quốc Nam trải dài từ khâu biên kịch đến đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, giáo viên chủ nhiệm. Anh có thể chia sẻ thêm về công việc này?
- Thời chiến - Đời bình là vở kịch rất tâm huyết của tôi, nhưng tôi quyết định giao cho các học viên lớp kịch K18/2 của NSND Hồng Vân diễn xuất vì lớp này do tôi làm chủ nhiệm. Tôi muốn tạo cơ hội cho các em và thật bất ngờ khi các học trò của tôi diễn quá thành công.
Trước khi vở kịch ra mắt công chúng, tôi nghĩ đưa cho diễn viên đã thành danh diễn thì họ sẽ làm tốt hơn về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên tôi lại nghĩ về mặt cảm xúc thì các học trò của mình sẽ diễn chân thật hơn, do các em còn rất trẻ và chưa bị nhập tâm bởi những vai diễn khác.
Thời chiến - Đời bình là vở diễn có cốt truyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình. Các nhân vật thể hiện sự giằng xé khi đứng trước những lựa chọn sống còn và những nỗi đau của con người khi đối diện với những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Để lan tỏa thông điệp đó, tôi đã làm mọi cách có thể để truyền đạt nội dung tư tưởng của vở kịch cho học trò bằng cách yêu cầu các em tìm hiểu thật kỹ các giai đoạn lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, nhân vật của tôi không rập khuôn theo một mẫu hình lý tưởng nào. Tôi đã cố gắng xây dựng các tuyến nhân vật gần sát với thực tế nhất. Ví dụ như theo truyền thống thì hình ảnh bộ đội trong chiến tranh phải là người kiên cường, dũng cảm, nhưng nhân vật bộ đội trong vở diễn của tôi là những con người rất đời thường, họ cũng biết sợ hãi, yếu đuối trước tình yêu, buồn vui với những điều được mất... Rất may là các học trò của tôi đã nắm bắt được tư tưởng đó của vở diễn.
Có người hỏi tại sao tôi lại giao cho những diễn viên trẻ mới vào nghề diễn vở này. Thật ra đối với tôi thì điều quan trọng là diễn viên phải yêu nghề và muốn trở thành một người nghệ sĩ thực thụ. Là giáo viên chủ nhiệm gần gũi với học trò hàng ngày, tôi nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các em. Ngoài kiến thức các em tự trang bị cho mình, gần như tôi đã truyền đạt tất cả những “mảng miếng” mà tôi đã tích lũy trong cả đời làm nghề cho các em.
Thời chiến - Đời bình được giới chuyên môn đánh giá là vở kịch lớn vì anh mạnh dạn mang lên sân khấu những vấn đề nóng của xã hội như đất đai, nạn lạm dụng chức quyền, hy vọng hàn gắn vết thương chiến tranh... Anh có thể chia sẻ thêm về những thông điệp đó không?
- Trong quá trình biên kịch tôi cũng xác định Thời chiến - Đời bình phải là vở kịch lớn. Tôi có tham vọng muốn truyền tải nhiều thông điệp cho giới trẻ. Những vấn đề nóng của xã hội như chuyện sở hữu đất đai, nạn lạm dụng chức quyền, tham nhũng được lồng ghép trong từng tình huống... Tuy nhiên điều đó cũng giới hạn một phần trên sân khấu và tùy thuộc vào cảm nhận của khán giả, bởi thực tế nó còn tàn khốc hơn gấp nhiều lần những điều tôi muốn nói, bởi ngôn ngữ nghệ thuật khó diễn tả điều đó một cách trần trụi hết được.
Nhưng trên hết, thông qua vở kịch này tôi muốn giới trẻ hiểu thêm về những hy sinh mất mát của thế hệ đi trước, hiểu những nỗi đau của người dân trong thời chiến lẫn thời bình. Khi giao vở kịch cho các học trò, bản thân tôi có thêm một góc nhìn mới về chiến tranh thông qua cảm nhận của các em - một thế hệ chỉ được tiếp cận cuộc chiến qua sách báo, tài liệu hoặc nghe người lớn kể lại. Vì vậy tôi muốn các em trực tiếp trải nghiệm những cảm giác đó thông qua các nhân vật mà mình hóa thân.
Theo đuổi nghệ thuật nhiều năm, anh tâm đắc điều gì và thấy nuối tiếc điều gì nhất?
- Hoạt động nhiều năm trong nghệ thuật, nếu không tâm đắc thì làm sao tôi "rút ruột" ra làm được. Tâm đắc thì rất nhiều nhưng nuối tiếc cũng nhiều. Nuối tiếc ở đây là có những việc mình dồn cả tâm huyết, công sức và thời gian vào rất thành công rồi lại biến mất. Đó là mảng sân khấu hài kịch. Ở mảng này tôi chỉ là diễn viên thế hệ sau so với những bậc đàn anh. Thời đó trên sân khấu tôi là diễn viên trẻ nhất bên những nghệ sĩ hài danh tiếng nhưng cũng là người tiên phong sáng tạo ra nhiều thể loại hài cho thành phố. Về sau này và thậm chí cho đến bây giờ mọi người vẫn sử dụng, đó là một thành công.
Nói thật lòng thì không một nghệ sĩ nào lúc đó tin sân khấu hài sẽ giống như cải lương, có nghĩa là sẽ mai một từ từ và dần biến mất, nhưng tôi đã thấy trước điều đó. Lỗi là do một số nghệ sĩ đã đi chệch hướng, biến hài thành món "thập cẩm". Khi sân khấu hài hút khách, các nghệ sĩ đứng trên đỉnh cao nên ai cũng muốn đứng đầu, ai cũng muốn làm một điều gì đó riêng biệt. Đó là sai lầm, sai lầm để rồi hôm nay sân khấu hài không còn gì hết. Đó chính là nuối tiếc nhất trong cuộc đời làm nghề của tôi.
Tôi đến với nghệ thuật bằng những vai diễn hài, giờ hài không còn đất sống, buồn lắm chứ! Thú thật là đến bây giờ tôi vẫn còn sống với nghề, vẫn còn rất nhiều dự án nhớ đến và mời tôi tham gia. Những lúc làm công việc khác, tôi lại nhớ đến những nghệ sĩ hài đồng nghiệp. Có nhiều nghệ sĩ tên tuổi dữ lắm, từ Nam tới Bắc ai cũng biết, nhưng bây giờ thì họ ngồi ở nhà, không có đất để diễn. Tôi cũng nhớ lại và nuối tiếc những đêm diễn có hàng ngàn khán giả chen nhau mua vé để xem các loại hình hài của miền Nam, đến giờ không còn gì hết. Buồn, thật buồn!
Giờ anh phải tạm lui vào hậu trường để trở thành một người thầy giảng dạy bộ môn kịch và diễn xuất, tâm nguyện của anh là gì?
- Nói thật niềm vui duy nhất của tôi hiện nay là được làm công việc giảng dạy. Tôi mang tất cả kinh nghiệm của mình để truyền đạt lại cho học trò. Tôi mong sân khấu sẽ sống lại, nhưng muốn làm được điều đó phải cần nguồn nhân lực tốt từ thế hệ kế cận. Vì vậy tôi chấp nhận lui về sau để truyền đạt lại tất cả cho thế hệ diễn viên trẻ tâm huyết với nghề.
Có những lúc tôi ngồi trong cánh gà mà rơi nước mắt nhìn học trò của mình diễn. Tôi muốn trong tương lai không có nghệ sĩ nào phải khóc như tôi nữa. Đã đến lúc phải chuyển giao tất cả lại cho thế hệ nghệ sĩ mới, đó là lý do tôi trở thành thầy giáo và toàn tâm với công việc này.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!