Các nhà cung cấp Trung Quốc gặp rủi ro lớn khi quá phụ thuộc vào Apple
Thế giới số - Ngày đăng : 11:08, 20/11/2022
Trường hợp điển hình là Goertek, nhà sản xuất tai nghe AirPods có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông (phía đông bắc Trung Quốc) trong tháng này đã mất đơn đặt hàng từ "một khách hàng lớn ở nước ngoài". Các nhà đầu tư biết rằng “khách hàng lớn đó chỉ có thể là Apple” và ngay lập tức bán phá giá cổ phiếu Goertek, ngay lập tức xóa sổ hàng tỉ USD giá trị thị trường của công ty Trung Quốc này.
Vào năm 2021, Oflim từng là một trong những nhà cung cấp mô đun máy ảnh lớn nhất cho Apple. Thế nhưng, Oflim chứng kiến doanh thu giảm 53% vào 2021 so với cùng kỳ năm trước và giảm 37% trong ba quý đầu 2022, sau khi bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp cho công ty Mỹ.
Song bất chấp những rủi ro tập trung này, Steve Peters, nhà tư vấn quản lý tại EmperorFBA.com, cho biết các nhà thầu Trung Quốc thường không có nhiều lựa chọn ngoài việc cạnh tranh để được kinh doanh với Apple.
“Có rất nhiều người chơi lớn trong không gian điện tử. Đó thực sự là một vòng tròn bên trong và mọi người đều đang tranh giành vị thế để được hợp tác với Apple", Steve Peters nhận xét.
Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất chính của Apple, với khoảng một nửa trong số 190 nhà cung cấp hàng đầu cho công ty Mỹ có trụ sở tại quốc gia châu Á này tính đến tháng 9.2021. Thế nhưng rủi ro với các nhà cung cấp khi phụ thuộc quá nhiều vào Apple là rất rõ ràng và các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc đang chú ý.
Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd, nhà cung cấp chất cách điện cho smartphone và máy tính, đang chờ phê duyệt để được niêm yết tại thành phố Thâm Quyến. Theo bản cáo bạch từ Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd, rủi ro lớn là việc công ty phụ thuộc vào Apple với tư cách người dùng cuối cùng các sản phẩm của mình. Trong đó Apple chiếm đến 88% doanh thu của Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd vào năm 2021, tăng từ 84% vào năm 2020.
Trong tuyên bố dài 272 trang trả lời các câu hỏi từ Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd đề cập đến tên Apple hơn 900 lần.
Dongguan Sixpure Intelligent Technology Co, nhà cung cấp các linh kiện điện tử trong chuỗi cung ứng của Apple thông qua các công ty như Foxconn, cho biết trong bản cáo bạch rằng Apple chiếm 77% doanh thu của mình. Điều này khiến Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đặt câu hỏi liệu việc phụ thuộc vào Apple có phải là rủi ro đáng kể không và liệu các đơn đặt hàng có bền vững không.
Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến cũng yêu cầu công ty đánh giá rủi ro tiềm ẩn từ việc di dời chuỗi cung ứng của Apple và sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của chính phủ Mỹ và các hạn chế với công nghệ nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ có tác động ngay lập tức đến Apple, sau đó ảnh hưởng đến các nhà cung cấp của họ.
Đáp lại, Huaxi Securities (đơn vị bảo lãnh cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng dự kiến của Dongguan Sixpure Intelligent Technology Co) nói rằng Ấn Độ và Việt Nam không thể thay thế vai trò Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Apple do khoảng cách về “công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng và trình độ công nhân”.
Huaxi Securities cũng cho rằng Trung Quốc duy trì lợi thế so với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc về chi phí nhân lực, tốc độ hậu cần và các chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Hiện tại, vẫn còn phải xem liệu Dongguan Sixpure Intelligent Technology Co có đảm bảo được sự chấp thuận niêm yết của Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến không.
Với Shenzhen Sinvo Automation, nhà cung cấp cho Apple đã nộp đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2021, câu trả lời đã là "Không".
Đơn đăng ký niêm yết của Shenzhen Sinvo Automation trên sàn ChiNext đã bị từ chối vào tháng 3 theo các quy tắc niêm yết được sửa đổi, một phần do sự phụ thuộc quá nhiều vào Apple - gã khổng lồ công nghệ Mỹ có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California.
ChiNext là sàn giao dịch chứng khoán theo phong cách Nasdaq (Mỹ), đặt tại trung tâm giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.
Cổ phiếu Goertek giảm giá sâu đã thúc đẩy cuộc tranh luận mới trên mạng xã hội Trung Quốc về việc trở thành nhà cung cấp cho Apple là rủi ro hay may mắn: “Những người bên trong có muốn thoát ra không, hay những kẻ ở bên ngoài vẫn muốn thâm nhập?”.
Apple có các tiêu chuẩn chính xác và xu hướng trừng phạt các nhà cung cấp không đáp ứng các yêu cầu của họ. Ví dụ, Apple thường xuyên điều chỉnh giá sản phẩm và dịch vụ dựa trên mức độ nhu cầu và cạnh tranh vào cuối mỗi quý. Điều này thường dẫn đến việc các nhà cung cấp phải giảm giá để duy trì lợi thế với Apple.
Theo báo cáo nghiên cứu của TF International Securities Group Ltd trong 10 năm từ 2008 đến 2018, 9 nhà cung cấp Trung Quốc chủ chốt cho Apple đã tăng tổng doanh thu từ 625 triệu nhân dân tệ (87,8 triệu USD) lên 19,6 tỉ nhân dân tệ. Thế nhưng, tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm 10% xuống 20% trong cùng 10 năm đó và các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm này là do cạnh tranh gay gắt hơn.
Tỉ suất lợi nhuận gộp là chỉ số được sử dụng để đánh giá mô hình kinh doanh và sức khỏe tài chính của công ty bằng cách tiết lộ số tiền còn lại từ doanh thu sau khi trừ đi giá vốn hàng bán. Tỉ suất lợi nhuận gộp thường được tính bằng lợi nhuận gộp chia cho tổng doanh thu và có thể được gọi là tỉ lệ lãi gộp.
Goertek hỗn loạn vì mất đơn đặt hàng từ Apple dù có 15.500 bằng sáng chế được cấp
Goertek không giải thích lý do mất đơn đặt hàng từ "khách hàng lớn nước ngoài", nhưng một số nhà phân tích, gồm cả Ming-chi Kuo của TF International Securities Group Ltd, nói Apple đã phát hiện ra vấn đề về chất lượng với AirPod Pro 2 do công ty Trung Quốc sản xuất.
Trong một tài liệu, các nhà phân tích của hãng BOC International cho rằng Apple hủy bỏ đơn đặt hàng sản xuất thì đó thường là biện pháp trừng phạt với nhà cung cấp không đáp ứng những tiêu chuẩn chính xác của họ.
Trên giấy tờ, Goertek là nhà sản xuất công nghệ cao hùng mạnh. Báo cáo thường niên mới nhất cho biết Goertek đã nộp hơn 3.400 bằng sáng chế trong năm qua. Tổng cộng, công ty đã đăng ký 25.800 bằng sáng chế và khoảng 15.500 bằng sáng chế được cấp bởi cơ quan cấp bằng sáng chế Trung Quốc.
Đơn đăng ký bằng sáng chế ở Trung Quốc đã tăng vọt sau khi chính phủ khuyến khích và trợ cấp cho các công ty nộp đơn, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia số 1 thế giới về đơn đăng ký bằng sáng chế.
Các đơn đăng ký bằng sáng chế của Goertek đã tăng từ 206 vào năm 2011 lên hơn 3.000 trong 2017 và công ty nhận được các khoản trợ cấp đáng kể. Chỉ riêng trong năm 2019, Goertek đã nhận được 13 triệu nhân dân tệ (1,85 triệu USD).
Song các bằng sáng chế đã không giải phóng Goertek khỏi sự phụ thuộc vào Apple. Dữ liệu của Goertek tiết lộ rằng Apple chiếm gần một nửa tổng doanh thu công ty Trung Quốc.
Hoàn cảnh hiện tại của Goertek làm dấy lên những câu hỏi mới về động thái từ Trung Quốc trong việc thúc đẩy các ứng dụng bằng sáng chế, đặc biệt là khi nói đến chất lượng sản phẩm.
Theo Cục quản lý sở hữu trí tuệ Trung Quốc, quốc gia này đã mất 15 năm để đăng ký 1 triệu bằng sáng chế đầu tiên, song chỉ mất 4 năm để đạt được 2 triệu bằng sáng chế và 1 năm 6 tháng nữa để chạm mốc 5 triệu bằng sáng chế.
Jason Wu, đồng sáng lập công ty tư vấn sở hữu trí tuệ PRIP Research, nói với trang SCMP rằng trợ cấp bằng sáng chế là một phần của vấn đề cùng với phí hành chính và đại lý thấp, đồng nghĩa chi phí nộp bằng sáng chế ở Trung Quốc chỉ bằng 1/10 so với chi phí tại Mỹ và châu Âu.
Jason Wu cho biết: “Trung Quốc đã loại bỏ dần các khoản trợ cấp, nhưng những bằng sáng chế mới vẫn đang mọc lên như nấm vì phí hành chính thấp hơn đáng kể so với các nước khác”.