Hiện thực hóa những giàn khoan do người Việt chế tạo
Sự kiện - Ngày đăng : 15:49, 21/11/2022
Kỹ sư Phan Tử Giang nói rõ hơn: “Thực tế là chủ đầu tư Vietsovpetro đặt hàng chúng tôi một giàn khoan to hơn, hoạt động được ở vùng biển sâu hơn, thì chúng tôi phải làm cho được một giàn khoan đạt những tiêu chuẩn ấy”. Và khát vọng đó được hiện thực hóa bằng công trình giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05, công trình này mới Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH-CN) đợt 6.
Tiến ra vùng biển xa hơn sâu hơn
Trong phần khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu rõ: “Nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược”. Để cụ thể hóa chủ trương ấy của Đảng và Chính phủ, trong những năm qua, ngành dầu khí Việt Nam đã từng bước đi ra những vùng biển sâu hơn, xa hơn để tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc.
Trước yêu cầu đó, đội ngũ kỹ sư của Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) đã nghiên cứu chế tạo những giàn khoan tự nâng mang màu sắc của người Việt. Từ Tam Đảo 03 đến Tam Đảo 05, từ giàn tự nâng 90m đến giàn tự nâng 120m là bước tiến dài về trình độ chế tạo giàn khoan của Việt Nam. “Nói một cách trực quan, giàn khoan càng lớn thì việc đi ra vùng nước càng sâu càng dễ dàng hơn. Hiện giờ nhu cầu đi ra và khai thác tại vùng nước sâu ngày càng nhiều. Muốn đi ra vùng nước sâu thì phải có những giàn khoan đáp ứng được nhu cầu về mặt kỹ thuật. Lý thuyết là vậy, nhưng để chế tạo được một giàn khoan nước sâu không phải chuyện đơn giản”, kỹ sư Phan Tử Giang nói.
Dự án chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 được ra đời để đáp ứng những nhu cầu trên. “Thực tế là chủ đầu tư Vietsovpetro đặt hàng chúng tôi một giàn khoan to hơn, hoạt động được ở vùng biển sâu hơn thì chúng tôi phải làm cho được một giàn khoan đạt những tiêu chuẩn đấy. Nhưng trong quá trình làm, bằng mọi cách chúng tôi nâng tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng chất xám của người Việt trên cơ sở thiết kế cơ bản để làm sao đào tạo, xây dựng được một đội ngũ trong tương lai có thể thực hiện những giàn khoan của người Việt, giúp đất nước có thể khai thác tài nguyên ở những vùng biển xa hơn, sâu hơn”, kỹ sư Phan Tử Giang chia sẻ.
Theo kỹ sư Phan Tử Giang, giàn khoan Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede & Goldman (Mỹ) có sức chứa 140 người, khả năng chuyên chở 2.995 tấn (tối đa lên tới 6.488 tấn) với tổng trọng lượng dự kiến khoảng 18.000 tấn. Giàn khoan Tam Đảo 05 có chiều dài chân 147m và có thể kéo dài đến 167m hoạt động ở độ sâu nước biển hơn 120m nước và khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9.144m. Tam Đảo 05 có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt như sóng cao 20,7m (tương ứng chu kỳ 14,7s), sức gió 36m/s và có thể đạt đến cực hạn 51,4m/s.
Trong suốt quá trình chế tạo giàn Tam Đảo 05, đội ngũ thi công hàng nghìn người gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ đơn giản là mua thiết kế cơ sở từ nước ngoài rồi thêm các chi tiết phù hợp với mình. Kỹ sư Phan Tử Giang nêu một ví dụ rất cụ thể, ở nước ngoài khi đóng giàn khoan, họ sử dụng những chiếc cẩu tải trọng khoảng 20.000 tấn, nhưng PV Shipyard chỉ có cẩu to nhất là 3.500 tấn. Sức nâng chỉ bằng 1/6 họ, nhưng phải lắp ráp, chế tạo những thiết bị với yêu cầu kỹ thuật, khối lượng giống nhau thì PV Shipyard phải sử dụng những công nghệ của riêng mình. “Trong câu chuyện này thì ở nước ngoài họ làm nguyên 1 khối to, mình thì phải chia nhỏ ra. Công nghệ buộc mình phải dựa trên những gì mình có. Đó là câu chuyện vì sao mang màu sắc của người Việt mặc dù giàn khoan vẫn dựa trên thiết kế cơ sở của nước ngoài. Đó là lý do tại sao hàm lượng công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa lại lớn, bởi nó phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, máy móc của Việt Nam”, kỹ sư Phan Tử Giang lý giải.
Đã 8 năm từ thời điểm công trường chế tạo Tam Đảo 05 khởi công, thế nhưng khung cảnh về một đại công trường với tiếng khoan cắt, tiếng kim khí vang lên suốt ngày đêm vẫn còn nguyên trong trí nhớ của kỹ sư Lê Quang Hùng, người quản lý thiết kế dự án giàn Tam Đảo 05. Anh Hùng chia sẻ, ở giàn Tam Đảo 05, việc nội địa hóa là những phần thi công và nội địa hóa một phần thiết kế, gồm nội địa hóa toàn bộ thiết kế thi công, toàn bộ thiết kế chi tiết, và một phần nội địa hóa thiết kế cơ sở. Tỷ lệ nội địa hóa của giàn Tam Đảo 03 là 31%, đến giàn Tam Đảo 05 đã lên đến 40%; có những phần của giàn khoan tự nâng chưa từng được sản xuất ở Việt Nam, nhưng sang Tam Đảo 05, PV Shipyard đã làm được. Đó là cụm tháp khoan - một bộ phận có giá trị và tầm quan trọng cao; phần vỏ chứa hệ thống nâng hạ; toàn bộ phần tủ, bảng điện. Những hạng mục này trước đây đều làm ở nước ngoài, chưa từng chế tạo thành công ở Việt Nam. Sau khi chế tạo thành công, những hạng mục này phải được đăng kiểm quốc tế cấp chứng chỉ mới được dùng trên giàn khoan.
Theo tính toán, thi công giàn Tam Đảo 05 trong nước làm lợi cho đất nước khoảng hơn 40 triệu USD, đem lại khối lượng công việc trị giá khoảng 75 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho 7.000 nhân công trong khoảng 2 năm. Trong đó, việc nội địa hóa tiết kiệm khoảng 5 triệu USD cho đất nước. Kỹ sư Lê Quang Hùng đưa ra một so sánh rất trực quan, đó là khi thi công giàn Tam Đảo 03 chúng ta phải sử dụng 13 chuyên gia nước ngoài với 43.000 giờ công, còn sang Tam Đảo 05 thì chỉ còn 3 chuyên gia với 11.000 giờ công. Thời điểm đó, lương trung bình của mỗi chuyên gia nước ngoài khoảng 30.000 đến 40.000 USD/tháng, chúng ta cứ nhân tiền lương với thời gian thi công sẽ thấy được việc “nội địa hóa chuyên gia” tiết kiệm cho đất nước nhiều thế nào.
Ở giàn Tam Đảo 05, 3 chuyên gia nước ngoài cũng chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kết quả tính toán thiết kế cơ sở… Về vấn đề này, kỹ sư Phan Tử Giang lý giải thêm: “Ở giàn Tam Đảo 03 thì mình gần như không biết gì, các chuyên gia nước ngoài trong vai trò người hướng dẫn, nói nôm na là chỉ huy mình. Nhưng đến giàn Tam Đảo 05 mình là chỉ huy, giám đốc dự án cũng là người Việt và quyền quyết định lúc đấy là của người Việt vì sự tự tin, tự chủ đã nâng cao rất nhiều”.