Bắc Giang quy hoạch rừng làm nghĩa trang: Cần thận trọng với vấn đề môi trường

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:11, 22/11/2022

Việc UBND tỉnh Bắc Giang quy hoạch siêu công viên nghĩa trang có sử dụng lò thiêu gần hồ Suối Nứa, nơi cung cấp nước sinh hoạt, liệu đã đảm bảo tính khoa học?

Việc UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam (tỷ lệ 1/500) đang đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn, trong đó có tính khoa học của dự án đối với vấn đề môi trường.

Như Một Thế Giới đã đưa tin, ngày 6.7.2022, ông Lê Ô Pích, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu công viên nghĩa trang sinh thái, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Dự án với tổng diện tích nghiên cứu hơn 320ha, lập quy hoạch dự án khoảng 180ha. "Khu vực dự án quy hoạch hiện trạng có đất đồi núi tự nhiên là rừng sản xuất chiếm khoảng 177,6ha".

Vị trí khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Ranh giới được giới hạn như sau: phía bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía nam giáp rừng sản xuất thôn Cai Vàng; phía đông giáp rừng sản xuất thôn Cai Vàng; phía tây giáp đường trục xã Đông Hưng, quy hoạch ĐT293C.

Dự án có quy mô đồ án: Diện tích nghiên cứu khoảng 320ha, diện tích lập quy hoạch khoảng 180ha, dự kiến chia làm 3 phân khu bao gồm: Phân khu A (Công viên tâm linh) quy mô khoảng 20ha; Phân khu B (Công viên nghĩa trang) quy mô khoảng 150ha; Phân khu C (Công viên du lịch sinh thái) quy mô khoảng 10ha.

Tại văn bản tham gia thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết dự án nói trên, Sở Nông nghiệp - PTNT Bắc Giang đã có một số kiến nghị.

20221107_114524.jpg
Hồ Suối Nứa rộng 106ha, dung tích 6.277 triệu mét khối hiện đang cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân, được quy hoạch làm nguồn nước cho nhà máy nước sạch cung cấp hơn 3.700 mét khối/ngày đêm giai đoạn đến năm 2035

Trong đó đáng chú ý có thông tin mà sở nêu: "Hiện tại hồ Suối Nứa ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân".

Sở Nông nghiệp - PTNT Bắc Giang nhận định, về giải pháp quy hoạch san nền, thuyết minh trong đồ án quy hoạch chưa thể hiện cao độ san nền của khu vực dự án, cần bổ sung các nội dung kết nối hạ tầng với khu vực lân cận để có cơ sở lựa chọn cao độ san nền, đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước, phòng chống sạt lở đất, đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Về giải pháp quy hoạch thoát nước mưa của dự án, nước từ khu B (khu mộ cát táng, nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ…) được thu gom về hồ điều hòa khu B để xử lý sinh học đảm bảo yêu cầu rồi thu gom dẫn về suối, ngòi tiêu hiện trạng dẫn về hồ Suối Nứa.

Nước mưa từ khu A (công viên tâm linh) và khu C (du lịch sinh thái) được thu gom đấu dẫn về suối, ngòi tiêu hiện trạng dẫn về hồ Suối Nứa. Theo giải pháp kỹ thuật về thoát nước của dự án, sẽ lựa chọn hệ thống cống đường kính D400-D1400.

Đối với nội dung nêu trên, Sở NN-PTNN có ý kiến, đồ án cần bổ sung các phụ lục tính toán thủy lực để có cơ sở xác định hệ thống mạng lưới đường ống thoát nước, khẩu độ các cửa xả, cống… Ngoài ra cần chú ý đến các giải pháp kỹ thuật liên quan đến suối, ngòi tiêu hiện trạng đi qua khu vực dự án, cần đảm bảo các yêu cầu quy định theo Luật Phòng chống thiên tai.

Mặt khác, đối với nội dung dự án có xây dựng 2 hồ điều hòa ở khu A và khu B, đơn vị tư vấn lập quy hoạch cần bổ sung các cơ sở tính toán dung tích hồ nước để đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước khu vực dự án, đồng thời làm hồ chứa nước đệm trước khi đấu nối với hệ thống tiêu thủy lợi hiện trạng.

Về giải pháp quy hoạch thoát nước thải, Sở NN-PTNN đề nghị đồ án quy hoạch dự án "cần bổ sung tính toán lại thủy lực để chọn đường ống mạng lưới nước thải. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý đến nước thải sau khi được xử lý sẽ đấu nối vào suối hiện trạng cần đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định và Luật Thủy lợi vì các suối hiện trạng sẽ đưa dẫn về điểm cuối là hồ Suối Nứa (hiện tại hồ Suối Nứa ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân).

Từ đây có thể thấy việc phê duyệt quy hoạch công viên nghĩa trang tại vị trí gần hồ Suối Nứa đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nào được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án sẽ phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Điều đáng quan tâm là, trước đó, quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Suối Nứa, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang do ông Lê Ô Pích ký ngày 22.12.2021 cho thấy dường như việc phê duyệt quy hoạch công viên nghĩa trang tại vị trí gần hồ Suối Nứa với toàn bộ nước mưa, nước thải được đưa về hồ Suối Nứa là chưa đảm bảo tính khoa học.

Dự án có vị trí: phía đông giáp thôn Tân Quý, xã Đông Hưng; phía tây giáp thôn Hố Nứa, xã Đông Phú, phía bắc giáp thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng; phía nam giáp thôn Đồng Phúc, xã Đông Hưng. Quy mô diện tích lập quy hoạch là 706,5ha, trong đó diện tích thuộc xã Đông Hưng là 559ha, xã Đông Phú là 147,5ha.

Tại phần Giải pháp tổ chức mạng lưới hạ tầng kỹ thuật của quyết định phê duyệt ở hạng mục cấp nước nêu rõ: "Khai thác nguồn nước hồ Suối Nứa để cấp nước sinh hoạt cho khách du lịch sinh thái. Sử dụng công nghệ trạm bơm điều khiển tự động bằng biến tần để nâng cấp cho các hộ tiêu thụ. Nước sạch sau khi được xử lý nhà máy nước sẽ được trạm bơm cấp 2 đưa đến mạng lưới đường ống để đến các điểm tiêu thụ nước".

Công suất cấp nước sinh hoạt cho khu du lịch sinh thái được nêu: "Giai đoạn đầu 2021-2025, cần xây dựng trạm bơm cấp 1 và nhà máy xử lý nước công suất 2.000 mét khối/ngày đêm để đảm bảo cấp nước cho nhu cầu của khu du lịch".

Cũng theo sự phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Suối Nứa, tổng nhu cầu cấp nước ngày dùng lớn nhất giai đoạn 2021-2025 cao nhất lên tới 2.170 mét khối/ngày đêm; giai đoạn 2025-2035 cao nhất là 3.710 mét khối/ngày đêm.

Có thể thấy việc triển khai công viên nghĩa trang chôn cất người chết, với diện tích lên tới hơn 170ha gần hồ cung cấp nước sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước cho nhà máy nước sạch, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cần được xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng về mặt khoa học và môi trường.

Nam Phong