Bơm tiền giải cứu BĐS là dung dưỡng cho thị trường này phát triển theo hướng bất ổn

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 10:51, 23/11/2022

TS Đinh Thế Hiển cho rằng bơm tiền để giải cứu bất động sản không khác gì tiếp tục dung dưỡng cho thị trường này phát triển theo hướng đầu cơ, bất ổn, dẫn đến suy kiệt nền kinh tế, tài chính.

Không nên nới room tín dụng để hỗ trợ bất động sản

Thị trường bất động sản đang gặp hàng loạt khó khăn. Trong quý 3/2022, tỷ lệ hấp thụ bất động sản thấp nhất trong nhiều năm nay, chỉ đạt con số rất nhỏ là khoảng 37%; nguồn vốn được coi là mạch máu của thị trường đang bị khóa van…

Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn này, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay Việt Nam đang kiểm soát được lạm phát, do đó nới room tín dụng là để hỗ trợ cho thị trường bất động sản, nhất là những dự án cần thiết cho xã hội và có nguồn hàng phù hợp với nhu cầu của người dân như nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp…

“Trước đây, trong lần giải cứu bất động sản của năm 2013 thì đã có gói 30.000 tỉ. Hiện nay thị trường đang tê liệt bởi các sản phẩm không phù hợp thì cần có chính sách để hướng thị trường vào các phân khúc phù hợp, cung và cầu gặp nhau thì sẽ có giao dịch”, ông Đính nêu.

Có chung nhận định, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới đây cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần tín dụng thêm khoảng từ 1 - 2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 - 200 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý ủng hộ việc có nên nới room tín dụng để hỗ trợ thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia cũng phản đối đề xuất này.

bds-1.png
Thị trường bất động sản gặp hàng loạt khó khăn

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng bất động sản không xấu, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh là động lực góp phần phát triển kinh tế quốc gia. Nhưng phát triển bất động sản quá mức theo kiểu người người đầu tư vào bất động sản, tỷ lệ đầu cơ bất động sản lên đến 60 - 70% như quan sát hiện nay thì ngành bất động sản sẽ gây khó cho nền kinh tế, giảm sức tiêu dùng và theo đó làm suy giảm sản xuất kinh doanh và việc làm.

Về đề xuất nới thêm room tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có hỗ trợ thị trường bất động sản, ông Hiển cho rằng không nên thực hiện giải pháp này. Cách giải cứu này thể hiện việc các doanh nghiệp không nhận ra cái sai của thị trường này.

“Giải cứu theo cách này như “đổ thêm dầu vào lửa”, trong khi nhà nước đang hạ nhiệt thị trường, đưa thị trường phát triển theo hướng bền vững. Giải cứu theo kiểu này không khác gì tiếp tục dung dưỡng cho thị trường bất động sản phát triển theo hướng đầu cơ, bất ổn, dẫn đến suy kiệt nền kinh tế, tài chính”, ông Hiển nói.

Theo chuyên gia này, nền kinh tế, tài chính đang bị suy kiệt từ việc các công ty bất động sản phát triển quá mức từ sự tiếp tay của ngân hàng và các công ty chứng khoán, trong đó có phát hành trái phiếu. Nếu không nhìn nhận rõ điều đó, vẫn mập mờ thì việc giải cứu chỉ dung dưỡng cho cái sai và gia tăng sự nguy hiểm cho nền tài chính quốc gia.

Tại hội thảo mới đây, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay hiện ngành ngân hàng cũng đang rất khó khăn trong đảm bảo an toàn vốn.

Nêu số liệu tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%, ông Hùng cho rằng ngay cả khi NHNN có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp thêm.

Theo ông Hùng, hiện nay dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau.

hung-2.jpg
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thời gian tới, ngân hàng buộc phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của chính phủ và NHNN.

"Các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được", TS Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn nhận định.

Nhà nước đang “cứu” BĐS qua việc ổn định chính sách tiền tệ, hạn chế đầu cơ

TS Đinh Thế Hiển cũng chia sẻ, nhà nước đang “cứu” thị trường bất động sản thông qua việc ổn định chính sách tiền tệ, hạn chế đầu cơ. Tuy nhiên, ở góc nhìn ngược lại, một số doanh nghiệp bất động sản đang nghĩ họ gặp khó khăn do nhà nước thay đổi chính sách đột ngột "siết tín dụng" và đó không phải do lỗi của họ.

“Thay vì nhận ra những sai lầm trong quản trị kinh doanh - tài chính của mình để có những phương thức quyết liệt vượt khó thì họ lại đang có xu hướng đổ lỗi cho chính sách tín dụng và ngầm ngụ ý rằng nhà nước phải giúp vốn, nếu không các doanh nghiệp phải bán mình, nền kinh tế suy sụp”, ông Hiển nêu.

Ông Đinh Thế Hiển cho hay các doanh nghiệp không chịu nhận ra rằng năm nay tín dụng vẫn tăng 14% và 6 tháng đầu năm các ngân hàng đã bung 9% mức tăng, tức là vốn của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn rót mạnh vào doanh nghiệp.

bds-2.jpg
TS Đinh Thế Hiển cho rằng việc khan tiền của doanh nghiệp BĐS không phải lỗi của ngân hàng thương mại

Do vậy, theo ông Hiển, việc khan tiền của doanh nghiệp không có lỗi của ngân hàng thương mại, mà chủ yếu là nguồn thu về không đủ để trả nợ khi doanh nghiệp đã vay vốn quá lớn, ngay cả tập đoàn có lõi là sản xuất kinh doanh cũng bỏ tiền vào các dự án bất động sản để kiếm lợi nhuận cao. Họ đã không tập trung vốn cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.

“Kết quả suy yếu của ngày hôm nay ở tầm vi mô là sự khốn khó của nhiều doanh nghiệp lớn, còn ở vĩ mô là nền kinh tế đang phải khắc phục các rủi ro từ hệ thống tài chính”, ông Hiển nói và cho biết các chỉ số an toàn trong huy động và cho vay của ngân hàng thương mại liên tục bị trì hoãn áp dụng, liên tục bị xem thường; các hoạt động quản trị dòng tiền của doanh nghiệp chỉ là làm sao vay được nhiều… thì chuyện đến sẽ phải đến.

Theo ông Hiển, với sự khan tiền tiền này, nhìn ở góc độ giải pháp tổng thể, thì nhà nước đang có những quyết sách đúng để cấu trúc lại hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế bền vững. Mọi sự đổ lỗi, mọi sự đòi hỏi đưa vốn ra không trực tiếp phục vụ cho sản xuất kinh doanh thiết thực đều là sai lầm.

Hoài Lam