Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Khó khăn khi triển khai dạy học tích hợp
Giáo dục - Ngày đăng : 14:07, 23/11/2022
Triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang ở giai đoạn cơ bản
Hiện nay, Bộ GD-ĐT liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến đối với các sở GD-ĐT, phòng giáo dục, thậm chí là các trường, để lắng nghe chia sẻ về tình hình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho năm học mới.
Bộ GD-ĐT đánh giá việc xây dựng kế hoạch triển khai chương trình đang ở trong giai đoạn cơ bản. Điều kiện vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, đồ dùng tương đối đáp ứng đủ. Kế hoạch thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục được các nhà trường xây dựng bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kỳ một cách hợp lý, khoa học.
Các trường học hiện nay cũng đã hiểu về nội dung chính của chương trình nên đã xây dựng tổ hợp các môn theo đúng chuyên đề học tập, đặc biệt là đối với học sinh lớp 10 bắt đầu bước vào lựa chọn môn, khối ngành phù hợp. Các địa phương và các trường cũng đã tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn các tổ hợp do nhà trường xây dựng đảm bảo khoa học, công khai, minh bạch.
Nói về chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định năm nay là năm đầu tiên việc đổi mới giáo dục được triển khai một cách triệt để nhất. Các trường, các giáo viên đã tăng cường dạy học theo từng môn theo lựa chọn của học sinh, giảm thiểu những môn bắt buộc. Việc đổi mới phương pháp dạy học một cách đa dạng, tăng các tiết ngoại khóa trải nghiệm để học sinh tự học, tự tìm hiểu theo sở thích, đam mê của mình, phát triển kỹ năng cá nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết việc giáo viên hiện vừa dạy học, vừa phải nắm vững kế hoạch tổng thể, gộp môn nhằm đáp ứng tốt nhất chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là khá khó khăn. Thậm chí nhiều giáo viên còn băn khoăn vì lương không đủ trang trải cuộc sống mà phải tốn nhiều thời gian cho công việc. Bộ GD-ĐT đang triển khai, rà soát các văn bản thể chế chính sách để nâng lương giáo viên, tăng phụ cấp.
"Sẽ có những ưu đãi riêng dành cho các giáo viên mầm non, tiểu học, vùng cao, vùng sâu vùng xa để các giáo viên bám nghề, giải quyết được đời sống cho giáo viên. Ngành giáo dục sẽ có những hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thầy cô và học sinh yên tâm giảng dạy, học tập" - Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Sơn cũng khẳng định việc đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức. Phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. Do đó, để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, quyết tâm của các địa phương, các bộ ngành liên quan.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến với các sở GD-ĐT vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết trong quá trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt về giáo viên chuyên môn, các vấn đề về sắp xếp môn học, hoạt động trải nghiệm, các tài liệu cho giáo viên tham khảo vẫn còn chậm trễ, chưa đủ vật tư, thiết bị cho các học sinh sử dụng...
Dạy tích hợp: Không phải thầy cô nào cũng đáp ứng được
Đáng chú ý nhất ở các địa phương chính là phải có một đội ngũ giáo viên có đủ năng lực dạy tích hợp các môn. Nhưng việc đó không thể khắc phục một sớm một chiều bởi vì mỗi một môn học có những đặc thù khác nhau, các giáo viên phải chủ động bổ sung kiến thức, học hỏi thêm các chuyên môn ở các môn học. Khó khăn nhất là đối với các lớp học ở vùng sâu vùng xa, miền núi... thì các cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ, vì thế chất lượng dạy học cũng giảm sút. Ở chương trình Giáo dục phổ thông mới, giáo viên chính là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục để đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành chất lượng giảng dạy và tiếp thu kiến thức của học sinh. Nếu vấn đề về chuyên môn của giáo viên không đáp ứng được thì việc đổi mới giáo dục rất khó để thành công.
Thiếu giáo viên dạy chương trình mới là một thực tế khiến đội ngũ giáo viên bị quá tải và rất áp lực khi thực hiện chương trình. Dù được bồi dưỡng chuyên môn, nhưng hầu hết giáo viên đang phải vừa dạy vừa mày mò, thậm chí có giáo viên dạy trái chuyên môn. Nhiều môn tích hợp khiến các giáo viên đau đầu suy nghĩ, học hỏi nhưng vẫn không thể hiểu hết kiến thức chuyên môn ở môn học đó.
Ông Nguyễn Mạnh Đạt (Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên) cho biết hiện nay tỉnh đã triển khai chỉ đạo các giáo viên có năng lực chuyên môn nào thì dạy ở môn học đó. Thậm chí cả hiệu trưởng và giáo viên cũng phải tìm hiểu, học tập cập nhật các phương pháp giảng dạy hay để điều chỉnh phù hợp với điều kiện dạy tại trường, tạo sự hào hứng, mới mẻ cho các em học sinh. Tuy nhiên vẫn còn có những vấn đề nổi cộm cần suy nghĩ.
Ngoài những ưu điểm là giảm áp lực, tăng sự ghi nhớ của học sinh, tạo ra một buổi học đầy lý thú thì chính chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang vấp phải một khó khăn đó chính là "tích hợp giữa các môn học". Việc tích hợp này chính là tích hợp các môn học ở các cấp THCS như Âm nhạc và Mỹ thuật thành môn Nghệ thuật, Vật lý, Hóa học, Sinh học (môn Khoa học tự nhiên), phân môn Lịch sử, Địa lý (trong môn Lịch sử - Địa lý). Đây là điểm mấu chốt khiến nhiều giáo viên sợ hãi chương trình đổi mới Giáo dục phổ thông 2018.
Cô Nguyễn Hà Linh (ở Thanh Hóa) cho biết cô là giáo viên dạy bộ môn Sinh học, tuy nhiên các kiến thức cụ thể hơn về Hóa học hay Vật lý thì cô không thể nào hiểu hết, dù cô đã tranh thủ học thêm ở các đồng nghiệp nhưng nhiều khi học sinh hỏi cụ thể hơn về việc pha nồng độ các chất hóa học chẳng hạn thì không thể nào giải thích cụ thể cho các em thực hành.
"Dạy tích hợp thật sự rất khó, giáo viên thì dạy quá sức, nhiều câu hỏi học sinh hỏi vẫn chưa biết mà hỏi nhiều thành ra ngại và chán nản, học sinh thì không hiểu bài và chính các em sẽ là thiệt thòi nhất dù có hỏi về các thành phần hóa học để chia tỷ lệ thì tôi cũng chỉ có thể giải thích tốt nhất ở bộ môn Sinh học chứ Hóa học và Vật lý tôi chỉ biết sơ qua", cô Linh tâm sự.
Trước những băn khoăn lo lắng về việc các giáo viên phải gộp môn, giảng dạy tích hợp thì liệu có đảm bảo chất lượng giáo dục, TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng GD-ĐT cho rằng lâu nay các giáo viên dạy theo phương pháp cũ chính là lực cản lớn để phát triển ngành nghề của mình. Dạy theo yêu cầu của chương trình mới nhưng giáo viên hiện nay không được giảm định mức công việc để có thời gian tiếp cận chương trình mà phải đổi mới chủ yếu bằng tự học ngay chính trong quá trình dạy học theo chương trình mới. Các giáo viên phải chấp nhận những hạn chế của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để học hỏi, chuyển đổi sao cho các học sinh hiểu và hào hứng với các môn học đó.
“Trường sư phạm chỉ có thể đào tạo ra những giáo viên đáp ứng các yêu cầu chung. Nhưng để giáo dục phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân thì hoạt động giáo dục lại phải phù hợp với từng học sinh, từng hoàn cảnh. Do đó, giáo viên phải tự rèn luyện và học tập, tập huấn, bồi dưỡng, sinh hoạt tổ chuyên môn để nâng cao chuyên môn của các giáo viên trong nhà trường” - nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các môn học tích hợp sẽ giảm áp lực học cho các em, học sinh có cơ hội tăng cường các hoạt động trải nghiệm, phát triển phẩm chất kỹ năng sống. Nhiều học sinh thật sự hào hứng với những cách dạy đổi mới từ những môn học tích hợp, đặc biệt ở môn học trải nghiệm, hướng nghiệp. Các em được rèn luyện kỹ năng, thử sức ở những kiến thức, trải nghiệm mới. Các môn học tích hợp cũng giúp các em có thời gian tập trung cho môn học, ngành nghề mình yêu thích.