EU đối phó với sự đe dọa thương mại từ Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 15:54, 23/11/2022
EU đang sẵn sàng thúc đẩy trợ cấp lớn để ngăn ngành công nghiệp châu Âu không bị xóa sổ bởi các đối thủ Mỹ, hai quan chức cấp cao của EU nói với Politico.
Châu Âu đang phải đối mặt với một đòn giáng mạnh Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ - chương trình trợ cấp công nghiệp để hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh. Các quan chức EU lo ngại rằng các doanh nghiệp giờ đây sẽ chuyển dần các khoản đầu tư sang Mỹ thay vì châu Âu.
Ủy viên châu Âu về thị trường nội bộ Thierry Breton cảnh báo rằng gói trợ cấp doanh nghiệp mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt ra một "thách thức tồn tại" đối với nền kinh tế châu Âu.
Ủy ban châu Âu và các quốc gia, gồm cả Pháp, Đức đã nhận ra rằng họ cần phải hành động nhanh chóng nếu muốn ngăn châu lục này thành "vùng đất hoang". Theo hai quan chức cấp cao, EU hiện đang thực hiện một kế hoạch khẩn cấp để rót tiền vào các ngành công nghệ cao quan trọng.
Theo đó, giải pháp dự kiến đang được chuẩn bị ở Brussels nhằm đối phó lại các khoản trợ cấp của Mỹ bằng một quỹ trợ cấp của EU. Đây sẽ là "Quỹ chủ quyền châu Âu", đã được Chủ tịch Ủy ban, bà Ursula von der Leyen đề cập trong bài phát biểu vào tháng 9, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào châu Âu và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh đầy tham vọng.
Các quan chức cấp cao cho biết EU phải hành động cực kỳ nhanh chóng khi các doanh nghiệp đang đưa ra quyết định về nơi xây dựng các nhà máy trong tương lai, từ pin và ô tô điện đến tuabin gió và vi mạch.
Một lý do khác để Brussels phản ứng nhanh cũng là để tránh các nước EU đơn lẻ vung tiền khẩn cấp. EU lo ngại việc các quốc gia thành viên phản ứng đối với cuộc khủng hoảng giá khí đốt bằng đủ loại biện pháp hỗ trợ không nhất quán sẽ đe dọa làm suy yếu thị trường.
Tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp EU hôm 21.11, Ủy viên EU Breton cũng đã đưa ra cảnh báo của mình về "thách thức tồn tại" đối với châu Âu từ Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.
Đạo luật Giảm lạm phát là một rào cản cụ thể đối với các quốc gia sản xuất ô tô của EU, chẳng hạn Pháp và Đức, vì nó khuyến khích người tiêu dùng "mua xe điện Mỹ". Giới chức châu Âu lo ngại nội dung đạo luật, trong đó có miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ cũng như hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của nước này có thể ảnh hưởng tới các nhà sản xuất xe điện châu Âu.
Hãng tin CNBC hôm 9.11 đã trích dẫn một tài liệu chính thức cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, cho rằng đạo luật này vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tháng 10 khẳng định Mỹ đã nắm được những lo ngại này, nhưng cho rằng sẽ khó có thay đổi nào đối với đạo luật.
Các quốc gia EU hiện coi đạo luật của Mỹ làm suy yếu thương mại tự do toàn cầu, và EU muốn đưa một thỏa thuận mà trong đó các công ty sản xuất châu Âu có thể được hưởng các lợi ích tương tự. Để tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ, một cuộc “chạy đua trợ cấp thương mại” đang là giải pháp hợp lý nhất.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và người đồng cấp Pháp Bruno Le Maire hôm 22.11 đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi một "chính sách công nghiệp của EU cho phép các công ty châu Âu phát triển mạnh trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là thông qua sự dẫn đầu về công nghệ". “Chúng tôi muốn phối hợp một cách tiếp cận chặt chẽ của châu Âu đối với những thách thức như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ”, tuyên bố chung nêu rõ.