Cuba chỉ trích NATO, phản đối các lệnh trừng phạt với Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 17:09, 23/11/2022
Trong cuộc hội đàm với với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22.11 ở Điện Kremlin, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel đã chỉ trích NATO mở rộng về phía biên giới của Nga và coi các hành động này là “không thể chấp nhận được”. Ông cáo buộc NATO đã kích động cuộc chiến song tự coi mình là "người giải cứu".
Chủ tịch Diaz Canel cũng cho biết Cuba đánh giá cao những nỗ lực và vai trò của Nga trong việc định hướng thế giới theo hướng đa cực và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Nga.
Ông cũng lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt chống Nga khi đề cập đến lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba. Ông tiếp tục nói rằng Cuba sẽ hỗ trợ Nga bằng cách lên án các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow.
Về phần mình, phát biểu tại cuộc hội đàm, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, quan hệ giữa Cuba và Nga tiếp tục phát triển ổn định. Theo ông Putin, hợp tác giữa các bộ ngoại giao, quốc hội và chính phủ hai nước đang phát triển đúng hướng.
“Liên Xô trước đây và Nga hiện nay luôn ủng hộ nhân dân Cuba trong cuộc đấu tranh giành độc lập và chủ quyền. Chúng tôi lên tiếng chống lại tất cả các biện pháp trừng phạt, cấm vận… Chúng tôi luôn ủng hộ Cuba trên trường quốc tế và thấy rằng Cuba cũng có quan điểm tương tự đối với Nga”, ông Putin cho hay.
Tổng thống Putin cũng không quên ca ngợi cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro vì đã “bảo vệ chủ quyền Cuba một cách quên mình”. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng nêu những điểm tương đồng giữa các lệnh cấm vận Cuba đang đối mặt từ Mỹ và những biện pháp trừng phạt của phương Tây, NATO đối với Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Theo các chuyên gia, động thái giữa Cuba và Nga đã gửi đi thông điệp rằng Moscow không bị cô lập. “Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn thể hiện mối quan hệ tốt đẹp và họ đều muốn thể hiện rằng họ không bị cô lập”, Evan Ellis - giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên, thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – nhận định.
Được biết, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gửi viện trợ cho Ukraine trong suốt cuộc xung đột. Các nước thành viên NATO, như Mỹ, cũng cung cấp vũ khí, đạn dược, vật tư, thiết bị, viện trợ tài chính và các cơ chế quốc phòng khác cho Ukraine. Liên minh này cũng triển khai quân đội đến Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia.
Sau vụ rơi tên lửa hồi đầu tháng này ở quốc gia thành viên NATO - Ba Lan khiến hai người thiệt mạng – liên minh quân sự này đã thừa nhận tên lửa có khả năng đến từ Ukraine nhưng vẫn duy trì sự ủng hộ đối với Kyiv bằng cách yêu cầu Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc.