Thổ Nhĩ Kỹ tuyên bố tên lửa S-400 mua từ Nga đã sẵn sàng chiến đấu

Quốc tế - Ngày đăng : 18:12, 23/11/2022

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỹ hôm 22.11 cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mua lại từ Nga đã sẵn sàng hoạt động và sẽ được sử dụng nếu đất nước bị đe dọa.

Phát biểu trước Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỹ, ông Hulusi Akar cho biết “S-400 đã sẵn sàng”.

“Nếu bất cứ mối đe dọa nào xuất hiện, chúng tôi sẽ quyết định địa điểm và cách thức sử dụng hệ thống S-400. Chúng tôi đã kiểm tra và không có vấn đề gì với việc vận hành hệ thống S-400", ông Akar nói, đồng thời nhấn mạnh hợp đồng mua vũ khí này từ Nga chỉ được tiến hành sau khi Mỹ không đáp ứng đề xuất bán các hệ thống phòng không tầm xa cho Thổ Nhĩ Kỳ.

tnk.png
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 - Ảnh: Wikipedia

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 21.11 nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể khởi động một chiến dịch quân sự mới ở Syria do cuộc tấn công từ lãnh thổ Syria cùng ngày khiến ít nhất 3 người, trong đó có một trẻ em, thiệt mạng tại một thị trấn biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần trước, một vụ đánh bom ở trung tâm thành phố Istanbul khiến 6 người thiệt mạng và 81 người bị thương.

Vào tháng 4.2017, sau những nỗ lực kéo dài nhằm mua hệ thống phòng không từ Mỹ trở nên vô ích, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng với Nga để mua hệ thống S-400 tối tân. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký thỏa thuận mua bán tổ hợp S-400 đầu tiên trị giá khoảng 2,5 tỉ USD vào cuối năm 2017. Ankara đã nhận được lô hàng đầu tiên vào tháng 7.2019.

Các quan chức Mỹ bày tỏ sự phản đối việc triển khai này, cho rằng hệ thống S-400 mua lại từ Nga sẽ không tương thích với các hệ thống của NATO. Washington sau đó áp các biện pháp hạn chế đối với ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm 2020, và loại Ankara khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng S-400 sẽ không được tích hợp vào các hệ thống của NATO và không gây ra mối đe dọa nào đối với liên minh. Ankara đã nhiều lần đề xuất thành lập một ủy ban để làm rõ vấn đề này.

Được biết, S-400 - tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler - là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do Nga thiết kế. Đây là 1 phiên bản tên lửa thuộc họ tên lửa tầm cao S-300 và là hệ thống phòng không đa năng có tầm bắn xa nhất thế giới cho tới khi hệ thống S-500 ra đời.

Sự khác biệt giữa S-400 với các phiên bản S-300 trước chủ yếu là những cải tiến sâu hơn về các thiết bị điện tử cùng với việc triển khai thêm bốn loại tên lửa mới cho hệ thống, giúp bên sử dụng có thể tùy chỉnh các tên lửa mang theo nhằm tăng khả năng tác chiến chống lại các thể loại mục tiêu nhất định. Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 từ 40 - 400 km.

Gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương từ năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ hiện được xem là đồng minh “cứng đầu” nhất của liên minh quân sự, khi luôn có những động thái đi ngược lại số đông các thành viên. Vị trí địa lý ở sườn đông nam NATO khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành bên cung cấp an ninh quan trọng cho liên minh quân sự này.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia cùng các nước phương Tây để áp lệnh trừng phạt với Moscow. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã rất tích cực đóng vai trò trung gian đàm phán giữa Kyiv và Moscow.

Hoàng Vũ (theo AA)