29 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH-CN

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 24/11/2022

Tối 23.11.2022, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước (Giải thưởng) về KH-CN đợt 6 được tổ chức tại Hà Nội.

Các công trình có tầm ảnh hưởng lớn

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, các công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn. 12 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH-CN thực sự là các công trình rất xứng đáng và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền khoa học và kinh tế đất nước.

Bộ trưởng cho biết các công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đã làm rõ và đề xuất các nguyên tắc đổi mới ở Việt Nam trong thời điểm Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Một số công trình nghiên cứu về ngôn ngữ được giới ngôn ngữ học nói chung, giới văn tự học nói riêng trong và ngoài nước đánh giá như một dấu mốc trong nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa Việt Nam.

Cùng với đó, các nghiên cứu về công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam cũng đã khẳng định chủ quyền và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng.

bo-truong-huynh-thanh-dat.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: BTC

Theo Bộ trưởng, các công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước góp phần hình thành nên những nhận thức mới, đóng góp quan trọng về mặt tư liệu, được ứng dụng trong đào tạo; tăng hiệu suất, công suất, tiết giảm năng lượng, tiết kiệm nhiên liệu... Điều này góp phần quan trọng tạo ra sự đột phá về năng suất và hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh KH-CN được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển KT-XH và giữ vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới của nước ta, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ KH-CN coi đây vừa là niềm tự hào nhưng cũng là một nhiệm vụ hết sức to  lớn mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó. Để hoàn thành tốt được nhiệm vụ này, ngoài sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự sát cánh của các bộ, ban, ngành, địa phương thì sự nỗ lực, cống hiến của các nhà khoa học, đóng vai trò hết sức quan trọng.

trao-giai.jpg
Lễ trao giải được tổ chức vào tối 23.11 tại Hà Nội - Ảnh: BTC

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại Lễ trao giải, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển và ứng dụng KH-CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư cả về nguồn lực, cơ chế chính sách và con người trong hoạt động của các ngành, các cấp.

“Và trong thực tế, trong mỗi giai đoạn phát triển, đội ngũ cán bộ làm công
tác KH-CN đều có những đóng góp, cống hiến lớn lao đối với đất nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH-CN là sự ghi nhận, biểu dương, tôn vinh của Đảng và Nhà nước ta đối với công trạng lớn lao của các nhà khoa học, các tác giả đã có công trình, cụm công trình tiêu biểu, xuất sắc về KH-CN”, Chủ tịch nước cho biết.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực, và đạt được nhiều thành tựu trọng việc việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN nhưng cũng cần thẳng thắn rằng năng lực KH-CN và đổi mới sáng tạo của đất nước còn hạn chế, trong khi hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển và ứng dụng KH-CN.

Ngoài ra, chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế và chế độ đãi ngộ tốt, hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học. Mức chi cho KH-CN cả khu vực Nhà nước và tư nhân còn khá thấp so với mức bình quân của thế giới.

chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: BTC

Chủ tịch nước nhấn mạnh nếu không mạnh dạn đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta...

Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế
chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp. Đề xuất các cơ quan có thẩm quyền trong việc tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước trong tổng chi Ngân sách hàng năm cho lĩnh vực KH-CN…

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đạt các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế.

Có chính sách hấp dẫn và cạnh tranh nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam, tạo ra sự giao thoa và lan tỏa tri thức khoa học trong nước và thế giới.

Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào nghiên cứu ứng dụng
công nghệ cao.

Thu Anh