Foxconn trả 1.400 USD cho công nhân mới thuê để rời khỏi nhà máy iPhone lớn nhất thế giới

Thế giới số - Ngày đăng : 09:21, 24/11/2022

Do Foxconn điều hành, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc đã hứa trả cho mỗi công nhân mới tuyển dụng 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) để rời khỏi khuôn viên ngay lập tức.

Đây trong một động thái của công ty Đài Loan nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình trở thành bạo lực.

Đề nghị dành cho người lao động được đưa ra hôm 23.11 và công bố bởi Cailianshe (phương tiện truyền thông trực tuyến Trung Quốc), sau khi xung đột bạo lực giữa công nhân với nhân viên an ninh của công ty bắt đầu vào tối 22.11 vì phụ cấp và các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt.

Foxconn xác nhận rằng các cuộc biểu tình, một số trở thành bạo lực, đã xảy ra tại nhà máy trong một tuyên bố trước đó vào ngày 23.11 nhưng không nêu chi tiết thêm.

Theo thông báo của công ty Đài Loan, những công nhân được thuê gần đây tại đơn vị sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu sẽ nhận được 8.000 nhân dân tệ nếu họ xin thôi việc ngay lập tức và sẽ nhận được 2.000 nhân dân tệ khác khi lên xe buýt rời cơ sở.

Một số nhân viên vẫn lo ngại về vi rút SARS-CoV-2 và hy vọng sẽ được nghỉ việc để trở về nhà. Công ty hiểu sâu sắc về những lo ngại này”, Foxconn cho hay. Gói 10.000 nhân dân tệ bao gồm tiền lương bị mất, phụ cấp cách ly và các vật dụng linh tinh, theo thông báo.

Theo video clip đang lan truyền trên mạng với nội dung đã được xác minh bởi nhân viên Foxconn vào ngày 23.11, một người đàn ông nói với nhóm công nhân về đề nghị bồi thường và yêu cầu họ tập trung lúc 19 giờ 30 tối nếu muốn nhận tiền để rời đi.

Người đàn ông hứa sẽ thu xếp vận chuyển để đưa công nhân về nhà trong tỉnh Hà Nam nhưng họ sẽ phải cách ly khi đến thành phố và thị trấn quê hương.

Dù vậy, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra trong nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, theo hai cựu công nhân vẫn giữ liên lạc với bạn bè vẫn làm việc tại đây. Ưu đãi lương một lần chỉ áp dụng cho công nhân mới thuê.

Foxconn không trả lời ngay lập tức khi về việc này về đề nghị bồi thường cho công nhân mới thuê.

Trước đó, Foxconn cho biết một số nhân viên mới tại cơ sở Trịnh Châu đã phàn nàn với công ty về phụ cấp làm việc. “Trợ cấp luôn được tôn trọng dựa trên các nghĩa vụ hợp đồng và chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đồng nghiệp có liên quan về vấn đề này”, công ty thông báo.

Video clip đang lan truyền trên mạng xã hội và được các nhân viên cũ Foxconn xác nhận với tờ SCMP là thật, cho thấy một nhóm lớn công nhân bên lề đường bị bao vây bởi những người mặc đồ hazmat màu trắng.

Các công nhân cũng được nhìn thấy đập ki ốt xét nghiệm COVID-19 bằng các thanh thép, ghế và bình chữa cháy. Họ hét lên: “Hãy đập tan nó”.

foxconn-tra-1400-usd-cho-cong-nhan-moi-thue-de-roi-khoi-nha-may-iphone-lon-nhat.jpg
Những người mặc đồ hazmat màu trắng bao vây nhóm công nhân ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới - Ảnh: Weibo

Theo hai cựu công nhân tại nhà máy Foxconn yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề này, các điều khoản về “phụ cấp lưu trú”, được hứa cho các nhân viên mới ở lại nhà máy đến ngày 15.2.2023, đã thay đổi. Công nhân hiện cần phải ở lại đến ngày 15.3.2023 để nhận tiền thưởng thêm một tháng dẫn đến sự bất bình và tức giận.

Rộ tin công ty Đài Loan yêu cầu một số công nhân chia sẻ ký túc xá với các đồng nghiệp nhiễm SARS-CoV-2. Thế nhưng, Foxconn bác bỏ điều này và cho biết tất cả ký túc xá đã được khử trùng trước khi những nhân viên mới thuê chuyển đến ở.

Vụ việc trên làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Trung Quốc phải đối mặt giữa việc dập dịch không khoan nhượng trong khi duy trì sản xuất bình thường. Foxconn đã phải duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ COVID-19 khi vẫn cố gắng sản xuất ở mức hoạt động cao nhất.

Foxconn đã triển khai chế độ sản xuất khép kín kể từ tháng 10 sau khi bùng phát COVID-19. Hàng chục ngàn công nhân đã bỏ trốn khỏi khuôn viên nhà máy ở Trịnh Châu vì lo ngại nhiễm SARS-CoV-2 và bị phong tỏa. Cơ sở này cần thêm 100.000 công nhân mới để khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất iPhone. Điều này khiến Apple phải đưa ra cảnh báo hiếm hoi vào đầu tháng 11 về việc các mẫu iPhone 14 Pro và 14 Pro Max xuất xưởng ít hơn dự đoán.

Tỉnh Hà Nam đã huy động một hệ thống quản trị cơ sở tại địa phương để giúp Foxconn tuyển dụng nhân công, còn Foxconn hứa thưởng thêm tiền mặt. Tuy nhiên, những người mới thuê phải trải qua 4 ngày cách ly tại những nơi được chỉ định và tuân theo các quy định kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt trước khi bắt đầu công việc.

Các cuộc đụng độ bạo lực đã phá vỡ bức tranh màu hồng được vẽ bởi các phương tiện truyền thông địa phương rằng hoạt động sản xuất đã trở lại suôn sẻ tại nhà máy Foxconn, nơi vào mùa cao điểm từng sử dụng đến 300.000 công nhân.

Tháng trước, Reuters báo cáo rằng sản lượng iPhone tại nhà máy ở Trịnh Châu có thể giảm tới 30% trong tháng 11 do các hạn chế về COVID-19.

Foxconn là nhà sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, chiếm 70% lượng iPhone xuất xưởng trên toàn cầu. Công ty Đài Loan sản xuất hầu hết điện thoại tại nhà máy ở Trịnh Châu, dù có các địa điểm sản xuất nhỏ hơn ở Ấn Độ và miền nam Trung Quốc. Cổ phiếu của Foxconn đã giảm 2% kể từ khi tình hình bất ổn xuất hiện vào cuối tháng 10.

Vào tối 23.11, Trịnh Châu đã thông báo sẽ áp đặt lệnh phong tỏa trên thực tế 5 ngày từ 25.11 đến ngày 29.11 với danh nghĩa "quản lý di chuyển" với xét nghiệm PCR được thực hiện trên toàn thành phố hàng ngày để tìm người mắc COVID-19.

Cư dân trong các khu vực có nguy cơ cao bị cấm “ra khỏi cửa”. Trong khi cư dân ở các khu vực khác bị cấm “ra khỏi cửa” cho đến khi được phép rời khỏi nhà.

Lịch trình các vấn đề xảy ra tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới


Ngày 13.10: Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 gia tăng ở Trịnh Châu, Foxconn đặt 200.000 công nhân của nhà máy dưới sự quản lý khép kín - một hệ thống nơi nhân viên sống và làm việc tại chỗ cách biệt với thế giới bên ngoài.

Ngày 21.10: Foxconn thắt chặt các hạn chế tại nhà máy nhưng cho biết hoạt động sản xuất vẫn bình thường.

Ngày 30.10: Nhiều công nhân nhập cư đã bắt đầu rời khỏi khuôn viên nhà máy và trở về quê. Các thành phố ở miền trung Trung Quốc vội vàng lên kế hoạch cách lý họ vì lo ngại có thể bùng phát dịch.

Ngày 31.10: Reuters đưa tin sản xuất iPhone có thể sụt giảm tới 30% tại nhà máy này vào tháng 11 do hạn chế COVID-19 chặt chẽ hơn, theo một người có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này.

Ngày 1.11: Foxconn thông báo đã tăng gấp bốn lần tiền thưởng cho công nhân tại nhà máy khi tìm cách dập tắt sự bất bình về các quy định COVID-19 và giữ chân nhân viên.

Ngày 2.11: Khu Kinh tế Sân bay Trịnh Châu, nơi có nhà máy Foxconn, phải phong tỏa 7 ngày.

Ngày 7.11: Apple cho biết dự kiến ​​sẽ các mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max xuất xưởng thấp hơn so với dự kiến trước đó sau khi cắt giảm sản lượng đáng kể tại nhà máy ở Trịnh Châu, làm giảm triển vọng bán hàng cho mùa lễ cuối năm bận rộn.

Ngày 9.11: Nhà máy ở Trịnh Châu vẫn tiếp tục phải cô lập các hoạt động và nhân viên bất chấp việc phần còn lại Khu Kinh tế Sân bay Trịnh Châu được dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Ngày 10.11: Foxconn cho biết dự kiến ​​doanh thu từ smartphone sẽ giảm trong quý 4 và đang điều chỉnh sản xuất để tránh ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng trong dịp lễ.

Ngày 23.11: Video trên mạng xã hội về cuộc biểu tình cho thấy những người đàn ông cầm gậy đập vỡ camera giám sát và cửa sổ. Nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình dường như do kế hoạch trì hoãn việc trả tiền thưởng.

Sơn Vân