Apple làm việc với Foxconn để công nhân ngừng gây bạo loạn ở nhà máy iPhone lớn nhất

Thế giới số - Ngày đăng : 13:00, 25/11/2022

Một đội từ Apple ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đang làm việc với Foxconn để giải quyết các khiếu nại của công nhân dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực tại đây.

Foxconn là hãng sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Foxconn cũng là nhà sản xuất iPhone lớn nhất cho Apple, chiếm 70% lượng iPhone xuất xưởng trên toàn cầu. Công ty Đài Loan sản xuất hầu hết điện thoại tại nhà máy ở Trịnh Châu, dù có các địa điểm sản xuất nhỏ hơn ở Ấn Độ và miền nam Trung Quốc.

Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ vừa cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi có các thành viên trong đội Apple tại cơ sở ở Trịnh Châu của nhà cung cấp Foxconn. Chúng tôi đang xem xét tình hình và hợp tác chặt chẽ với Foxconn để đảm bảo các mối lo ngại của nhân viên được giải quyết”.

Đây là lần đầu tiên Apple công khai việc giải quyết các cuộc biểu tình.

Kể từ hôm 22.11 đã xảy ra những cuộc đụng độ bạo lực giữa lực lượng an ninh chống bạo động mặc đồ hazmat và cầm dùi cui trên tay với những công nhân mới được Foxconn tuyển dụng phàn nàn về các khoản phụ cấp chưa được trả.

Hôm 24.11, công ty Đài Loan cho biết đã xảy ra "lỗi kỹ thuật" trong quá trình giới thiệu tuyển dụng. Foxconn cũng đảm bảo rằng "mức lương thực tế giống như những gì đã thỏa thuận và được quảng cáo trong áp phích tuyển dụng chính thức".

Foxconn đã hứa trả cho mỗi công nhân mới tuyển dụng 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) để rời khỏi nhà máy. Đây trong một động thái của công ty Đài Loan nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình trở thành bạo lực.

Theo thông báo của Foxconn, những công nhân được thuê gần đây tại đơn vị sản xuất iPhone ở Trịnh Châu sẽ nhận được 8.000 nhân dân tệ nếu họ xin thôi việc ngay lập tức và sẽ nhận được 2.000 nhân dân tệ khác khi lên xe buýt rời cơ sở.

Một số nhân viên vẫn lo ngại về vi rút SARS-CoV-2 và hy vọng sẽ được nghỉ việc để trở về nhà. Công ty hiểu sâu sắc về những lo ngại này”, Foxconn cho hay.

Gói 10.000 nhân dân tệ bao gồm tiền lương bị mất, phụ cấp cách ly và các vật dụng linh tinh, theo thông báo.

Theo video clip đang lan truyền trên mạng với nội dung đã được xác minh bởi nhân viên Foxconn, một người đàn ông nói với nhóm công nhân về đề nghị bồi thường và yêu cầu họ tập trung lúc 19 giờ 30 tối 23.11 nếu muốn nhận tiền để rời đi.

Người đàn ông hứa sẽ thu xếp vận chuyển để đưa công nhân về nhà trong tỉnh Hà Nam nhưng họ sẽ phải cách ly khi đến thành phố và thị trấn quê hương.

Một công nhân mới được tuyển dụng trong tháng này ở Trịnh Châu nói rằng anh và 7 người cùng phòng sẽ nhận tiền để rời đi.

Một công nhân họ Zhang mới được tuyển dụng, đến từ tỉnh lân cận Hà Nam, cho biết anh phải ở chung phòng tại ký túc xá Foxconn với 7 “tân binh” khác. “Mọi người trong ký túc xá đều muốn nghỉ việc”, anh nói.

Trước lúc được đưa vào ký túc xá, Zhang phải cách ly trong phòng khách sạn 3 ngày sau khi đăng ký với cơ quan lao động để làm việc cho Foxconn.

Zhang nói: “Nhà máy đang trong tình trạng hỗn loạn. Tôi nghe nói những người dương tính với SARS-CoV-2 vẫn đang làm việc bên trong nhà máy”.

Anh nói thêm rằng một số người đã cách ly 3 ngày vẫn không thể vào nhà máy để bắt đầu công việc.

Lời kể của Zhang giống những gì một nhân viên mới khác của Foxconn có biệt danh Xiaodong chia sẻ trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok.

Dù Foxconn đã trả cho anh 400 nhân dân tệ (tương đương 55,86 USD) một ngày như phụ cấp cách ly, Xiaodong cho biết vẫn lo sợ về tình hình bùng phát dịch ở nhà máy.

apple-lam-viec-voi-foxconn-de-cong-nhan-ngung-gay-bao-loan-o-nha-may-iphone-lon-nhat.jpg
Lực lượng an ninh đụng độ với công nhân bên ngoài nhà máy sản xuất iPhone ở Trịnh Châu - Ảnh: Weibo

Apple không nói rõ cuộc nổi loạn của công nhân tại nhà máy Foxconn sẽ trì hoãn việc xuất xưởng iPhone 14 Pro và Pro Max như thế nào, do mùa mua sắm nghỉ lễ đang cận kề.

Foxconn đã triển khai chế độ sản xuất khép kín kể từ tháng 10 sau khi bùng phát COVID-19. Hàng chục ngàn công nhân đã bỏ trốn khỏi khuôn viên nhà máy ở Trịnh Châu vì lo ngại nhiễm SARS-CoV-2 và bị phong tỏa. Cơ sở này cần thêm 100.000 công nhân mới để khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất iPhone. Điều này khiến Apple phải đưa ra cảnh báo hiếm hoi vào đầu tháng 11 về việc các mẫu iPhone 14 Pro và 14 Pro Max xuất xưởng ít hơn dự đoán vì nhà máy ở Trịnh Châu “hoạt động với công suất giảm đáng kể”.

Tỉnh Hà Nam đã xuất khẩu 8,4 triệu smartphone trong tháng 10, giảm 16,9% so với tháng trước, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc mới nhất. Trong khi xuất khẩu smartphone từ tỉnh Giang Tô, nơi đặt các nhà máy Foxconn khác, đã tăng 31% vào tháng 10 so với tháng trước.

Foxconn đã chuyển việc sản xuất iPhone sang các nhà máy khác của mình ở Trung Quốc, bao gồm Thâm Quyến và Giang Tô.

Kuo Ming-Chi, nhà phân tích nổi tiếng của hãng TF International Securities, cho biết khoảng 10% sản lượng iPhone toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng kể từ khi Foxconn bắt đầu vật lộn với việc bùng phát dịch tại nhà máy ở Trịnh Châu cuối tháng 10. Thành phố 12 triệu dân này đã báo cáo 153 ca mắc COVID-19 mới với 521 trường hợp tiếp xúc gần hôm 23.11 và phải phong tỏa 5 ngày kể từ 25.11.

Các nhà phân tích Daniel Ives và John Katsingris của công ty Wedbush Securities viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Việc ngừng hoạt động tại Foxconn là đòn giáng mạnh với Apple trong quý 4 và chúng tôi tin rằng đã đưa khoảng 5% đơn vị iPhone 14 ra khỏi chuỗi cung ứng”.

Họ cho rằng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sản xuất của Apple tại Trung Quốc có thể gây ra tình trạng thiếu hụt iPhone 14 Pro và Pro Max lớn vào mùa Giáng sinh năm nay, vì nhu cầu với các mẫu smartphone cao cấp này đã vượt quá nguồn cung.

Foxconn và Apple từ lâu đã bị chỉ trích vì cáo buộc vi phạm về lao động tại các nhà máy của công ty Đài Loan ở Trung Quốc.

Các nhóm vận động đã cáo buộc Foxconn lách luật lao động địa phương để thuê thêm công nhân tạm thời (nhiều người trong số họ đã đụng độ với lực lượng an ninh tuần này), phớt lờ việc đào tạo an toàn và các vấn đề khác.

Vào năm 2019, Apple phủ nhận những cáo buộc, nhưng thừa nhận công ty đã tuyển dụng vượt quá số lượng nhân viên hợp đồng mà pháp luật cho phép.

Sơn Vân