Tây Ban Nha tuyên chiến với chai nhựa

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:00, 26/11/2022

Nhằm giảm thiểu rác thải là chai nhựa đựng nước, luật mới ở Tây Ban Nha quy định các nhà hàng phải cung cấp nước máy miễn phí cho thực khách.

Nhân viên phục vụ ở nhà hàng được chủ yêu cầu đáp ứng nước máy miễn phí cho thực khách, nhưng phải kèm theo lời cảnh báo rằng nước có mùi rất tệ và không tốt cho sức khỏe.

rac-thai-nhua-tay-ban-nha-2-.jpg
Rác thải nhựa ở Tây Ban Nha - Ảnh: PA

Thực tế là Liên minh châu Âu (EU) đã liên tục khiển trách Tây Ban Nha về sự nghiêm ngặt trong quy trình xử lý nước của nước này. Theo tổ chức Hòa bình Xanh, Tây Ban Nha là nước sản xuất chai nhựa dùng một lần đứng thứ 5 trong khối EU nhưng rất ít số sản phẩm này được tái chế.

Chỉ số Rác toàn cầu 2022 phát hiện Đức sản xuất nhiều rác thải hơn Tây Ban Nha, 632kg so với 455kg mỗi đầu người, nhưng Đức xử lý tái chế một nửa lượng rác đó, trong khi ở Tây Ban Nha chỉ tái chế 86kg rác/người.

Trong bối cảnh đó, luật mới về rác của Tây Ban Nha được thông qua hồi tháng 4 và sẽ có hiệu lực từ năm 2023. Đi kèm là một mức thuế mới áp lên loại chai nhựa dùng một lần, và một mức thuế khác đánh lên rác đổ ngoài bãi chứa hoặc được chuyển đến nơi thiêu đốt rác. Mục đích của luật này là giúp Tây Ban Nha giảm 15% lượng rác thải kể từ năm 2030.

“Luật mới về rác cũng cấm tiếp thị các sản phẩm đựng trong bao bì nhựa dùng một lần. Ngoài ra, luật cũng cấm tiếp thị các loại mỹ phẩm, các chất tẩy có chứa vi nhựa; hạn chế sự tiêu hủy hoặc vứt bỏ các sản phẩm để lâu được nhưng không bán được như vải, đồ chơi hoặc đồ dùng điện tử”, theo giải thích của May Lopez, một chuyên gia ở Trường Kinh doanh EAE Business tại Madrid, Tây Ban Nha.

rac-thai-nhua-tay-ban-nha-1-.jpg
Rác ở một bãi chứa - Ảnh: DW

Đó là một thách thức cho nền kinh tế xứ sở đấu bò. Không như ở Đức, Tây Ban Nha chưa có một hệ thống xử lý tái chế chai nhựa. Nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ luật mới sẽ được tuân thủ hay không khi phong trào bảo vệ môi trường ở nước này không mạnh.

Dù vậy, luật mới quy định các nhà hàng và siêu thị phải giảm lượng rác. Thức ăn thừa phải đem cho hoặc chế biến thành thức ăn cho gia súc. Thực khách có quyền yêu cầu nhà hàng đóng gói thức ăn còn thừa của con họ để đem về nhà.

“Nhưng có một sự cách biệt lớn giữa mong muốn với thực tế, chúng tôi vẫn chưa có cơ sở hạ tầng để hỗ trợ”, theo lời Borja Mateu, người khẳng định có thể nếm thấy các mùi hóa chất trong nước máy.

Mateu là chủ một nhà máy tái chế nhỏ ở thành phố Alicante. Tại xí nghiệp này, các đôi giày cũ mòn được cắt thành những miếng nhỏ trước khi tạo thành những cúc áo, dây. Đây là một cách giảm số rác đem đổ ở các bãi chứa.

Tây Ban Nha có hai thương hiệu khổng lồ về thời trang “ăn liền” là Inditex và Mango. Hàng ngày, giới trẻ Madrid xếp hàng để mua các áo phông, áo khoác giá rẻ hiệu Mango, Primark, Bershka, Zara và Stradivarius. Vài tháng sau, nhiều món trong số hàng hóa này sẽ bị vứt bỏ và rất hiếm người quan tâm đến việc tái tạo một đời sống mới cho chúng.

Quần áo cũ và chợ trời không phổ biến ở Tây Ban Nha. Mateu nói nhiều đồng bào của ông không quam tâm đến bảo vệ môi trường. Ví dụ giới trẻ thường xả rác gồm vỏ lon bia, bao bì nhựa đựng thức ăn khi mở tiệc trái phép ở khu vui chơi dành cho trẻ em, nhưng các thanh thiếu niên này không bị cảnh sát tuần tra “thăm hỏi” dù có mức phạt 2.000 euro (2.070 USD) đối với việc xả rác bừa bãi.

Qua một buổi tối, đường phố Madrid lại sạch sẽ nhờ công lao quét dọn của nhân công vệ sinh làm việc lúc khuya. Các thành phố Tây Ban Nha chắc chắn sạch sẽ hơn các thành phố Đức, nhưng đi kèm là một cái giá phải trả: chi phí gom rác và làm sạch thành phố Madrid hiện cao hơn 70% so với trước khi bùng phát dịch COVID-19, theo tính toán của báo El Diario.

Bảo Vĩnh