Những nhà khoa học nữ Việt Nam và đề án được vinh danh trong năm 2022

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 14:10, 26/11/2022

Bốn nhà khoa học nữ với các đề án nghiên cứu về môi trường hoặc sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng, mới đây đã được vinh danh tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.

Tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, ngày 25.11, chương trình Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức lễ trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022. Giải thưởng đã được trao cho 3 nhà khoa học nữ Việt Nam có các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng.

Giải thưởng đồng thời vinh danh PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân, nhà khoa học nữ trẻ vừa được trao tặng giải thưởng L’Oreal - UNESCO Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (International Rising Talent) tại Paris vào tháng 6 vừa qua.

thanhvan1.jpg
PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng khoa học thế giới đề cử giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022

PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng khoa học thế giới đề cử giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022 cho nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng hydro xanh - thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững.

Công trình nhằm tiếp cận và giải quyết những vấn đề mang tính cấp thiết và thách thức toàn cầu về an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí nhà kính CO2, hướng đến phát triển bền vững bằng việc thiết lập vòng tuần hoàn năng lượng xanh, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu và sản xuất năng lượng hydro xanh, pin nhiên liệu.

Từ năm 2009, Chương trình L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã được giới thiệu đến Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích việc sử dụng trí tuệ, sự sáng tạo và đam mê của “một nửa thế giới” là những nhà khoa học nữ tại Việt Nam.

Trong suốt 13 năm qua, chương trình giải thưởng và học bổng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới này đã vinh danh 35 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, vì những nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với nghiên cứu khoa học.

Năm 2022, chương trình L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học vinh danh 3 nhà khoa học trẻ xuất sắc trong 2 lĩnh vực Khoa học vật liệu và Khoa học đời sống. Tiêu chí chọn lựa được dựa trên thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật thông qua số lượng các bài viết được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, các ấn phẩm khoa học được xuất bản, các hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang tham gia, cùng vai trò hình mẫu cho các thế hệ nghiên cứu trẻ.

Hội đồng khoa học L’Oréal – UNESCO For Women in Science tai Việt Nam đã bình chọn 3 nhà khoa học xuất sắc của năm 2022 bao gồm:

1. PGS-TS Lê Minh Hà - Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam - với dự án về các bài thuốc quý từ thảo dược tự nhiên.

minha1.png
PGS-TS Lê Minh Hà

Gần đây, hướng nghiên cứu khai thác các hoạt chất từ nguồn thảo dược tự nhiên trong hỗ trợ đau nhức xương khớp từ các bài thuốc của dân tộc vùng núi phía bắc Việt Nam đang phát triển bởi sự phù hợp, tính hiệu quả, an toàn và ít tác dụng phụ, trong đó có bài thuốc tắm lá nổi tiếng của người Dao đỏ tại xã Tả Phìn, huyện Sapa. Hiện tại, bài thuốc tắm nói trên đang được khẳng định qua trải nghiệm thực tế của dân địa phương và khách du lịch đến Sapa.

Nghiêu cứu của PGS-TS Lê Minh Hà hướng đến việc bổ sung các bằng chứng khoa học hiện đại cho bài thuốc này để góp phần bảo tồn lưu giữ các bài thuốc cổ của người dân tộc Dao đỏ; giúp người dân bản địa biết lưu giữ, phát triển nhân rộng các cây thuốc quý, phục vụ cho sức khỏe cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

2. PGS-TS Phan Thị Phương Nhi - Phó trưởng Khoa Nông học, phụ trách Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế, với dự án về di truyền của các loài chè.

phuongnhi1.png
PGS-TS Phương Nhi được vinh danh với dự án đánh giá đa dạng nguồn gien của các giống chè (trà) Việt Nam

PGS-TS Phương Nhi áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử trong việc đánh giá đa dạng nguồn gien, thông qua đó tạo lập nguồn kiến thức quý giá về đặc điểm các giống chè đang được trồng tại khu vực miền Trung, đặc biệt là nhận diện chè Truồi (loại chè Truồi đã từng là loại nước uống phổ biến trong cung đình Huế), góp phần khẳng định tên tuổi của chè Truồi là một đặc sản của cố đô Huế.

Đề án của PGS-TS Phương Nhi có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá đa dạng di truyền các loài chè, định danh cấp độ các loài để có thể đảm bảo chất lượng của các loại chè, từ đó có thể bảo tồn các nguồn vật liệu quý và đặc hữu, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của cô đô Huế.

Vị ngon của chè được tạo nên bởi giống chè bản địa “chè Truồi”, kết hợp với tiểu khí hậu đặc trưng ở triền núi Ấn Lĩnh, nguồn nước thiên nhiên và chất đất phù sa được bồi đắp hàng năm từ sông Hưng Bình thuộc làng Nam Phổ Cần, mang lại cho người dùng cảm giác khó quên khi được thưởng thức hương thơm nồng tự nhiên, vị chát ngọt và dịu nhẹ của loại chè này.

3. TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.

thanhhuong2.png
TS Hà Thị Thanh Hương 

TS Hà Thị Thanh Hương được vinh danh qua đề án nghiên cứu về kỹ thuật phát hiện sớm bệnh Alzheimer qua việc sử dụng dấu ấn sinh học có trong huyết tương là protein p-tau 217.

Đề án của TS Thanh Hương tập trung vào việc sử dụng những dấu ấn sinh học có trong huyết tương đầy triển vọng được dùng cho chẩn đoán Alzheimer là protein tau được phosphoryl hóa (p-tau). P-tau là một thành phần quan trọng kích hoạt sự hình thành của đám rối tơ thần kinh nội bào, vốn là một cơ chế bệnh sinh quan trọng của bệnh Alzheimer.

Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào hướng tới việc phát triển một xét nghiệm kết hợp hóa chất miễn dịch và hạt nano để chẩn đoán sớm AD sử dụng mẫu huyết tương. Vì thế, nghiên cứu của TS Thanh Hương nhắm đến việc áp dụng một xét nghiệm siêu nhạy đã được xác minh là hoạt động hiệu quả với p-tau 181, một dấu ấn sinh học AD có nồng độ thấp trong máu là nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng.

Bằng cách áp dụng các nguyên tắc điện hóa, phương pháp này rất tiềm năng trong việc mang lại độ chính xác cao với giới hạn phát hiện và định lượng tối thiểu, đảm bảo phát hiện được sự thay đổi nồng độ p-tau trong mẫu máu dù là nhỏ nhất để phân biệt bệnh nhân AD với nhóm chứng.

Nhóm nghiên cứu của TS Hương cũng đã kết nối với các bệnh viện hàng đầu về sa sút trí tuệ tại Việt Nam, bao gồm Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện 30.4, cũng như các nhóm nghiên cứu chẩn đoán phân tử từ Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách khoa TP.HCM, tạo điều kiện hợp tác trong tương lai cùng triển khai hướng nghiên cứu rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn tại Việt Nam.

Nhật Hạ