Đảng cầm quyền Ba Lan hứng chỉ trích vì kích động tư tưởng ‘chống Đức’
Quốc tế - Ngày đăng : 07:16, 27/11/2022
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đầu tuần này đã đề xuất Đức đặt hệ thống tên lửa phòng không Patriot gần biên giới Ukraine, một ngày sau khi người đồng cấp Đức Christine Lambrecht đề xuất hỗ trợ Ba Lan bảo vệ không phận bằng cách "triển khai tiêm kích Typhoon và hệ thống tên lửa phòng không Patriot".
Chính phủ Ba Lan nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mà Đức đề xuất cung cấp cho nước này nên được chuyển cho Ukraine. Theo AP, Ukraine hoan nghênh động thái của Ba Lan, vì Kyiv đang rất cần những hệ thống giúp bảo vệ bầu trời nhằm đối phó với những đợt tấn công dồn dập của Nga.
Tuy nhiên, nhật báo Rzeczpospolita gọi đề xuất mới của các nhà lãnh đạo Ba Lan là "gây sốc", lập luận rằng hành động sẽ yêu cầu gửi binh sĩ Đức vận hành hệ thống tới Ukraine, và "điều đó sẽ kéo NATO đụng độ trực tiếp với Nga, điều mà liên minh đã từng cố gắng tránh ngay từ đầu".
"Đề xuất này ảnh hưởng đến uy tín của Ba Lan, và trên tất cả là an ninh của chính đất nước. Người Đức nhận được tín hiệu rõ ràng rằng chúng tôi không muốn sự giúp đỡ của họ, vì thế năng lực phòng thủ trên bầu trời Ba Lan sẽ thấp hơn. Trong cuộc chiến tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ năm 1945, đây là một sai lầm không thể tha thứ", phó tổng biên tập nhật báo Rzeczpospolita Michal Szuldrzynski viết.
Một phụ tá của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nhà lãnh đạo quốc gia Trung Âu đã không được hỏi ý kiến về quyết định này. Tổng thống Duda hiện là chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang của Ba Lan và có tiếng nói về các vấn đề an ninh quốc gia.
Ông Duda tin rằng nếu các tên lửa được sản xuất bởi Đức, bất kể chúng được đặt ở đâu, trước hết chúng phải bảo vệ lãnh thổ của Ba Lan và người Ba Lan, Pawel Szrot, Chánh văn phòng của Tổng thống Ba Lan cho biết.
Đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân túy của Ba Lan đã phải đối mặt với mức độ tín nhiệm bị giảm sút do lạm phát 18%. PiS được cho là đang tăng cường khơi dậy tư tưởng "chống Đức" để lấy lòng cử tri lớn tuổi.
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau đầu tháng trước đã ký công hàm yêu cầu Đức trả tiền bồi thường liên quan Thế chiến 2, vấn đề mà Berlin cho rằng đã được giải quyết vào năm 1990. Warsaw ước tính số tiền bồi thường lên đến gần 1.300 tỉ euro.
Lãnh đạo đảng cầm quyền PiS, ông Jaroslaw Kaczynski đang cố gắng gán mác “thân Đức” cho các đối thủ trong nước, nhất là cựu lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk. Ông Kaczynski hôm 20.11 đã nói rằng nếu đảng của ông Tusk chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm sau, Ba Lan sẽ “nằm dưới gót giày của Đức”.
Ông Kaczynski cũng đổ lỗi cho Đức và EU làm đảo ngược những thay đổi đối với cơ quan tư pháp nước này. Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã tạo ra những căng thẳng mới giữa Warsaw và Berlin. Ba Lan từ lâu đã phản đối các thỏa thuận khí đốt của Đức với Nga và cũng đã chỉ trích sự chần chừ ban đầu của Berlin trong việc trang bị vũ khí hỗ trợ cho Ukraine.
Khi Đức đề xuất cung cấp cho Warsaw các máy bay chiến đấu Eurofighter và các khẩu đội tên lửa phòng không Patriot, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ban đầu nói rằng ông sẽ chấp nhận đề nghị này “với sự hài lòng”. Lời đề nghị được đưa ra sau vụ tên lửa bay lạc từ biên giới Ukraine sang Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng hôm 15.11.
Chính phủ Ba Lan đã thay đổi thái độ sau khi ông Kaczynski có cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn nhà nước PAP hôm 22.11, nói rằng đề nghị của Đức “thú vị”, song “điều tốt nhất cho an ninh của Ba Lan là Đức giao các thiết bị đó cho Ukraine”. Ông Blaszczak và Thủ tướng Mateusz Morawiecki đều nhắc lại quan điểm của lãnh đạo đảng cầm quyền Kaczynski, người được cho là đang chỉ đạo chính phủ từ Ba Lan từ hậu trường.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tăng cường các hệ thống phòng thủ dọc theo sườn phía đông, bao gồm cả Ba Lan, trong khi Warsaw đã nỗ lực để củng cố quân đội của quốc gia với việc mua sắm vũ khí lớn.
Chính sách của NATO là không tham gia trực tiếp vào xung đột và chỉ triển khai hệ thống phòng thủ để bảo vệ các nước thành viên. NATO đã triển khai các hệ thống phòng không tới Ba Lan, Slovakia, và Romania.