Phát hiện hóa thạch khủng long 120 triệu năm tuổi với con ếch trong bụng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:05, 27/11/2022

Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện hóa thạch của con khủng long giống chim được bảo quản khá nguyên vẹn với phần ruột chứa một bộ xương ếch hóa thạch.
hoa-thach.jpg
Hóa thạch khủng long vừa được khai quật - Ảnh: Science

Theo một báo cáo của Sci News được công bố vào thứ Hai, loài khủng long có tên Daurlong wangi, là một loại dromaeosaurid (khủng long giống chim) cỡ trung, chủ yếu ăn cá, động vật có vú và các loài khủng long nhỏ khác.

Hóa thạch được phát hiện khá nguyên vẹn ở địa điểm Jehol Biota nổi tiếng, một hệ sinh thái nước ngọt và trên cạn kỷ Phấn trắng được bảo tồn trong khối đá khổng lồ nhiều lớp ở phía tây tỉnh Liêu Ninh và các khu vực lân cận ở miền đông bắc Trung Quốc.

Tiến sĩ Xuri Wang từ Viện Địa chất thuộc Học viện Khoa học Địa chất Trung Quốc cho biết: “Dromaeosauridae là một nhánh gồm các loài khủng long chân thú cỡ nhỏ đến trung bình được biết đến từ kỷ Phấn trắng ở cả hai bán cầu. Khu sinh vật Jehol Biota đã cung cấp sự đa dạng phong phú của các loài dromaeosaurid, với phần lớn trong số đó được gọi là Microraptorinae”.

minh-hoa.jpg
Hình ảnh minh họa về loài khủng long giống chim

Con khủng long vừa được khai quật có hài cốt gần như hoàn chỉnh, lộ ra ở địa danh Đồi bồ câu của Hệ tầng Long Giang thuộc Nội Mông, thậm chí còn nguyên một bộ xương ếch hóa thạch bên trong ruột. Chiều dài khi còn sống của nó khoảng 1,5 mét.

“Việc tái tạo lại đường tiêu hóa ở các loài đã tuyệt chủng, bao gồm cả khủng long, có thể được suy ra gián tiếp từ những gì còn sót lại trong ruột. Đây là lần đầu tiên phát hiện được hóa thạch khủng long với phần đường ruột nguyên vẹn ngoài mong đợi”, các tác giả báo cáo viết.

Long Hải