Người dùng bị chia rẽ khi Facebook đổi mới newsfeed trên hàng trăm triệu iPhone

Thế giới số - Ngày đăng : 11:52, 27/11/2022

Người dùng bị chia rẽ khi Facebook tung ra thay đổi cho hàng trăm triệu iPhone. Nó được thiết kế để cải thiện trải nghiệm người dùng nhưng không phải ai cũng thích thú.

Facebook đã trình làng sự thay đổi với cách newsfeed (nguồn cấp tin tức) của họ xuất hiện trên ứng dụng di động iOS.

Người dùng iPhone bị chia rẽ vì quyết định đánh đổi khả năng hiển thị của một số tính năng nhất định để nội dung có nhiều không gian hơn trên màn hình.

Theo bản cập nhật mới cho ứng dụng Facebook, menu trên cùng và dưới cùng biến mất ngay khi người dùng bắt đầu cuộn qua nguồn cấp tin tức của họ. Người dùng iPhone có bản cập nhật Facebook nay cần phải cuộn lên để các thẻ hiện ra lại.

Dù các tính năng mới thường giống nhau trên cả iPhone và smartphone Android, vẫn chưa rõ liệu người dùng Android có đang trải nghiệm cùng bản cập nhật Facebook hay không.

Nhà tư vấn truyền thông xã hội Matt Navara hài lòng với sự thay đổi này khi viết: “Facebook đã thực hiện một thay đổi thú vị với ứng dụng iOS của mình".

nguoi-dung-bi-chia-re-vi-facebook-thay-doi-newsfeed-cho-hang-trieu-nguoi-dung-iphone.jpg
Không phải ai cũng thích thú với việc đổi mới cách hiển thị newsfeed trên ứng dụng Facebook như Matt Navara

Tôi đã có điều này trong khoảng một tuần! Tôi thích nó rất nhiều, loại bỏ sự lộn xộn và bạn thực sự có thể tập trung vào nguồn cấp dữ liệu”, một người dùng viết.

Thế nhưng, không phải ai cũng thích thú với sự đổi mới đó.

Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một vấn đề nên đóng ứng dụng, nhưng sau đó tôi nhận ra đó là trải nghiệm toàn màn hình mới... Tôi đã quá quen với việc liên tục chạm vào các tùy chọn menu ở phía dưới!”, một người dùng bình luận.

Một người khác viết: “Tôi thấy điều này vào tuần trước, không chắc tôi có phải là một người hâm mộ hay không”.

Thật khó chịu khi phải cuộn lên lại một lần nữa để tôi có thể nhấn vào các biểu tượng ở dưới cùng”, một người khác viết.

Apple cố bóp nghẹt Meta Platforms trong mảng quảng cáo

Cuối tháng 10, Apple ra quy định mới buộc các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram phải trả 30% chi phí khi người dùng muốn tăng tương tác cho bài đăng.

Apple âm thầm cập nhật quy định mới trên App Store, trong đó yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng mạng xã hội trên iOS tích hợp tính năng mua trong ứng dụng (in-app purchase).

Điều này đồng nghĩa bất kỳ mạng xã hội nào cho phép người dùng trả phí để tăng lượt tiếp cận nội dung đều phải chia lại cho Apple 30% doanh thu.

Quy định đó sẽ chủ yếu tác động đến hai ứng dụng của Meta Platforms là Facebook và Instagram, nơi người dùng vẫn thường xuyên trả tiền để thúc đẩy lượt tương tác cho bài đăng của mình. Đây là lần đầu Apple thu tiền trực tiếp vào quảng cáo trong ứng dụng của App Store và được xem là đòn tấn công trực diện vào Meta Platforms.

Tom Channick, người phát ngôn Meta Platforms, cho rằng Apple đang kìm hãm các công ty đối thủ trong khi tìm cách phát triển hoạt động kinh doanh riêng của mình. Trước đây, Apple từng khẳng định không tính phí trên doanh thu quảng cáo của nhà phát triển, song nhà sản xuất iPhone đã thay đổi quyết định.

Do bị Apple thu 30%, Meta Platforms có thể sẽ bắt người dùng chịu một phần chi phí này bằng cách tăng giá cho tính năng tăng lượng tương tác bài đăng.

Việc thu phí chưa ảnh hưởng nhiều đến doanh thu quảng cáo của Facebook và Instagram, do các công ty tiếp thị thường giao dịch qua một ứng dụng quản lý độc lập. Song trong tương lai, Apple cũng có thể thay đổi quy định để thu phí với ứng dụng quản lý quảng cáo.

Trước đây, Apple nhắm đến miếng bánh béo bở đến từ lợi nhuận quảng cáo của Facebook nhưng bị từ chối.

Năm 2020, Apple gây sốc khi khi công bố tính năng App Tracking Transparency (ATT - minh bạch theo dõi người dùng). ATT cho người dùng toàn quyền lựa chọn mình có muốn các ứng dụng trên smartphone theo dõi hành vi không, khiến các nền tảng quảng cáo mất lợi thế lớn. Facebook (giờ là Meta Platforms) bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì ATT.

ATT giúp người dùng dễ dàng quản lý việc các ứng dụng cùng trang web của bên thứ ba, chẳng hạn Facebook, thu thập dữ liệu và theo dõi họ.

Theo tờ Wall Street Journal, trên thực tế Apple và Facebook từng là đối tác kinh doanh tiềm năng. Thậm chí, Apple đã lên kế hoạch bắt tay với Facebook để chia sẻ doanh thu trị giá hàng tỉ USD trong lĩnh vực quảng cáo.

Sự hợp tác giữa Apple và Facebook diễn ra vào giai đoạn năm 2013-2018. Trong khi Apple sở hữu App Store, Facebook lại là một trong những cái tên phổ biến nhất trên kho ứng dụng khổng lồ này.

Theo Wall Street Journal, một trong những đề xuất được phía Apple nêu ra là chia sẻ doanh thu thông qua bản trả phí và tính năng mua quảng cáo của Facebook.

Theo báo cáo, Apple đề nghị Facebook tạo một phiên bản ứng dụng có thu phí. Bù lại, người dùng sẽ không phải xem quảng cáo trong ứng dụng. Với mỗi lượt đăng ký, Apple sẽ thu từ 15% đến 30% hoa hồng thông qua App Store.

Ngoài ra, Apple còn muốn lấy doanh thu từ việc bán quảng cáo của Facebook. Apple lập luận việc người dùng mua quảng cáo để tăng lượng tiếp cận bài đăng cần được coi là mua hàng trong ứng dụng và phải tuân theo các nguyên tắc của nền tảng. Điều này cũng có nghĩa Facebook cần trả 30% hoa hồng cho Apple. Tuy nhiên, Facebook từ chối các ý tưởng đó.

Apple không phủ nhận báo cáo nói trên và cho biết ý tưởng được thảo luận với Facebook "cũng được đưa ra với mọi nhà phát triển khác nhằm mang lại trải nghiệm người dùng tốt nhất".

"Mỗi ngày chúng tôi gặp gỡ và cộng tác với các nhà phát triển ở mọi quy mô nhằm đề xuất, giải quyết các mối quan tâm và giúp họ phát triển kinh doanh", người phát ngôn Apple nói.

Đến năm 2020, Apple lần đầu công bố ATT trên iOS, cho phép người dùng quyết định việc theo dõi của các ứng dụng trên iPhone. Tính năng này chính thức được áp dụng từ iOS 14.5 năm 2021. Khi một ứng dụng như Facebook muốn theo dõi hành vi người dùng, iPhone sẽ hỏi họ có cho phép hay không. Phần lớn người dùng chọn "Không" khiến các công ty không thể phân phối quảng cáo chính xác, từ đó mất nguồn thu.

Trước nghi vấn về việc trả thù Facebook, đại diện của Apple khẳng định rằng "không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa các quan hệ đối tác với những thay đổi về việc theo dõi quảng cáo".

Theo ước tính của công ty quản lý dữ liệu Lotame, các ông lớn như Facebook, Twitter, Snap và YouTube đã mất hơn 17,8 tỉ USD doanh thu vì ATT.

Facebook gặp rất nhiều khó khăn với hệ thống theo dõi quảng cáo của mình. Theo Wall Street Journal, ATT là nguyên nhân chính khiến hơn 600 tỉ USD vốn hóa của Meta Platforms bốc hơi chỉ trong vòng chưa đến một năm. Doanh thu Meta Platforms giảm quý thứ hai liên tiếp (quý 2 và quý 3/2022) do sự lao dốc của mảng kinh doanh quảng cáo.

Năm ngoái, Facebook được cho phải chi thêm 10 tỉ USD để xây dựng lại hạ tầng của mình nhằm hiển thị quảng cáo tốt hơn đến người dùng iOS.

Việc thắt chặt chính sách của Apple còn được cho là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến quyết định chuyển hướng sang metaverse của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg.

Tháng 10.2021, Facebook đổi tên thành Meta Platforms, xây dựng hệ sinh thái metaverse với tham vọng tự tạo ra luật chơi của riêng mình, giảm phụ thuộc vào Apple.

Thế nhưng, theo đuổi metaverse khiến Meta Platforms gặp nhiều khó khăn trong tương lai khi công ty dự kiến ​​mức lỗ cao hơn đáng kể vào năm 2023 cho Reality Labs. 

Reality Labs, đơn vị giám sát các hoạt động metaverse của Meta Platforms, đã báo cáo khoản lỗ 3,67 tỉ USD trong quý 3/2022. Điều này đưa tổng số lỗ của Reality Lab kể từ đầu năm 2021 là gần 20 tỉ USD. Dù vậy, Mark Zuckerberg kêu gọi các cổ đông hãy kiên nhẫn, nói rằng những ai đầu tư vào Meta Platforms "cuối cùng sẽ được đền đáp".

Sơn Vân