EVN tính năm 2022 có thể lỗ hơn 31.000 tỉ đồng, giá điện liệu có tăng?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 23:15, 27/11/2022

Với các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, EVN dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỉ đồng.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỉ đồng.

Theo đó, tập đoàn này quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm chi phí, như: tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện... Cùng với đó, thực hiện các giải pháp về tối ưu hóa dòng tiền, thực hiện thu cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của EVN trong năm 2022.

Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỉ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN, ngoài ra chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm 2022 và chỉ bằng 92,8% so với năm 2021.

Với các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của Công ty Mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỉ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỉ đồng.

Tập đoàn này cho hay trong bối cảnh tình hình tài chính như vậy sẽ dẫn tới nguy cơ có rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo trong một số vấn đề.

Trước hết là khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Ngoài ra, trong vài năm gần đây, chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm chi phí theo định mức từ 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới. Cuối cùng là khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.

Theo các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021. Do đó, dự kiến năm 2023, EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.

Năm 2023 dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn đang ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời, tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao.

Theo EVN, giá điện Việt Nam bất động từ tháng 3.2019 đến nay trong khi giá điện thế giới đang tăng từng ngày, EVN muốn cơ quan điều hành cho tăng giá điện theo đúng quy định.

EVN mới đây cũng đưa ra báo cáo về giá bán điện trong quý 4/2022 của Việt Nam và so sánh tương quan với giá điện thế giới. Theo đó, giá điện bán lẻ của Việt Nam hiện đang duy trì ở mức bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT). EVN nhấn mạnh, mức giá này được giữ từ tháng 3.2019 đến nay.

EVN cho biết, điều này gây bất cập bởi giá thành sản xuất kinh doanh điện của nửa đầu năm 2022 liên tục tăng do áp lực tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.

Tập đoàn này cũng lấy dẫn chứng về giá điện tại nhiều nước như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan... cũng tăng cao thời gian qua.

Đơn cửa như ở Thái Lan, tờ Nation cho biết, giá điện sinh hoạt tại Thái Lan sẽ tăng lên 4,72 baht/kWh (khoảng 3.273 đồng/kWh) từ tháng 9.2022 khi Ủy ban Điều tiết năng lượng (ERC) sẽ tăng biểu giá nhiên liệu (Ft) được dùng để tính toán hóa đơn. Cụ thể, ERC cho hay sẽ tăng thuế nhiên liệu thêm 0,6866 baht/đơn vị (khoảng 477 đồng/đơn vị) lên 0,9343 baht/đơn vị (khoảng 638 đồng/đơn vị) trong giai đoạn tháng 9.2022 đến tháng 12/2022.

ERC xem xét giá Ft bốn tháng một lần (tháng 1, 5 và 9). Lý do chính của sự gia tăng là do nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các thị trường giao ngay để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng từ Vịnh Thái Lan.

ERC cho biết sản lượng LNG nội địa của Thái Lan đã giảm từ 3,1 xuống 2,5 triệu feet khối mỗi ngày, buộc nước này phải nhập khẩu thêm LNG để cung cấp cho các nhà máy điện của mình. Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine đã làm tăng giá LNG trên thị trường toàn cầu, làm tăng chi phí sản xuất điện của Thái Lan.

ERC dự đoán tình trạng thiếu LNG sẽ kéo dài đến năm 2023 do nguồn cung ở Thái Lan và Myanmar vẫn không chắc chắn và tình hình kinh tế cản trở đầu tư vào các dự án thăm dò LNG mới. ERC cũng đang nghiên cứu khả năng sử dụng các nhiên liệu khác để cung cấp cho các nhà máy điện của Thái Lan, bao gồm nhiên liệu dầu, diesel, than đá, thủy điện và năng lượng tái tạo. ERC cũng kêu gọi các hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm điện để giảm sự phụ thuộc của đất nước vào LNG nhập khẩu.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM ngày 27.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị tính toán lại giá điện đúng với quy luật thị trường khi kiểm soát được lạm phát. Việc tính toán lại giá điện phải đúng theo tinh thần không tạo chuyển đổi đột ngột, để người dân an tâm.

Tuyết Nhung