Dư âm Tây Ban Nha hòa Đức: Đẳng cấp đối đầu đẳng cấp, “vai phụ” ghi bàn

Thể thao - Ngày đăng : 08:25, 28/11/2022

Một trận đấu chỉ có 2 bàn thắng, chia đều cho hai đội. Nhưng người xem đều thỏa mãn, vì đó là cuộc trình diễn của hai đội bóng đẳng cấp. Dù sự thể hiện đẳng cấp thì khác nhau.

Đội Tây Ban Nha vẫn bình tĩnh với lối chơi đan dệt từ thủ môn lên, bóng đan ngắn, độ kiếm soát bóng cao, dĩ nhiên tốc độ bóng tới khung thành đối phương không cao, nhưng nếu đối phương ấy “yếu bóng vía”, họ có thể vỡ trận khi đối đầu với lối chơi này. Costa Rica đã vỡ trận khi gặp Tây Ban Nha, chính vì lối chơi của đội quân áo đỏ khiến họ lúng túng, cảm thấy như bị giăng lưới, và cuồi cùng, chịu thua 0-7. Trong khi cũng Costa Rica ấy, chơi với Nhật Bản, họ lại thắng 1-0.

Đức thì khác. Đó là đội bóng đẳng cấp, họ không cùng lối chơi đan dệt kiểm soát bóng cao độ như Tây Ban Nha, nhưng họ không hề sợ hãi trước lối chơi này, và vẫn chơi áp sát, đưa bóng lên nhanh, sẵn sàng đua tốc độ, và dứt điểm mỗi khi có cơ hội. Lối chơi của Đức vẫn giữ nét cổ điển, xử lý và chạy chỗ tùy tình huống, lên bóng dọc biên hay đánh thẳng trung lộ tùy thực tế bóng phát triển trên sân, không câu nệ vào bất cứ kiểu chơi nào, nhưng sẵn sàng hóa giải những lối chơi khác lạ của đối phương. Đức là đội bóng bản lĩnh.

Nhưng Tây Ban Nha cũng là đội bóng bản lĩnh không kém, vì chơi theo kiểu Barcelona có cải biên đòi hỏi sự dày công tập luyện, và biết lúc nào thì chuyển trạng thái để dẫn tới những kết thúc bất ngờ.

Vậy mà trong cuộc đối đầu giữa hai bản lĩnh, giữa hai đội đẳng cấp này, hai bàn thắng quí như vàng được ghi chia đều cho hai đội lại do hai tiền đạo mục tiêu vào thay người, tạm coi là “hai vai phụ” ghi. Dường như khi thay Alvaro Morata vào sân, HLV Tây Ban Nha nghĩ đưa cầu thủ tiền đạo kỳ cựu này để tạo sự khác biết trong phong cách tấn công.

Đúng như thế. Morata vào sân phút 54, tới phút 62 là tròn 8 phút, anh lập tức ghi bàn. Cú ghi bàn bằng má ngoài của Morata là một kiệt tác nghệ thuật, nó khiến một thủ môn dày dạn kinh nghiệm như Neuer chỉ còn biết đứng nhìn bóng bay vào lưới. Phía bên Đức cũng thay người, dù có chậm hơn, phút 70 tiền đạo mục tiêu Niclas Fullkrug vào sân. Và thêm Leroy Sane nhằm tăng sức tấn công. Tất cả chỉ vì phải có bàn thắng, nếu còn muốn ở lại một cách rõ ràng hơn cùng World Cup.

Hai cầu thủ này đã không phụ lòng tin của HLV mình. Ở phút 83. Sane là người đi bóng quá hay khiến hàng thủ của Tây Ban Nha lúng túng. Sau đường chuyền của Sane, Musiala qua người kỹ thuật rồi tới lượt Fullkrug là người đón bóng, sút tung lưới thủ thành Unai Simon để gỡ hòa.

Đó là hai sự điều chỉnh từ hai đội bóng đẳng cấp và không thiếu những cầu thủ trẻ tài năng. Nhưng trong những tình huống gay cấn nhất, những cựu binh tài năng vẫn là chia khóa mở ra những bàn thắng. Câu chuyện này đã được kể đi kể lại nhiều lần, và những HLV dù tự tin dùng cầu thủ trẻ tới đâu, cũng đều biết. “Gừng càng già càng cay” là vậy.

Xem hai đội bóng đẳng cấp thi đấu với nhau, cảm thấy thời gian trôi mau. Phong cách và chiến thuật của họ càng khác nhau lại càng thú vị. Nó chứng tỏ rằng, “cách viết riêng” từng trận đấu của hai đội bóng đẳng cấp đối đầu nhau luôn tạo ra những màu sắc riêng, dấu ấn riêng, nó khiến người thưởng thức chúng ta nhiều lúc như mê đi vì sức thu hút của sự sáng tạo.

Tôi nghĩ, Đức sẽ đi tiếp. Còn Tây Ban Nha, họ sẽ cứ đan dệt đẹp đẽ như thế mà gặt hái tiếp những thành công.  

Nhà thơ Thanh Thảo