Tại sao cần đưa lương, thưởng tết vào nội quy lao động?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:50, 28/11/2022
GS-TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, khuyến nghị tổ chức công đoàn cần vận động giới chủ đưa thưởng tết, lương tháng 13 vào nội quy lao động hay thỏa ước lao động tập thể thay vì cứ dịp tết lại rộ lên câu chuyện công nhân được thưởng tết bao nhiêu.
Theo bà Hương, công đoàn cần vận động giới chủ đưa thưởng tết, lương tháng 13 vào nội quy, thỏa ước thay vì cứ dịp tết lại rộ lên câu chuyện công nhân được thưởng tết bao nhiêu. "Tết đến, công nhân cứ ngóng chờ doanh nghiệp "rót" thưởng".
Cũng theo bà Hương, khẩu hiệu "không ai bị bỏ lại phía sau" rất tốt, nhưng việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả, như hình ảnh ô doa (bình tưới cây), rất nhiều chính sách được "tưới ra" nhưng không "ướt" đến tất cả người lao động. Bà Hương còn đề xuất thời gian làm việc tối đa 40 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần hiện nay.
Đối với dự báo tình hình, tác động giai đoạn 2023-2028, có ý kiến cho rằng cần phải phân tích được đặc điểm tình hình của giai đoạn 2018-2023 với việc thực hiện chương trình các đại hội 12, 13 của Đảng, đại hội 12 Công đoàn Việt Nam, trong đó có các vấn đề của công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn.
Đặc biệt, cần phải nêu rõ số lượng, chất lượng, cơ cấu của công nhân, viên chức, người lao động, điều kiện việc làm (tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), thu nhập, tiền lương, điều kiện sống; tình hình thực hiện pháp luật lao động; đào tạo người lao động, trình độ nghề nghiệp. Đó là những cơ sở để dự báo giai đoạn 2023-2028.
Nhìn lại Tết năm 2022, theo công bố của Bộ LĐ-TB-XH về tình hình thưởng tết năm 2022 từ các tỉnh thành (với gần 42.000 doanh nghiệp có báo cáo), mức thưởng bình quân của cả Tết dương lịch và âm lịch đều giảm so với năm 2021. Về mức thưởng Tết âm lịch, có khoảng 62,7% doanh nghiệp trong tổng số 42.000 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng, với mức thưởng bình quân là gần 1 tháng lương, tương đương 6,17 triệu đồng/người, bằng 97% so với thưởng dịp Tết âm lịch năm 2021.
Hầu hết các loại hình doanh nghiệp đều ghi nhận mức thưởng Tết âm lịch bình quân sụt giảm từ 2-10% so với năm 2021. Bên cạnh những doanh nghiệp có mức thưởng khủng lên tới hơn 1 tỉ đồng/người thì cũng có những đơn vị chỉ thưởng cho người lao động bằng hiện vật trị giá vài trăm nghìn đồng. Đặc biệt, có doanh nghiệp không thưởng được đồng nào cho người lao động.
Vì luật không quy định khái niệm cụ thể, nên lương tháng 13 hay thưởng tết cũng chỉ là tên gọi do mọi người tự đặt, bản chất nó đều là khoản “thưởng” theo điều 104 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, luật quy định thưởng tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp trong mọi trường hợp. Khoản thưởng được đưa ra căn cứ theo kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Vì vậy, người lao động sẽ được thưởng tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, theo quy chế nội bộ doanh nghiệp về thưởng tết, thỏa ước lao động tập thể (thường phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động...).
Doanh nghiệp cũng có quyền không thưởng tết cho người lao động nếu kinh doanh không có lãi hoặc người lao động không hoàn thành công việc được giao. Trong năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 nên không thể thưởng tết.
Vì vậy, chuyện lương-thưởng tết vẫn luôn là đề tài nóng và gây nhiều tranh cãi.